Luồng lạch chưa thông, ngư dân gặp khó

Việc đầu tư xây dựng cảng cá, khơi thông luồng lạch sẽ giúp ngư dân an tâm bám nghề, thuận tiện trao đổi hàng hóa, hải sản, tránh trú bão... Tuy nhiên, hiện nay tại khu vực Bắc Trung bộ, nhiều cảng cá bị bồi lấp chưa được khơi thông, một số cảng chưa được đầu tư xây dựng đúng mức, gây không ít khó khăn cho ngư dân. 
Tàu cá phải đậu nhờ tại cảng Cửa Lò
Tàu cá phải đậu nhờ tại cảng Cửa Lò

Nỗi lo bồi lấp

Cảng cá Lạch Bạng (thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa) được đưa vào sử dụng từ năm 2013, là nơi vào neo đậu, trao đổi hàng hóa, hải sản của hàng trăm tàu cá trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cảng này đang bị bồi lấp gây khó khăn cho tàu thuyền vào ra. 

Ngư dân Nguyễn Văn Trung (phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn) cho hay, để có thể cho tàu thuyền vào được cửa lạch, ngư dân phải lựa theo chu kỳ lên xuống của thủy triều. Có thời điểm ngư dân phải luồn lách qua rất nhiều bãi bồi ngầm mới vào được nơi neo đậu. Nếu ngư dân không có kinh nghiệm, chỉ sơ suất là tàu sẽ bị mắc cạn, gãy chân vịt, vỡ mạn hoặc thậm chí chìm tàu. 

Cảng cá Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc) được xây dựng từ năm 2007 với mục tiêu đáp ứng cho 200 - 300 tàu, thuyền có công suất từ 400CV trở lên ra vào neo đậu. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, cảng này bị bồi lấp nghiêm trọng. Ông Lê Văn Thăng, Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Hòa Lộc cho biết, ban này đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin kinh phí nạo vét, khơi thông luồng lạch nhưng hiện đang phải đợi. 

Tại Nghệ An, hiện toàn tỉnh đang có 4/6 cửa lạch bị bồi lắng, tàu thuyền rất khó có thể cập bến. Ngoài ra, tại một số cửa lạch vẫn chưa có hệ thống phao chỉ dẫn đồng bộ, gây nguy hiểm cho tàu thuyền khi ra vào. Chưa kể, hầu hết diện tích các cảng cá hiện nay còn rất nhỏ, không đáp ứng được yêu cầu để mở rộng, phát triển công tác dịch vụ hậu cần nghề cá. 

Ông Cao Xuân Điệp, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu), cho biết: “Toàn xã Sơn Hải có 179 tàu thuyền trực tiếp tham gia khai thác hải sản, trong đó có khoảng 100 chiếc đánh bắt xa bờ với công suất 90CV trở lên. Hầu hết các tàu thuyền trên địa bàn đều ra vào neo đậu ở cửa Lạch Thơi. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do bị bồi lắng nên nhiều tàu thuyền công suất lớn không thể vào lạch được. Nhiều chủ tàu đã phải neo đậu ở cửa lạch khác mà không dám về Lạch Thơi. Chúng tôi mong muốn nhà nước đầu tư nâng cấp cửa lạch tại địa phương để ngư dân tiếp tục đóng tàu to, thuyền lớn vươn khơi”. 

Thiếu nơi neo đậu

Dự án xây dựng kè chống sạt lở bờ hữu sông Cấm và nơi neo đậu tàu thuyền phòng tránh thiên tai phường Nghi Tân, do UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An) làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 trên 97 tỷ đồng, giai đoạn 2 trên 76 tỷ đồng. Giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành các hạng mục công trình và đã nghiệm thu từ năm 2015, với kinh phí đã được bố trí và giải ngân trên 92 tỷ đồng.

Riêng giai đoạn 2, chủ đầu tư cũng đã hoàn thành hạng mục nạo vét khu neo đậu tàu cá và 5 tuyến đường, với tổng kinh phí đã giải ngân trên 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, hạng mục cầu tàu với tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, do chưa có nguồn kinh phí nên chưa thực hiện được. Vì chưa có nơi neo đậu nên các tàu thuyền công suất lớn phải vào neo nhờ tại cảng Cửa Lò. Việc này đã gây mất an toàn hàng hải cũng như cản trở hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cảng thương mại này. 

Theo Cảng vụ hàng hải Nghệ An, hàng ngày có khoảng trên 30 tàu cá đánh bắt xa bờ cập cầu số 3 - cảng Cửa Lò, 20 tàu cá các loại neo sát ngay góc cầu số 4 về phía hạ lưu cầu cảng. Ngoài ra, ngư dân còn tập kết vật dụng, dụng cụ, ngư cụ trên mặt cầu cảng. Các tàu cá này thường chạy qua lại trong vùng nước trước cảng, chạy cắt mặt các tàu hàng đang hoạt động, gây nguy hiểm cho tàu biển, phương tiện thủy khác.

Mới đây, Cảng vụ hàng hải Nghệ An đã có văn bản hỏa tốc kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với các bộ ngành liên quan, UBND tỉnh Nghệ An xin hỗ trợ kinh phí để thị xã Cửa Lò xây dựng, hoàn thiện hạng mục cầu tàu tại bến cá phường Nghi Tân. Có như vậy, mới “kéo” được tàu cá ra khỏi khu vực cảng Cửa Lò.

Tin cùng chuyên mục