
Có một nghịch lý đang diễn ra ở vùng ĐBSCL, đó là tuy giá lúa gạo hiện đang ở mức cao kỷ lục từ trước đến nay nhưng nhà nông vẫn lo. Theo giải thích của các lão nông, giá lúa gạo tuy cao nhưng giá phân bón, nhân công… cũng tăng “nóng mặt”. Ngoài ra, các loại hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng cũng tăng từng ngày khiến người nông dân… nghẹt thở.
“Nước” lên…
Theo thống kê của Viện Lúa ĐBSCL, đến nay, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đã thu hoạch được khoảng 50% – 60% diện tích lúa đông xuân 2007 – 2008, trong khoảng 1,5 triệu héc ta được gieo sạ.
Dự kiến đến cuối tháng 3-2008, phần diện tích còn lại sẽ được thu hoạch hết. Vụ đông xuân năm nay, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha, cá biệt có những tỉnh như An Giang, Đồng Tháp năng suất đạt 8 tấn/ha.

Nông dân ĐBSCL phấn khởi vì lúa trúng mùa - trúng giá. Ảnh: HUỲNH LỢI
Không chỉ trúng mùa, trong vụ lúa đông xuân năm nay, nhà nông vùng đất Chín Rồng cũng rất phấn khởi vì lúa trúng giá. Hiện giá lúa chất lượng cao phục vụ nhu cầu chế biến xuất khẩu được thương lái tranh nhau mua tại ruộng với giá từ 4.000 – 4.500đ/kg.
Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Không chỉ giá lúa tăng, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng đã tăng kỷ lục. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện gạo xuất khẩu của Việt Nam đang chào bán đã tăng 3-5 USD/tấn, đạt 303 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 285 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.
Ngoài ra, giá lúa gạo trong nước cũng tiếp tục ổn định ở mức cao. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực thế giới, trong năm 2008, thế giới sẽ khan hiếm khoảng 2 triệu tấn gạo. Chính vì vậy, trong thời gian tới giá gạo xuất khẩu sẽ vẫn còn tăng mạnh.
… “thuyền” lên
TS. Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng, theo kinh nghiệm, cứ năm nào lúa lên giá thì giá các loại vật tư cũng sẽ lên theo với công thức “1 phân 2 lúa”, tức là phải mất 2kg lúa mới mua được 1kg phân bón.
Vụ lúa đông xuân 2007 – 2008, giá các loại vật tư đã tăng lên khoảng 20% – 30%. Cụ thể, cuối năm 2007 giá phân bón DAP Trung Quốc là 510.000đ/bao thì đến đầu tháng 1-2008 giá đã vọt lên 650.000đ/bao; urê từ 225.000đ/bao cũng tăng lên 305.000đ/bao. Hiện nay bình quân 1ha lúa bón khoảng 500kg phân các loại.
Như vậy, với mức giá phân bón tăng như hiện nay, so với vụ đông xuân 2006 – 2007 thì vụ đông xuân năm nay nông dân phải chi thêm 1,5 triệu đồng tiền phân bón cho một héc ta lúa.
Ngoài ra, nếu người dân nào không có tiền mua phân bón, phải mua chịu cuối vụ trả thì phải cộng thêm lãi suất 5% - 10%. Tính rộng ra, toàn vùng ĐBSCL, vụ đông xuân này diện tích xuống giống khoảng 1,5 triệu héc ta, lượng phân bón các loại ước sử dụng trên 700.000 tấn, thì riêng về trượt giá phân bón đã tăng cả trăm tỷ đồng so với vụ đông xuân trước.
Không chỉ có nỗi lo về tăng giá phân bón, hiện nay giá nhân công đang lên cao cũng khiến người nông dân… khó thở. Hiện giá nhân công đã tăng lên từ 120.000 – 150.000đ/công thu hoạch lúa. Tuy giá nhân công thu hoạch lúa khá cao, song rất khó tìm người làm.
Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực cho ngành nông nghiệp, trong những năm qua, nhiều tỉnh như: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp... đã có chính sách khuyến khích nông dân mua máy gặt đập liên hợp, cơ giới hóa trên đồng ruộng.
Nỗi lo
Theo phân tích của TS. Lê Văn Bảnh, trung bình mỗi nhân khẩu ở ĐBSCL có 6 công đất sản xuất lúa với năng suất trung bình 6 tấn/ha/năm (2 vụ lúa). Với giá lúa bình quân là 4.400đ/kg như hiện nay, nông dân sẽ thu về một năm 26.400.000đ. Trừ đi 50% chi phí sản xuất, thì mỗi nhân khẩu đạt mức lợi nhuận 13.200.000đ/năm, tương đương với mức thu nhập bình quân 1.100.000đ/người/tháng. Từ đó cho thấy, đời sống nông dân vùng ĐBSCL vẫn chưa được nâng lên.
Ông Trần Thanh Tuấn, xã Tân Lược, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long nhận xét: “Cả năm làm lụng vất vả nhưng chẳng được là bao. Nếu năm nào không có dịch bệnh, thiên tai… thì đỡ, còn ngược lại thì xem như… đói. Ngoài ra, giá xăng dầu, thuốc bảo vệ thực vật cũng đang tăng từng ngày”.
Cũng như anh Tuấn, ông Trần Văn Thảo cũng bức xúc, trước đây, giá lúa tuy thấp và nông dân phải đóng thuế nông nghiệp với định mức 200kg lúa/ha/năm nhưng giá vật tư nông nghiệp còn thấp nên vẫn dễ chịu. “Giờ được miễn thuế nông nghiệp nhưng phải mua vật tư nông nghiệp với giá rất cao, giá các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm cũng tăng giá chóng mặt, đã khiến cuộc sống của người nông dân thêm chật vật”.
Để giảm bớt khó khăn cho nông dân và giúp họ có thể làm giàu trên thửa ruộng của mình, TS. Lê Văn Bảnh kiến nghị, để phát triển ngành nông nghiệp, nhà nước cần tăng mức đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, hỗ trợ giống “sạch”. Đồng thời tăng cường hơn nữa công tác chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, tăng cường công tác điều tiết giá cả các loại vật tư nông nghiệp…
Vì sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố may rủi như hiện nay, TS. Lê Văn Bảnh khuyến nghị bà con nông dân áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật nông nghiệp để tránh rủi ro, giảm chi phí sản xuất… đồng thời nên luân canh các loại cây khác nhau để tránh sâu bệnh phá hoại.
Chí Dân