1.
Bà Ba, người Bình Định, hay gánh hàng bán dọc đường Nguyễn Chí Thanh, TPHCM, hoặc quanh các bệnh viện lớn ở đoạn này. Đã 68 tuổi, tóc phai sương, chân đã chậm, bà Ba thường gánh đôi thúng có các món bánh ít, bánh gai, bánh tráng, dầu phộng, hành, tỏi… Các món quà quê của bà khiến buổi sáng của chúng tôi xôn xao hơn.
Bà Ba cho biết, khi xưa bà làm nghề giáo, do con cháu đều quá nghèo nên ông bà dắt díu nhau vào thành phố kiếm tiền. Nhóm bạn già tụ lại ở dãy phòng trọ khu cầu Bình Triệu (Thủ Đức). Mỗi tối một người tốn 80.000 đồng cho tấm bạt bé xíu để ngả lưng; sáng ra họ đón xe buýt, mang đôi thúng tỏa đi các ngả. “Xe buýt thả ở đâu thì tôi xuống đó. Mệt thì ngồi một chỗ vừa bán vừa nghỉ; khỏe thì đi rong”, bà Ba nói và nhẩm tính mỗi ngày các ông bà U70-80 trong nhóm đều gánh hàng đi bộ hàng chục kilômet, nếu trời không mưa có thể kiếm được 100.000 - 200.000 đồng lời.
Chiếc xe chở đồ mây tre lá của anh Hùng bên hông chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TPHCM) treo các mặt hàng quê rặt: rổ rá, lót đĩa rế tre, cần xé… Mỗi ngày anh buộc hàng và xuất phát từ thị trấn Lái Thiêu lúc 5 giờ sáng. Buổi sáng đường vắng, đi non tiếng là đã tới quận 10, kịp bán cho các bà các cô đi chợ sớm. Gian hàng di động của anh thơm lừng mùi tre phơi nắng, như chở theo cả một vùng ký ức mây tre lá của người gốc nhà quê như tôi…
2.
Nhóm bạn quê tứ xứ của tôi có thói quen hẹn hò đi chợ tết. Bận đến mấy cũng phải sắp xếp vì không khí giáp Tết còn "Tết hơn cả Tết". Điểm xuất phát năm nay là chợ Phạm Văn Hai (quận Tân Bình, TPHCM). Mới chạm vào "đuôi chợ", chúng tôi đã gặp cái không khí quánh đặc tết nhất. Chỗ này bày hành tỏi, miến, măng; chỗ nọ bày phật thủ, ngũ quả, chỗ kia là bánh trái, đặc sản. Người rao, người mặc cả, tiếng Bắc tiếng Nam cười nói ồn ào.
Chợ Phạm Văn Hai nằm gần cầu Ông Tạ bắc ngang dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đây là vùng cư ngụ của rất đông người Bắc di cư vào Sài Gòn thời kỳ 1954. Người rành chuyện nghe giọng Bắc 54 là biết chủ nhân đã gắn bó gần hết cuộc đời với dòng Nhiêu Lộc và chợ lá dong Ông Tạ - phiên chợ mỗi năm chỉ mở 1 lần, cung cấp nguyên vật liệu gói bánh chưng Bắc vào những ngày giáp tết.
Các bà nội trợ đánh giá điểm hấp dẫn nhất của chợ Phạm Văn Hai là những dãy đồ Bắc đầy mê hoặc. Đủ các loại đặc sản đồng bằng tới miền núi: bánh chưng, bánh đúc, bánh trôi, đậu hũ làng Mơ, bánh cuốn Thanh Trì, gạo Séng Cù, nếp Tú Lệ, tương ớt Mường Khương, bánh đa nem Hà Tĩnh, nấm hương, mộc nhĩ, măng, miến… Muốn làm mâm cỗ “chuẩn Bắc”, hay muốn học làm dâu gia đình người Bắc, chỉ cần ra chợ Phạm Văn Hai để hiểu về văn hóa ẩm thực của miền này.
Anh Sơn, chủ hàng xôi ở số 114 đường Ngô Thị Thu Minh, con đường cặp hông chợ Phạm Văn Hai, khẳng định: “Đã là dân Bắc thì vào đây năm 1954, sau 1975 hay mới tới đều không thể ăn xôi miền khác”.
Anh Sơn lớn lên ở làng Phú Thượng (quận Tây Hồ, Hà Nội). Ngôi làng ven sông Hồng này nổi tiếng với nghề trồng hoa đào và món xôi dẻo thơm. Người Phú Thượng hôm nay vẫn bán xôi khắp Hà Nội, nhiều người đi các miền xa mở quán, lập nghiệp với gánh xôi. Tầm 6 giờ sáng mỗi ngày, anh Sơn và vợ chở ra vỉa hè 2 thúng xôi lớn, gồm 100kg các loại xôi xéo, xôi bắp, xôi đậu phộng, xôi đậu xanh. Mỗi ngày anh bán khoảng 500 gói xôi và chỉ tầm 9 giờ sáng đã hết veo.
