Ý kiến

Luật Phòng chống mại dâm kém khả thi

Luật Phòng chống mại dâm kém khả thi

Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh phòng chống mại dâm (2003-2008), các văn bản luật về phòng chống mại dâm đã thể hiện sự lạc hậu, chồng chéo, mâu thuẫn. Nhiều khái niệm đưa ra nhưng không giải thích rõ ràng và xác định phạm vi cụ thể, dẫn đến việc áp dụng tùy tiện (ví dụ thế nào là “các hoạt động tình dục khác”, “kích động tình dục”, “lạm dụng tình dục”, “hành động dâm ô”…).

Luật Phòng chống mại dâm kém khả thi ảnh 1

Nhân viên của một nhà hàng “trá hình” ở đối diện trụ sở Công an phường 14 quận Bình Thạnh TPHCM. Ảnh: Q.L.

Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống mại dâm hiện nay được quy định rải rác và phân tán trong nhiều văn bản pháp luật.

Cùng một hành vi bán dâm, nhưng nếu vi phạm lần đầu thì xử lý theo Điều 18 Nghị định (NĐ)178/CP; tái phạm thì xử lý theo Điều 24 NĐ 150/CP; còn nếu liên tục tái phạm thì bị quản lý, giáo dục tại địa phương theo NĐ 163/2003 (điều này lại mâu thuẫn tiếp với NĐ 43/CP - “người bán dâm không có nơi cư trú nhất định vào lưu trú tạm thời tại cơ sở chữa bệnh”)!

Các quy định hiện hành về xử lý mại dâm còn một số điểm khó triển khai, làm giảm tính khả thi của pháp luật. NĐ 163/CP quy định UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm quản lý, giáo dục người bán dâm và người có các hành vi liên quan đến mại dâm. Nhưng trong thực tế, các đơn vị này không thể quản lý vì các đối tượng bán dâm thường vi phạm ở các địa bàn khác.

Về hình thức phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề đối với cá nhân, cơ sở vi phạm, theo NĐ 178/CP là không thuộc thẩm quyền của chủ tịch UBND các cấp. Điều này trái với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính: chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt trong tất cả các hình thức.

Nhiều hành vi liên quan hoạt động mại dâm đã được xác định là vi phạm pháp luật, nhưng lại chưa có quy định xử lý hoặc có nhưng không đầy đủ, dẫn đến lọt người, lọt tội. Hiện vẫn chưa có biện pháp chế tài đối với người trực tiếp thực hiện hành vi “hoạt động tình dục khác”, “khiêu dâm”, “kích động tình dục”…, cũng như hành vi tiếp tay, che giấu, thiếu tinh thần trách nhiệm, dung túng cho các hoạt động này.

Quốc hội, Chính phủ cần sớm nghiên cứu, thống nhất sửa đổi bổ sung để Luật Phòng chống mại dâm đi sát với thực tế, nâng cao tính khả thi.

Quý Lâm

Tin cùng chuyên mục