Là người con của đất Sóc Trăng, mới 17 tuổi, nhạc sĩ Lưu Cầu (ảnh) đã thoát ly gia đình đi kháng chiến, trở thành nhạc sĩ nổi tiếng, được trao tặng giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật.
Tên thật của ông là Nguyễn Hoàn Cầu. Lưu Cầu là bút danh. Hỏi chữ “Lưu” ở đâu mà ra, ông cười và cho biết đó là một kỷ niệm riêng tư “bí mật” (!). Lưu Cầu sinh ngày 30-11-1930, quê Sóc Trăng, thời niên thiếu sống ở Sài Gòn. Năm 1944, lúc 14 tuổi, cậu thiếu niên Cầu đi ngang qua một tiệm đàn ở Sài Gòn, tình cờ nghe vọng ra tiếng đàn mandoline bài Tango chinois quen thuộc (tức bài Hà nhật quân tái lai, có nghĩa là “bao giờ chàng trở lại”, một tình khúc Trung Hoa).
Thích quá, cậu ta tìm cách học đàn này, rồi học guitare espagnole, rồi guitare hawaienne…, sau một thời gian ngắn, có thể hòa đàn với bạn bè cùng trang lứa và cùng hát các bài nhạc Tây, lời ta. Cách mạng Tháng Tám 1945 bùng nổ, các bản hùng ca của Lưu Hữu Phước như Tiếng gọi thanh niên, Lên đàng… làm cậu ta bừng tỉnh đi theo cách mạng, nhưng thỉnh thoảng trái tim vẫn còn rung động với các bài hát buồn Con thuyền không bến, Giọt mưa thu… của Đặng Thế Phong.
Nam bộ kháng chiến, rồi toàn quốc kháng chiến, đầu năm 1947, một bước ngoặt đến, Lưu Cầu tạm biệt gia đình, xách cây guitare vào chiến khu tham gia kháng chiến chống Pháp. Ngay trong năm ấy, Lưu Cầu có sáng tác đầu tay, bài Chiều trong rừng mía, tiếp đến là bài Liên Việt hành khúc khá phổ biến ở chiến khu hồi đó. Năm 1948, Lưu Cầu được chuyển về Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ, khi ấy đóng tại rừng U Minh. Từ 1949 đến 1954, ông có những sáng tác như Thu Đông chiến thắng, Chuyện trung du, Bài hát Thu Đông, Thu Đông về Tây Bắc, Đế quốc hết thời, Quê em nơi tỉnh Bạc Liêu, Anh và tôi, Khu rừng miền Đông… Ông còn viết bài Trăng thu nhớ Bác Hồ cho thiếu nhi. Cuối 1954, Lưu Cầu ra tập kết ở miền Bắc và công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Thời kháng chiến chống Mỹ 1954 - 1975, tài năng sáng tác của Lưu Cầu nở rộ nhất.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Lưu Cầu đã đạt đỉnh cao với ca khúc Miền Nam nhớ mãi ơn Người (lời phỏng thơ Trần Nhật Lam), một trong những tác phẩm âm nhạc viết về Bác thành công nhất. Một buổi sáng mùa thu năm 1969, Lưu Cầu theo chân Đoàn cán bộ Đài Tiếng nói Việt Nam đến quảng trường Ba Đình tiễn biệt Bác Hồ.
Trong niềm thương tiếc vô hạn, Lưu Cầu như nghe văng vẳng đâu đây câu nói tâm huyết của Bác ngày nào: “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Câu nói chí tình ấy từ lâu làm rung động trái tim nóng bỏng những người con Nam bộ tập kết, giờ đây đem lại cho Lưu Cầu cảm xúc viết nên bài hát này: “Dẫu núi có mòn, mà sông kia có cạn/Miền Nam ơi, Miền Nam nhớ mãi ơn Người thiết tha? Hai tiếng miền Nam luôn trong tim của Người/Thương nhớ ngày đêm không phút giây nào nguôi…”.
Trong những ca khúc viết về Bác Hồ kính yêu của các nhạc sĩ cả nước, Miền Nam nhớ mãi ơn Người là một trong những sáng tác còn âm vang mãi cho đến hôm nay và cả mai sau, là điểm son trong hàng trăm sáng tác của nhạc sĩ Lưu Cầu từ ca khúc đến hợp xướng, từ tiểu phẩm khí nhạc đến nhạc múa, nhạc phim...
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG LỤC
| |
- Thông tin liên quan:
>> Vĩnh biệt nhạc sĩ của “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”