Cách hàng xôi Phú Thượng chừng 200m có nhiều hàng xôi lá sen, xôi khúc. Khách mua mỗi sáng dừng xe vây trong ngoài các hàng xôi, khiến con đường Ngô Thị Thu Minh trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội cùng lời khuyên: Muốn ăn xôi Bắc phải tới chợ Phạm Văn Hai.
Cũng thuộc địa phận Tân Bình, chợ Hoàng Hoa Thám, nằm trong khu dân cư K300. Khu K300 tạo nên một thế giới ẩm thực món Bắc rộng lớn. Đó là lý do có người nhận xét, quận Tân Bình như một miền Bắc thu nhỏ, không thiếu một món ăn Bắc vị nào.
3.
Nếu thân quen với người miền Trung, chắc bạn đã nghe danh chợ Bà Hoa. Ngôi chợ nhỏ nằm trên đường Trần Mai Ninh (phường 11, quận Tân Bình) là thiên đường ẩm thực miền Trung. Buổi sáng, chợ Bà Hoa đông đúc với khách mua bán thực phẩm tươi. Buổi trưa chợ vắng và chiều xuống, các bếp lửa xào lòng, đổ bánh xèo, nướng ốc, nướng bánh tráng lại bập bùng. Các món hút khách của chợ đều là đặc sản Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi: Lòng xào nghệ, ốc, bánh thuẫn, bánh tổ, bánh tráng, dưa mắm, đường bát, cá bống Sông Trà, rau thơm Trà Quế, hành tỏi Lý Sơn...
Quanh chợ 30 năm trước chỉ có 3 hàng Mì Quảng nổi tiếng là mì Quảng Sâm, mì Quảng Nghiêm, mì Quảng Tâm. Nay, tính hết cả vùng Bảy Hiền, phải đến vài chục quán lớn nhỏ. Dân Sài Gòn kháo nhau: Muốn ăn Mì Quảng đúng điệu là phải tới khu này. Tô mì không chỉ đậm vị củ nén mà rổ rau sống và chén nước mắm tỏi cũng… rất Quảng.
Giống các chợ truyền thống khác, chợ Bà Hoa không còn ở giai đoạn giao thương đỉnh cao. Ở góc chợ, chị Nguyễn Thị Bông (45 tuổi) vừa thoăn thoắt nướng bánh tráng vừa tâm sự: "Người Trung, đặc biệt là dân Quảng, ai mà không mê bánh tráng. Trước kia, cao điểm một ngày tôi bán 7.000 - 8.000 cái, một người đứng quạt bánh cùng lúc trên 4 bếp lò mới kịp giao. Bây giờ khách vắng, tôi mỗi ngày bán lẻ giỏi lắm cũng chỉ vài trăm bánh...”. Chị Bông là thế hệ thứ 2 bám chợ bà Hoa để mưu sinh. Từ sạp hàng đặc sản này mà các chị mua đất, cất nhà, nuôi con ăn học.
"Tôi nghĩ đơn giản rằng người Quảng chúng tôi không bao giờ bỏ được món mì Quảng, mà ăn mì Quảng thì phải có bánh tráng", chị Bông tiết lộ và cho biết thêm, nguồn bánh tráng chị nhập hôm nay không chỉ theo xe từ miền Trung vào. Dân Quảng di cư đã thuê đất quanh Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) và lập ra các điểm tráng và phơi bánh tại đây.
Chị Nga là thế hệ thứ 3 tới sinh nhai ở chợ. Tạm biệt nghề nông và ngôi làng nghèo ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam), chị vào trải tấm nhựa trước cửa số 104 đường Trần Mai Ninh, bày bán chỉ 2 mặt hàng: khoai và sắn. Vốn bỏ ra 5 triệu đồng, những củ khoai lấm đất cho chị mỗi ngày cho 200.000 - 300.000 đồng lãi. Với chị Nga điều này khi còn ở làng, trong mơ chị cũng không dám nghĩ đến.
Những người vẫn kinh doanh tốt đều do biết nương theo thói quen của người thành phố cùng xu thế ẩm thực mới để điều chỉnh cung cầu. Trong những ngôi chợ lớn của Sài Gòn như chợ Bến Thành, chợ Tân Định, chợ Nguyễn Tri Phương, chợ Sơn Kỳ…, bây giờ đều có quầy hàng món Bắc, món Huế, món Đà Lạt... Khi người tiêu dùng đã ngán các món thức ăn nhanh, ngại thực phẩm tẩm ướp hóa chất, món nhà quê với ưu điểm lành sạch cùng những câu chuyện riêng trong ký ức bỗng bước lên một vị thế mới.