Lờn thuốc

Vì hoàn cảnh vợ tôi là con một nên tôi đành chấp nhận ở rể sau khi cưới và tuy hai cụ nhạc rất tốt bụng nhưng tôi lại muốn sống độc lập càng sớm càng tốt. Nguyên nhân âm ỉ rồi bùng phát ngày một lớn chính là sự xung đột về dạy con khá cứng rắn, hiện đại của vợ tôi và thái độ chiều cháu thái quá của bà ngoại.

Vì hoàn cảnh vợ tôi là con một nên tôi đành chấp nhận ở rể sau khi cưới và tuy hai cụ nhạc rất tốt bụng nhưng tôi lại muốn sống độc lập càng sớm càng tốt. Nguyên nhân âm ỉ rồi bùng phát ngày một lớn chính là sự xung đột về dạy con khá cứng rắn, hiện đại của vợ tôi và thái độ chiều cháu thái quá của bà ngoại.

Là người chịu nhịn, ít nói, tôi càng bực mình khi không thể giãi bày điều khó nói này với mẹ vợ bởi vì biết rõ bà ngoại thương cháu, yêu cháu như báu vật. Khi con gái đầu của tôi được 3 - 4 tuổi thì sự khác biệt trong cách dạy con - dạy cháu càng lớn và không ít lần tôi phải chứng kiến cảnh nước mắt rơi giữa bà - mẹ - cháu. Khi con gái hư, không chịu nghe lời, thậm chí có thái độ ương ngạnh, vợ tôi thường bắt cháu đứng úp mặt vào tường cả tiếng đồng hồ đến khi nào nói lời xin lỗi. Thế nhưng, mỗi lần cháu bị phạt, rồi gào thét cầu cứu  thì chỉ ít phút sau, bà ngoại chạy đến ôm cháu vỗ về, rồi quay qua mắng con gái bằng những lời nặng nhẹ. Thấy vậy, vợ tôi chạy đến giật tay đứa nhỏ bắt phải chịu hình phạt tiếp và đẩy bà ngoại về phòng. Lời qua tiếng lại, bà ngoại bực bội nhìn cháu đẫm nước mắt cầu cứu, thút thít như thể bị oan sai. Tôi luôn đứng ngoài cuộc và không bao giờ xen vào khi xung đột bùng phát giữa hai thế hệ già-trẻ về dạy dỗ một đứa trẻ. Sau nhiều lần chứng kiến cảnh đó, tôi cảm thấy bất lực.

Không ít lần tôi đã nhẹ nhàng khuyên bà ngoại nên tôn trọng con gái và không can thiệp khi vợ tôi dạy cháu nhưng bà vẫn không nghe và chiều cháu vô điều kiện. Vợ chồng tôi đã bàn thảo nhiều lần về chuyện xung đột này, dù đã cố nhịn mẹ mình nhưng vợ tôi cũng bị stress. Điều khiến vợ chồng tôi bực bội và lo ngại chính là ở với ông bà ngoại lâu dài rất khó dạy con và từ lâu cháu tự cho rằng mình có “vệ sĩ” tốt nhất là ông bà ngoại. Đáng lo hơn là cháu xem thường mẹ mình vì chứng kiến “bà mắng mẹ và bênh mình”.

Chúng tôi hiểu nếu cứ để con lớn lên trong vòng tay thừa yêu thương nhưng thiếu sự nghiêm khắc thì cháu sẽ “lờn thuốc”. Vì thế, khi con tôi chuẩn bị vào lớp 1, tôi và vợ nhất quyết mua một căn hộ nhỏ để ra ở riêng. Cha mẹ vợ tôi làm mình làm mẩy, kể cả đòi quyền nuôi cháu vì lý do không thể sống thiếu bé. Chúng tôi phải thuyết phục hết lời, rồi cam kết cuối tuần đưa cháu về ở với ông bà , hai cụ nhạc mới chấp thuận trong giận hờn. Kể ra câu chuyện này để chia sẻ với các bậc cha mẹ, ông bà trong việc đồng thuận dạy con cháu, đừng để những tâm hồn trẻ thơ sớm “cậy quyền” được bảo vệ quá sớm.

DIỆU ANH

Tin cùng chuyên mục