Hôm qua, 17-2, Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách tiếp tục dành trọn một ngày để thảo luận dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Việc luật hóa việc chơi hụi, họ và mua bán nhà đất là vấn đề được quan tâm nhiều nhất.
- Nghiêm cấm việc tổ chức chơi hụi, họ dưới hình thức cho vay nặng lãi
Trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) kỳ này, để đáp ứng thực tế cuộc sống, Ban soạn thảo đã quyết định đưa vào vấn đề chơi hụi, họ. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - ông Vũ Đức Khiển, dự án luật đã được bổ sung Điều 463 hoàn toàn mới, quy định về chơi hụi, họ, biêu, phường.
Theo đó, chơi hụi, họ, biêu, phường được xác định là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại, cùng định ra số người chơi; thời gian chơi; số tiền chơi; định kỳ lĩnh hụi, họ; thể thức lĩnh hụi, họ và quyền, nghĩa vụ của chủ hụi, họ và các hụi viên, họ viên trong dây hụi, họ. “Việc chơi hụi, họ phải nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo hộ” - ông Vũ Đức Khiển nói. Chính vì thế, dự án luật nghiêm cấm việc tổ chức chơi hụi, họ dưới hình thức cho vay nặng lãi nhằm mục đích thu lợi bất chính.
Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) lưu ý, điều chỉnh quan hệ hụi họ không phải chỉ ở chỗ cho vay nặng lãi mà thực tế đã xảy ra nhiều vụ chiếm đoạt tài sản, ‘’ôm’’ tiền họ cao bay xa chạy.
Phần đông ý kiến đều nhất trí việc luật hóa chơi hụi, họ. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Uông Chu Lưu cho rằng: ‘’Cần phải điều chỉnh hụi, họ là vấn đề phát sinh trong thực tế, nhưng điều cơ bản là khống chế mức lãi suất như thế nào!’’. Còn nếu chơi hụi họ, với lãi suất cao hơn 10 lần mức lãi suất cao nhất của ngân hàng thì sẽ bị xử lý hình sự về tội cho vay nặng lãi.
Vì thế, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đã quy định mức lãi cho vay hụi họ không được vượt 50% lãi cao nhất của ngân hàng (không quá 1,5 lần). Theo ông Lưu, cần phân biệt thành 2 điều luật giữa họ là cho vay tương trợ, không lãi và hụi là việc cho vay lấy lãi. Chưa đủ an tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Ngân sách của QH - bà Dương Thu Hương kiến nghị Nhà nước phải can thiệp vào ‘’hụi, họ’’ kinh doanh. ‘’Dây hụi phải đăng ký với cơ quan nhà nước, phải đóng thuế... Nếu không ai cũng có thể lập dây hụi, huy động tiền của mọi người rồi sau đó tuyên bố vỡ hụi hoặc ôm tiền chạy trốn’’ - bà Hương nói.
- Mua bán nhà đất có cần công chứng?
Một vấn đề khác của thực tiễn cuộc sống được rất nhiều ĐBQH chuyên trách quan tâm là việc mua bán nhà ở. Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vẫn giữ nguyên các quy định hiện hành như: hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản, được công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. Nếu không đáp ứng được một trong 2 điều kiện này, khi xảy ra tranh chấp, hợp đồng bị coi vô hiệu.
Theo đại biểu Phạm Quý Tỵ (Hà Nội), nhiều năm qua, TANDTP Hà Nội đã xét xử rất nhiều vụ án tranh chấp nhà ở do mua bán trao tay, mua bán ngầm không có công chứng, chứng thực. ‘’Bên bán, vợ chồng con cái đều ký hết vào hợp đồng bán nhà, đã giao nhà cho bên mua. Nhưng vài năm sau, giá nhà tăng 5 - 10 lần, bên bán lật lọng đòi nhà. Ra tòa, tòa tuyên bố vô hiệu, nhà, tiền trước đó của ai trả về người đấy. Như vậy, người mua nhà hết sức thiệt thòi’’ - ông Tỵ phân tích.
Từ thực tế này, ông Tỵ cho rằng, hợp đồng mua bán nhà ở phải lập thành văn bản nhưng không nhất thiết phải công chứng, vì đây là hợp đồng dân sự dựa trên sự thỏa thuận và ý chí của các bên. Ông Tỵ lấy thêm lý do: ‘’Ngay ở Hà Nội, nhiều phòng công chứng có lúc quá tải. Ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, dân rất khó khăn nếu đi hết mấy ngày đường xuống thị trấn, thị xã để công chứng hay chứng thực’’.
Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH - ông Phan Trung Lý lại không đồng tình: ‘’Mua bán nhà ở nhất định phải có công chứng, chứng thực. Điều này rất quan trọng vì hợp đồng mua bán sẽ phát sinh nhiều quyền và nghĩa vụ khác’’. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu vẫn gợi ý để đại biểu nghiên cứu 3 khả năng: Thứ nhất, giữ như quy định hiện hành; thứ hai, bỏ công chứng, chứng thực; thứ ba, cho các bên hợp đồng được tùy chọn, có thể công chứng, chứng thực hoặc không.
MINH GIANG