Từ tháng 7-2012, các biện pháp tư pháp được áp dụng rất hạn chế đối với người chưa thành niên (CTN) phạm tội. Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (TGD) chỉ được áp dụng khi xét thấy không có biện pháp khác xử lý phù hợp hơn. Một chế định nhân đạo thể hiện sự văn minh, nhân bản sẽ “có tác dụng” trong bối cảnh ý thức thượng tôn pháp luật chưa được hình thành trong cộng đồng và người CTN phạm tội có chiều hướng gia tăng cả về số lượng lẫn tính chất, mức độ nguy hại.
Thoát trường giáo dưỡng...
Có 2 biện pháp tư pháp áp dụng đối với người CTN phạm tội là giáo dục tại xã, phường, thị trấn (gọi tắt là phường) và đưa vào TGD. Theo Nghị quyết 24/2012 về việc thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, từ tháng 7-2012, người từ 12 - 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý hoặc nhiều lần trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng không bị áp dụng biện pháp giáo dục tại phường.
Thậm chí, không đưa vào TGD các trường hợp: người từ 12 - 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng do vô ý; ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; người từ 14 - 16 tuổi có hành vi của tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng do vô ý mà trước đó đã bị giáo dục tại phường hoặc chưa bị giáo dục tại phường nhưng không có nơi cư trú nhất định. Các trường hợp đang trong quá trình lập hồ sơ hoặc đã có quyết định áp dụng biện pháp đưa vào TGD đều dừng lại; trường hợp đang ở TGD được trên 3 tháng thì về địa phương.
Như vậy, quy định này “lỏng” hơn rất nhiều so với quy định trước đây - đưa vào TGD các trường hợp: người từ 12 - 14 tuổi có hành vi của tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; người từ 12 - 16 tuổi có hành vi của tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng; người từ 14 - 18 tuổi nhiều lần trộm cắp vặt, lừa đảo nhỏ, đánh bạc nhỏ, gây rối trật tự công cộng mà trước đó đã bị giáo dục tại phường hoặc chưa bị giáo dục tại phường nhưng không có nơi cư trú nhất định.
Lợi bất cập hại
Một thống kê của Tòa án nhân dân TPHCM về thực trạng người CTN phạm tội cho thấy, người CTN phạm tội bị xét xử ở TPHCM tăng dần hàng năm, trung bình 500 người/năm nhưng nhỏ hơn rất nhiều so với số lượng người CTN phạm tội bị phát hiện và xử lý (chỉ riêng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - PC45, Công an TPHCM, mỗi năm đã xử lý hình sự và hành chính khoảng 1.000 người CTN phạm tội). Tốc độ và tỷ lệ người CTN phạm tội tăng nhanh và cao hơn so với người lớn.
Xét về cơ cấu tội phạm thì người CTN vi phạm hầu hết các tội danh được quy định trong Bộ luật Hình sự; người CTN phạm tội có sử dụng bạo lực phát triển mạnh - những hành vi cướp, cướp giật, trộm cắp, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng… ngày càng phổ biến và tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng. PC45 đã từng rà soát cho thấy, TP có khoảng 300 băng nhóm tội phạm có gần 900 người CTN tham gia, trong đó, có gần 160 băng nhóm (với hơn 500 đối tượng) do người CTN cầm đầu; có khoảng 1.500 người CTN có nguy cơ làm trái pháp luật.
Có thể nói, trong bối cảnh công tác quản lý nhà nước về trật tự xã hội ở TP còn nhiều bất cập, vai trò của các tổ chức xã hội, đoàn thể quần chúng trong việc phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân chưa kịp thời, thiếu triệt để, người CTN - vốn còn nhiều hạn chế về nhận thức và khả năng tự điều chỉnh - rất “có điều kiện” vi phạm pháp luật.
Việc loại bỏ các biện pháp tư pháp đối với nhiều trường hợp người CTN phạm tội là xu hướng văn minh, nhân bản vì lợi ích trước hết của người CTN mà nhiều nền tư pháp các nước áp dụng. Đây là chế định nhân văn nhưng trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến lo ngại “thả lỏng” người CTN phạm tội như quy định mới, chắc chắn sẽ tác động đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương, vốn luôn tiềm ẩn sự phức tạp.
Điều tối quan trọng lúc này là nhà nước với hệ thống pháp luật có trách nhiệm bảo vệ an toàn tài sản và tính mạng của người dân, mọi tội phạm cần được xử lý nghiêm minh, kẻ ác phải bị trừng trị đủ sức răn đe, giáo dục.
Đường Loan
TPHCM mở chiến dịch trấn áp tội phạm
Công an TPHCM cho biết, để đảm bảo tình hình ANTT trên toàn địa bàn trong các ngày lễ lớn và Tết Nguyên đán, Công an TPHCM đã tổ chức ra quân thực hiện kế hoạch phòng chống tội phạm. Trong mấy ngày qua, Công an TPHCM đã khám phá 47 vụ phạm pháp hình sự, bắt 52 đối tượng; trong đó có 40 vụ cướp, xâm phạm tài sản và 21 vụ xảy ra tại khu vực trung tâm TP. Công an TPHCM đã ghi nhận 21 vụ trộm; khám phá 17 vụ, bắt 20 đối tượng liên quan. Ngoài khu vực trung tâm TP - nơi có hàng vạn khách nước ngoài tham quan, du lịch - công an các quận, huyện còn phối hợp tập trung triển khai thực hiện công tác nghiệp vụ tại các khu vực trọng điểm, như: tuyến quốc lộ, khu công nghiệp, khu dân cư đang hình thành nhưng ít người ở…
Đ.Hiệp