“Long Thành cầm giả ca” đoạt giải Cánh diều vàng

Tối 13-3, tại Nhà hát Hòa Bình đã diễn ra lễ trao giải “Cánh diều vàng 2010” với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ trong cả nước.
“Long Thành cầm giả ca” đoạt giải Cánh diều vàng

(SGGP).- Tối 13-3, tại Nhà hát Hòa Bình đã diễn ra lễ trao giải “Cánh diều vàng 2010” với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ trong cả nước.

Chương trình lắng đọng với phần tôn vinh, tưởng nhớ các cố đạo diễn NSND: Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ, Nguyễn Ngọc Quỳnh - những con người góp phần làm nên nền điện ảnh Việt Nam và sôi động với lễ trao giải thưởng cho hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại được sản xuất trong năm 2010. Với tiêu chí là giải thưởng đề cao tính chuyên nghiệp và hiệu quả xã hội tích cực của tác phẩm, Ban tổ chức đã trao giải cho các tác phẩm xuất sắc nhất như sau:
 

* Giải tác phẩm:

* Phim truyện nhựa:
Cánh diều vàng: Long Thành cầm giả ca. Cánh diều bạc: Cánh đồng bất tận, Vũ điệu đam mê, Khát vọng Thăng Long. Bằng khen: Tây Sơn hào kiệt, Cô dâu đại chiến, Vượt qua bến Thượng Hải.

* Giải Báo chí - Phê bình điện ảnh cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất năm 2010: Cánh đồng bất tận.

* Phim hoạt hình: Cánh diều vàng: Người con của rồng. Cánh diều bạc: Chiếc lá, Vũ điệu ánh sáng. Bằng khen: Giấc mơ Loa thành.

* Phim khoa học: Cánh diều vàng: Mùa sinh ở biển. Cánh diều bạc: Bướm - côn trùng cánh vẩy.

* Phim tài liệu nhựa: Bằng khen: Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc.

* Phim tài liệu video: Cánh diều vàng: Tội ác rừng xanh. Cánh diều bạc: Chứ chủng lầu trên nương đá, Hòa thượng Trần Nhiếp - đạo và đời. Bằng khen: Chông chênh nghề đáy hàng khơi, Cây xương rồng bên tháp nắng.

* Phim ngắn: Cánh diều bạc: Đường kiến, Mẹ và con. Bằng khen cho các phim: Mình ơi, Nhọc nhằn than, Khẽ chạm, Tình già, Tập làm văn.

* Phim truyện video: Cánh diều vàng: Bí thư tỉnh ủy. Cánh diều bạc: Vó ngựa trời Nam, Người lính đặc nhiệm, Câu chuyện pháp đình – Ngã rẽ. Bằng khen: Cổng mặt trời, Đầm lầy bạc, Những ông bố độc thân, Bí mật E-va, Vũ khúc ánh trăng, Trái đắng.

* Công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh: Bằng khen: sách dịch Gọi tiếng cho hình.
 

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ trao giải thưởng cho đạo diễn Đào Bá Sơn (bìa trái) - đạo diễn phim “Long thành cầm giả ca” - Cánh diều vàng phim truyện nhựa. Ảnh: An Dung

Thứ trưởng Lê Tiến Thọ trao giải thưởng cho đạo diễn Đào Bá Sơn (bìa trái) - đạo diễn phim “Long thành cầm giả ca” - Cánh diều vàng phim truyện nhựa. Ảnh: An Dung

* Giải cá nhân:

* Phim truyện nhựa:

- Biên kịch xuất sắc nhất: NSƯT Văn Lê (Long Thành cầm giả ca).
- Đạo diễn xuất sắc nhất: NSƯT Lưu Trọng Ninh (Khát vọng Thăng Long).
- Quay phim xuất sắc nhất: Hoàng Dũng (Vũ điệu đam mê).
- Họa sĩ xuất sắc nhất: Nguyễn Trung Phan và Nguyễn Mạnh Đức (Long thành cầm giả ca).
- Người làm âm thanh xuất sắc nhất: Nguyễn Trung Hiếu (Cô dâu đại chiến).
- Nhạc sĩ xuất sắc nhất: Nguyễn Quốc Trung (Cánh đồng bất tận).
- Diễn viên nam chính xuất sắc nhất: Vũ Đình Toàn (Khát vọng Thăng Long).
- Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất: Ninh Dương Lan Ngọc (Cánh đồng bất tận).
- Diễn viên nam phụ xuất sắc nhất: Võ Thanh Hòa (Cánh đồng bất tận).
- Diễn viên nữ phụ xuất sắc nhất: Cao Thùy Dương (Vũ điệu đam mê).

* Phim hoạt hình: Đạo diễn hoạt hình xuất sắc nhất: NSƯT Phạm Minh Trí (Người con của rồng).

