- Loại thiết bị có tên là “phá sóng loa kẹo kéo” bán tràn lan trên mạng, rẻ mắc gì cũng sẵn. Cả ở mấy tiệm bán đồ điện tử nhỏ lẻ cũng bán thứ này. Nhưng người rành luật cho biết thiết bị phá sóng là loại hàng hóa đặc thù, chỉ cơ quan chức năng mới được quyền mua bán, sử dụng
- Như vậy dân tình mua về xài, để ngăn hàng xóm làm ồn bằng chuyện hát karaoke là phạm luật?
- Tất nhiên rồi. Vì nếu phá sóng wifi và bluetooth để loa kẹo kéo tịt ngúm, thì cũng có thể xài nó vô mục đích khác, như trộm cắp tài sản, phá khóa điện tử, nhiễu sóng chuyện định vị xe cộ… Cái gì luật cấm thì phải tuân thủ.
- Nghe vậy thì ớn, đâu dám mua để xài. Nhưng nói tới thì cũng phải nói lui, là nạn karaoke phát bằng loa kẹo kéo đã khiến quá trời người khổ ải. Âm thanh ra rả đinh tai nhức óc tối ngày, chịu đời không xiết. Bị ức chế vì tiếng ồn, có một số người đã gây ra án mạng.
- Tức là phải ngăn chặn và xử lý nghiêm nạn ô nhiễm tiếng ồn mới là cái gốc?
- Chớ gì nữa. Ồn ĩ liên tục đã quá sức chịu đựng với người bình thường, nói chi người bệnh, người già, phụ nữ mang thai hay trẻ sơ sinh. Ở đô thị, một nhà hát váng tai là cả xóm cùng khổ đồng hạng. Không quyết ngăn ô nhiễm tiếng ồn, chả lẽ dân tình phải lắp màng nhĩ bằng inox?!