Ông cũng bày tỏ quan điểm về việc sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp mà Quốc hội dự kiến xem xét tại kỳ họp thứ 8 tới đây.
PHÓNG VIÊN: Thưa ông, đã sắp tròn 20 năm kể từ khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 được Quốc hội ban hành - một dấu mốc lịch sử trong xây dựng môi trường pháp lý cho các doanh nghiệp “trăm hoa đua nở”. Tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi, bổ sung luật này. Ông có bình luận gì?
TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG: Luật Doanh nghiệp năm 1999 có quan điểm tiếp cận hết sức quan trọng là những gì Nhà nước không cần độc quyền thì doanh nghiệp tư nhân được làm và từ đó trở đi các lần sửa đổi, bổ sung đều theo hướng “chọn bỏ”, hướng tới việc tạo ra một sân chơi bình đẳng nhất cho mọi loại hình doanh nghiệp. Lần này, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi tiếp tục củng cố quyền tự do kinh doanh, đảm bảo an toàn kinh doanh, tạo thuận lợi trong tiếp cận thị trường, giảm chi phí hoạt động cho doanh nghiệp. Nhưng thẳng thắn mà nói, tôi cho rằng vấn đề then chốt nhất hiện nay của chúng ta là phải tạo ra được một đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam hùng hậu, đủ năng lực cạnh tranh và thu phục được niềm tin của công chúng, song, dự thảo luật chưa thể hiện được điều đó. Tất nhiên, ở đây còn có khâu thực thi luật và rất nhiều vấn đề có liên quan khác.
Không chỉ riêng ông mong muốn có đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam hùng hậu nhưng thực tế là chính bản thân nhiều doanh nghiệp… không muốn lớn! Chính vì thế mà một trong những chủ đề tranh luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này là có nên “nâng cấp” hàng triệu hộ kinh doanh cá thể lên thành doanh nghiệp hay không?
Nói chính xác thì có 2 vấn đề mà hệ thống thể chế cần chú ý: doanh nghiệp sợ lớn và họ muốn lớn cũng không lớn được.
Từng tiếp xúc với hàng ngàn doanh nghiệp trong suốt những năm vừa qua, tôi nhận thấy thực tế đáng buồn là doanh nghiệp vẫn chưa thực sự cảm thấy được “an toàn” về nhiều mặt, đủ để họ vững tâm dốc vốn, dốc sức kinh doanh; để lớn mạnh được bằng thực lực của mình, mà không phải dựa vào các quan hệ thân hữu. Nguồn lực phải thuộc về người có dự án tốt nhất, hiệu quả nhất chứ không phải người có “quan hệ” tốt nhất. Chính vì thế, không phải chúng ta không có những doanh nhân có tài, biết tận dụng cơ hội nhạy bén, nhưng vẫn chưa “chinh phục” được người dân.
Luật lệ của ta, trong nhiều trường hợp, không đủ rõ ràng, không tiên liệu được, kết hợp với một bộ phận công chức tùy ý, tùy tiện, cán bộ thanh tra, kiểm tra nhăm nhăm tìm kiếm sai phạm để từ đó kiếm chác, tư lợi… Nếu cứ trong cảnh đó, thì doanh nghiệp sẽ luôn luôn phải vi phạm điều này điều nọ và rủi ro lơ lửng trên đầu. Cho nên “nhỏ” thì đỡ bị “soi” hơn.
Vậy theo ông, tới đây Luật Doanh nghiệp phải tập trung sửa đổi những nội dung nào?
Tôi nghĩ khác. Tôi nghĩ Luật Doanh nghiệp hiện hành “chẳng vướng gì nhiều”. Nhưng có hàng loạt luật khác như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường… phải sửa. Và, điều quan trọng trong đó là ngăn chặn tình trạng công chức can thiệp trục lợi pháp luật và thực hiện bằng cách hạn chế việc các bộ làm luật, tận dụng tối đa chất xám của đội ngũ chuyên gia độc lập. Đặc biệt, tôi cho rằng lĩnh vực tư pháp hiện nay có khá nhiều bất cập. Hành pháp cải cách bao nhiêu đi nữa mà tư pháp không đảm bảo được quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp thì họ cũng sẽ không dốc tiền của, dốc sức ra làm. Cứ nhìn vào kết quả tích tụ ruộng đất để làm nông nghiệp quy mô lớn thì biết. Muốn thực hiện được mục tiêu này thì phải bảo đảm được quyền sử dụng đất cho người nông dân như bảo đảm cho họ quyền tài sản chứ không phải chỉ là phương tiện sản xuất.
Thực tiễn triển khai thi hành pháp luật thì sao, thưa ông?
Trong nhiều khâu đang vướng, tôi thấy có một cái có thể làm ngay, bởi vì rất hình thức, đó là bỏ kiểu thanh tra định kỳ theo kế hoạch, kiểu “thanh tra sự tuân thủ luật pháp” chung chung. Chúng ta cần tập làm quen với những luật lệ đôi khi khắc nghiệt nhưng hiệu quả của kinh tế thị trường, nghĩa là các bên phải tự biết bảo vệ quyền lợi của mình; Nhà nước chỉ tập trung vào thanh tra chuyên ngành (như về môi trường, về lao động…) thôi. Các tranh chấp trong kinh doanh đã có cơ chế tòa án để xử lý. Nếu có, thanh tra cần dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và hậu kiểm, theo nghĩa là chỉ kiểm tra “ông” nào có nguy cơ rủi ro cao còn ông đang hoạt động bình thường thì cơ quan nhà nước chỉ đến để hướng dẫn tuân thủ, chứ không phải đến để tìm kiếm vi phạm.
Bên cạnh đó, cách điều hành cũng cần điều chỉnh, không thể duy ý chí được, mà phải để thị trường lên tiếng. Việc quan trọng hơn của Nhà nước là phát triển hệ thống an sinh xã hội để bảo vệ và hỗ trợ những người yếu thế. Đáng lưu ý, trong thời kỳ “bùng nổ” 4.0 như hiện nay, quyền sở hữu trí tuệ cần được đặc biệt coi trọng. Khi được bảo vệ tốt, những người có tài sản quý báu đó mới ra sức làm tốt nhất và cố gắng thương mại hóa nhanh nhất có thể, từ đó, xã hội sẽ nhanh chóng thịnh vượng.
Ông nghĩ gì khi có thông tin từ Tổng cục Thống kê là việc tính toán lại đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân (cụ thể là bổ sung thêm đóng góp của hơn 70.000 doanh nghiệp) đã làm tăng GDP lên tới hơn 25%?
Tôi chưa bình luận về con số cụ thể, nhưng tôi cũng cho là trước đây và thậm chí ngay cả bây giờ, đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân chưa được tính đúng, tính đủ.