* Phim tài liệu: Đạo diễn tài liệu xuất sắc nhất: Lê Hoài Phương (Tội ác rừng xanh).

* Phim truyện video:

- Biên kịch xuất sắc nhất: Vân Thảo (Bí thư tỉnh ủy).
- Đạo diễn xuất sắc nhất: Lê Cung Bắc (Vó ngựa trời Nam).
- Diễn viên nam chính xuất sắc nhất: Huỳnh Đông (Vó ngựa trời Nam).
- Diễn viên nữ chính xuất sắc nhất: Minh Châu (Bí thư tỉnh ủy).

Ngay sau buổi lễ công bố giải thưởng, Ban tổ chức giải Cánh diều vàng 2010 đã tổ chức cuộc họp báo để tổng kết hoạt động của ngày “Điện ảnh Việt Nam” và giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam 2010. Trong buổi họp báo, đạo diễn chương trình đã giải thích về việc MC đã nói sai tên một số nghệ sĩ đoạt giải ngay trong lễ trao giải và cho rằng đó là sự cố ngoài ý muốn.  

H. GIANG – NH. HOA


Những gương mặt Cánh diều vàng 2010

Một số gương mặt của giải phim truyện nhựa, một giải thưởng được quan tâm nhất tại giải Cánh diều vàng 2010 được vinh danh tại lễ trao giải, đã bày tỏ niềm xúc động.

1- NSƯT ĐÀO BÁ SƠN - đạo diễn phim Long Thành cầm giả ca - tác phẩm đoạt giải phim truyện nhựa xuất sắc nhất, đồng thời đoạt luôn giải “Cánh diều vàng” cho Thiết kế mỹ thuật:

Tôi nhớ mãi nhận xét của đạo diễn Phillip Noyce, thành viên BGK của Liên hoan phim Hà Nội quốc tế vừa diễn ra tại Hà Nội năm ngoái. Khi nhận xét về bộ phim Long Thành cầm giả ca và trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho Nhật Kim Anh, vai nữ chính trong phim, ông nói: “Không thể có một đôi giày vàng trong một đội bóng tồi. Tôi không quan tâm bộ phim đến từ nước nào mà tôi quan tâm đến vấn đề nghệ thuật của chính bộ phim ấy…”.

Bộ phim đoạt giải thưởng “Cánh diều vàng” là niềm động viên, khích lệ tôi rất nhiều trong công việc làm điện ảnh của mình. Tôi đã muốn trình bày một vẻ đẹp đã mất của Thăng Long xưa, vẻ đẹp trong tâm hồn các nhân vật, đặc biệt nhân vật thi sĩ Nguyễn Du và cô ca kỹ, từ đó nói đến số phận của người nghệ sĩ cũng như số phận của nghệ thuật giai đoạn cuối Lê, đầu Nguyễn. Thực sự, nhận lời làm bộ phim này đối với tôi là một thách thức rất lớn. Làm thế nào để tạo ra chất thuần Việt, tạo ra được không khí lịch sử của giai đoạn bấy giờ với sự ly tao, chìm nổi, thăng trầm của biến thiên. Làm sao để thấy được sự bất lực của thi hào Nguyễn Du trước thời cuộc để cho thấy đó chính là cái nôi tạo ra những tác phẩm thi ca của cụ, những tác phẩm đầy tính nhân văn, đầy chất con người. Một thách thức nữa cũng không kém phần quan trọng, bộ phim đã đụng tới một hình tượng lớn của hồn dân tộc, đó chính là đại thi hào Nguyễn Du… Tôi muốn cảm ơn BGK đã dành tình cảm cho bộ phim của chúng tôi.

2- Đạo diễn LƯU TRỌNG NINH (anh đang có mặt tại miền Trung để chọn cảnh cho một bộ phim mới, nên không có mặt trong buổi nhận giải. Chúng tôi đã trao đổi qua điện thoại với Lưu Trọng Ninh về giải thưởng Đạo diễn xuất sắc - phim Khát vọng Thăng Long):

Thú thật, giải thưởng không chi phối, ảnh hưởng nhiều đến cảm xúc của tôi. Tôi dồn sức làm phim bằng tình yêu điện ảnh và không bao giờ muốn lặp lại chính mình. Tôi nghĩ, giải thưởng là đánh giá của một BGK mà BGK của mỗi giải thưởng lại có tiêu chí riêng nên người được giải hay không được giải cũng không nên quá vui hay quá buồn.

