Thời gian gần đây, không ít chủ doanh nghiệp là người nước ngoài bỏ trốn, nợ lương công nhân, nợ BHXH, nợ tiền mặt bằng, máy móc. Do là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài nên việc xử lý rất khó khăn, phức tạp khiến quyền lợi người lao động, các đơn vị, cá nhân cho thuê mặt bằng, thiết bị máy móc vẫn chưa được giải quyết. Việc giải quyết quyền lợi cho các bên liên quan hiện nay đang khiến cho các cơ quan quản lý nhà nước lúng túng.
Một số vụ việc gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động. Ông Cho Yong Gak, Giám đốc Công ty TNHH Haekwang 100% vốn Hàn Quốc (Hóc Môn) rời Việt Nam từ tháng 9-2010. Hiện công ty này vẫn còn nợ hàng trăm triệu đồng tiền lương, BHXH của lao động, tiền thuê nhà xưởng và gia công. Giá trị tài sản ở công ty này hiện tại ước khoảng 400 triệu đồng.
Công ty dệt áo len xuất khẩu Magnicon Việt Nam (quận 12, 100% vốn Đài Loan - Trung Quốc) sử dụng 320 lao động và từ đầu năm 2011, ông Lai Chu Nan xuất cảnh về nước đến nay chưa liên lạc được. Hiện công ty còn nợ lương công nhân với số tiền 1,6 tỷ đồng.
Còn Công ty TNHH Jin Sang Vina chuyên sản xuất, chế tác nữ trang (quận 12, 100% vốn Hàn Quốc) do ông Lee Yong Nam là giám đốc, sử dụng 73 lao động. Công ty này ngừng hoạt động từ tháng 4-2010, giám đốc công ty này rời Việt Nam cùng thời điểm. Hiện công ty này vẫn còn nợ tiền lương công nhân.
Mới đây, Sở LĐTB-XH chủ trì cuộc họp với các sở ngành liên quan để tìm hướng giải quyết nhưng phương án vẫn mù mịt. Đại diện Sở Tài chính TPHCM cho rằng, nếu chậm xử lý tài sản do chủ doanh nghiệp bỏ trốn sẽ bị mất giá. Các sở, ngành cho rằng nên thành lập tổ hoặc hội đồng xử lý các vấn đề có liên quan đối với chủ doanh nghiệp bỏ trốn. Tuy nhiên, những trường hợp này không chỉ liên quan đến quyền lợi người lao động, mà còn liên quan đến các bạn hàng; cá nhân, đơn vị cho doanh nghiệp thuê mặt bằng khi doanh nghiệp bỏ trốn, tài sản bị niêm phong ngay trên diện tích đất của họ khiến họ cũng chịu thiệt thòi.
Cá biệt, có trường hợp người cho thuê mặt bằng đã tự ứng 70% tiền lương cho công nhân để họ được tiếp quản số tài sản của công ty đến khi tìm được phương án xử lý.
Theo đại diện Sở Tư pháp, phương án thành lập tổ, hội đồng xử lý tài sản chủ doanh nghiệp bỏ trốn chưa chắc chắn vì liên quan đến người nước ngoài. Mặt khác nếu đem số tài sản này đi bán là không nên nhất là về mặt ngoại giao. Đại diện Sở Tư pháp đưa ra hai phương án xử lý. Một là tuyên bố phá sản doanh nghiệp, tuy nhiên thủ tục của phương án này rất phức tạp. Hai là tiếp tục hướng dẫn người lao động, người cho thuê mặt bằng khởi kiện.
Một phương án được cho là khả thi nhất được đưa ra chính là các sở ngành tham mưu UBND TPHCM xin… ý kiến Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn!
Hồ Việt