(SGGPO).- Sáng 13-4, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Viên chức tại phiên họp thứ 30 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với 8 Chương và 70 Điều, dự thảo Luật Viên chức quy định, Luật chỉ điều chỉnh chỉ đối với các viên chức làm việc trong các đơn vị công lập, quyền và nghĩa vụ của viên chức, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, khen thưởng và tôn vinh viên chức, kỷ luật và xử lý viên chức vi phạm... Dự kiến, khi được ban hành, văn bản pháp quy này sẽ tác động trực tiếp đến 1,6 triệu viên chức trên phạm vi cả nước.
Viên chức theo quy định tại Dự thảo Luật này là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo hợp đồng làm việc, được bổ nhiệm vào một chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý (trừ các chức vụ được quy định là công chức), làm việc trong các đơn vị sự nghiệp và hưởng lương từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật. Viên chức gồm viên chức quản lý và viên chức chuyên môn, nghiệp vụ.
Đáng lưu ý là quy định những viên chức tuyển dụng trước ngày 1-7-2003 (khoảng 1,2 triệu viên chức) mặc nhiên được chuyển tiếp sang chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn mà không phải ký hợp đồng lại. “Cơ chế quản lý, sử dụng viên chức được thể hiện trong dự thảo Luật đã có bước thay đổi khá lớn so với cách thức quản lý hiện nay”, ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH nhận xét.
Tuy đồng ý về nguyên tắc, song Thường trực UB Pháp luật QH vẫn yêu cầu phải rà soát chặt chẽ, ai đáp ứng đủ năng lực, phẩm chất và phù hợp với nhu cầu công việc của đơn vị mới tiếp tục sử dụng, nếu không sẽ khiến cho một bộ phận viên chức trì trệ, không năng động, phát huy đầy đủ trách nhiệm.
Phát biểu tại phiên họp, Viện trưởng Viên nghiên cứu Lập pháp Đinh Xuân Thảo lại cho rằng, dự thảo Luật nên điều chỉnh cả viên chức đang làm việc tại các cơ sở ngoài công lập, bởi hiện có nhiều dịch vụ công nhưng lại do các đơn vị tư nhân đảm trách và được xã hội hóa ngày càng rộng rãi. Còn Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì lưu ý: “Khi ban hành dự Luật này, chúng ta sẽ phải sửa đổi nhiều bộ luật khác cũng như các quy định hiện hành liên quan đến viên chức và đơn vị sự nghiệp công lập”.
Cuối phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu yêu cầu cơ quan soạn thảo sớm tiếp thu giải trình và có báo cáo bổ sung về những vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau để trình Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 (khai mạc ngày 20-5 tới).
ANH PHƯƠNG