Bộ phim Khát vọng Thăng Long mang trên mình một sứ mạng quá lớn. Từ khi bấm máy đến khi hoàn thành hậu kỳ và đưa phim đi duyệt chỉ trong vòng 3 tháng. Thời gian làm một bộ phim truyện nhựa ngắn vào loại kỷ lục, nhưng là bộ phim hết sức cẩn thận, kỹ lưỡng và điều ấy thôi cũng đủ là niềm tự hào, hãnh diện với tất cả ê kíp làm phim rồi.

3- LAN NGỌC - nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (vai Nương) trong Cánh đồng bất tận:

Không gì có thể nói ngoài 2 chữ “hạnh phúc”. Đối với một diễn viên trẻ như Lan Ngọc được khán giả công nhận, yêu mến đã là hạnh phúc, đằng này lại còn được vinh dự nhận 1 giải thưởng cao quý như giải “Cánh diều vàng” thì còn vinh dự nào bằng. Nó thực sự là một động lực lớn giúp Lan Ngọc cố gắng, phấn đấu nhiều hơn trong sự nghiệp của mình.

Lan Ngọc thực sự mới chỉ là một diễn viên trẻ, đang ở những bước đầu tiên của sự nghiệp, con đường phía trước còn dài. Dù giải thưởng to lớn bao nhiêu, đối với Lan Ngọc, tình cảm yêu mến của khán giả vẫn là giải thưởng to lớn nhất mà một diễn viên có được trong cuộc đời làm nghệ thuật của mình.

Lan Ngọc và Đình Toàn (giữa) đoạt giải Diễn viên nữ và nam chính xuất sắc nhất thể loại phim truyện nhựa. Ảnh: An Dung

Lan Ngọc và Đình Toàn (giữa) đoạt giải Diễn viên nữ và nam chính xuất sắc nhất thể loại phim truyện nhựa. Ảnh: An Dung

4- ĐÌNH TOÀN - giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất - phim Khát vọng Thăng Long:

Đình Toàn luôn muốn tỏ lòng cám ơn đến nhà sản xuất, đạo diễn Lưu Trọng Ninh, đã tin tưởng và lựa chọn Đình Toàn cho vai Lê Long Đĩnh. Đình Toàn cũng muốn nói lời cám ơn đến khán giả vì đã dành nhiều đánh giá tốt cho những gì Toàn đã thể hiện trên màn ảnh. Trong Khát vọng Thăng Long, vai Lê Long Đĩnh lại là một tuyến song song với Lý Công Uẩn chứ không là một vai chính độc lập như một số phim khác, mọi người dễ có thiện cảm với một nhân vật anh hùng hơn là một ông vua ác, không biết đó có là một trở ngại?

“Cánh diều vàng” là giải thưởng ghi nhận sự đóng góp của những người làm điện ảnh và tạo động lực để chúng ta cùng có nhiều tác phẩm hay. Mỗi giải thưởng đều có những tiêu chí khác nhau nhưng với bản thân mình, Đình Toàn hài lòng với những gì mình đã làm cho vai Lê Long Đĩnh. Giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất, một cảm giác thực sự hạnh phúc, đó sẽ là cảm giác dài lâu trong con người Đình Toàn.

5- Nhà biên kịch VĂN LÊ - Giải biên kịch phim truyện nhựa xuất sắc nhất – phim Long Thành cầm giả ca:

Từ một bài thơ của Nguyễn Du về thân phận nàng Cầm, một bài thơ cổ rất nổi tiếng, tôi liên tưởng đến thân phận nàng Kiều cũng chính trong “Truyện Kiều” của đại thi hào, đã khiến tôi nảy sinh ý định viết kịch bản “Long thành cầm giả ca”. Để viết được kịch bản này, tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ về giai đoạn lịch sử cuối Lê, đầu Nguyễn. Suy nghĩ thì lâu nhưng viết lại rất nhanh, chỉ trong vòng 1,5 tháng là tôi hoàn thành kịch bản.

Đạo diễn Đào Bá Sơn, các nghệ sĩ, những thành viên của đoàn phim đã làm tất cả để biến một kịch bản trở thành một bộ phim hấp dẫn và cảm động. Thông qua kịch bản, tôi muốn đề cập đến một vấn đề rất đơn giản, đó là vấn đề về thân phận con người. Tôi muốn gửi một thông điệp đến người xem rằng: những triều đại có thể bị thay đổi nhưng văn hóa và những người làm văn hóa đích thực thì tồn tại vĩnh viễn.

Tôi từng tuyên bố rằng sẽ không viết nữa, nhưng bây giờ tôi sẽ viết lại. Cuộc sống có quá nhiều những vấn đề cần phải viết. Tôi đã hoàn thành một kịch bản phim truyện nhựa đề tài lịch sử có tên “Mỹ nhân” và 45 tập phim truyền hình cũng đề tài lịch sử có tên “Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh”. 

HÀ GIANG – NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục