Mạnh tay với xe quá tải

Tăng cường kiểm soát: Xe quá tải sẽ giảm
Mạnh tay với xe quá tải

* Đề nghị kiểm soát nhập xe có tải trọng quá lớn

Trước tình trạng xe quá tải đang diễn ra phức tạp và có chiều hướng gia tăng, là nguyên nhân chính phá hỏng kết cấu đường bộ đồng thời gây mất an toàn giao thông, chiều 11-12, Bộ GTVT và Bộ Công an đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong cả nước nhằm triển khai Công điện số 1966/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ.

Hạ tải xe quá tải trên quốc lộ 5.

Hạ tải xe quá tải trên quốc lộ 5.

Tăng cường kiểm soát: Xe quá tải sẽ giảm

Theo báo cáo của Liên bộ GTVT - Công an, tình trạng xe quá tải tham gia giao thông đường bộ tập trung chủ yếu ở các tuyến đường huyết mạch. Tổng số xe được kiểm tra có đến 50% số lượng xe chở hàng hóa quá tải trọng cho phép, có xe vượt quá tải trọng đến 200%. Thống kê 11 tháng của năm 2013, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hơn 26.500 xe, buộc hạ tải 76.534 tấn hàng, tước giấy phép 22.568 trường hợp, phạt tiền trên 57 tỷ đồng. Trong đó, các địa phương làm tốt là TPHCM, Đồng Nai, Lâm Đồng, Phú Thọ, Yên Bái, Nam Định, Bình Định.

Theo đánh giá của Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, kết quả bước đầu của công tác thí điểm kiểm soát xe quá tải cho thấy nếu các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát, xử lý thì tình trạng xe quá tải chắc chắn sẽ giảm, góp phần kéo giảm tai nạn giao thông. Bộ trưởng cho rằng, những ngày cuối năm là dịp cao điểm vận tải, tình hình xe quá tải trọng có thể tăng mạnh, do đó việc triển khai công điện của Thủ tướng về tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ không thể chậm trễ, cần phải thực hiện ngay. Theo kế hoạch triển khai, việc kiểm soát xe quá tải tới đây sẽ được tập trung vào các quốc lộ: 1, 5, 10, 13, 14, 18 và 51; các đường bộ địa phương có lưu lượng xe quá tải cao. Đối tượng kiểm soát là các loại ô tô tải, ô tô đầu kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc, xe chở container... Để phối hợp kiểm soát xe quá tải, lực lượng CSGT sẽ đảm nhiệm việc dừng xe, lập biên bản xử phạt, lực lượng thanh tra giao thông sẽ cân kiểm tra và giám sát hạ tải. Bên cạnh đó, các lực lượng cảnh sát khác sẽ đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực kiểm tra tải trọng và sẵn sàng xử lý các tình huống phức tạp.

Cần triển khai quyết liệt, đồng bộ

Mặc dù kế hoạch triển khai đã được vạch ra rõ ràng, chi tiết nhưng theo các đại diện địa phương, việc kiểm soát tải trọng xe vẫn là một nhiệm vụ khó khăn, đòi hỏi phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ mới có thể mang lại hiệu quả. Theo kinh nghiệm được  ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, chia sẻ, địa phương có sự tập trung nhiều cảng biển, kho vận lớn với hơn 10.000 lượt xe tải ra vào thành phố/ngày, nếu có sự kiểm soát tốt tải trọng xe ngay tại cổng ra của các cảng, kho tàng, bến bãi thì tình trạng xe quá tải có thể được kiểm soát và giảm tới 80%. Tuy nhiên, cần phải có quy định cho kiểm soát tải trọng xe tại cổng ra tất cả các cảng biển trên toàn quốc bởi nếu chỉ làm ở một số cảng biển thì các đối tượng sẽ chuyển sang hoạt động ở những cảng biển khác, việc kiểm soát tải trọng sẽ giống như “bắt cóc bỏ đĩa”, gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng giữa các đơn vị kinh doanh cảng cũng như doanh nghiệp vận tải. Bên cạnh đó, phải có chế tài xử phạt cả chủ doanh nghiệp vận tải, chủ hàng hóa nếu để xảy ra tình trạng quá tải. Ông Thanh cũng kiến nghị trong trường hợp không có đủ điều kiện hạ tải thì phải tạm giữ phương tiện và mọi chi phí bảo quản hàng hóa do doanh nghiệp vi phạm tự chịu.

Các đại diện Công an tỉnh Yên Bái, Lâm Đồng chia sẻ những khó khăn trong công tác kiểm soát tải trọng xe là do không làm đồng bộ nên xe quá tải vẫn có thể tìm cách đi đường khác để “né” trạm cân, một số tài xế có phản ứng chống đối, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Một số địa phương gặp khó khăn do không có chỗ đặt trạm cân hợp lý, không có thiết bị hạ tải, lực lượng mỏng... Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng khẩn thiết đề nghị kiểm soát ngay từ việc nhập xe, bởi nhiều xe được nhập về có tải trọng quá lớn, không phù hợp với kết cấu cầu đường, phù hợp với mục đích sử dụng.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, việc triển khai công điện của Thủ tướng sẽ được triển khai ngay và triển khai quyết liệt, đồng bộ tại các địa phương với sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng, có biện pháp phòng ngừa tiêu cực, sai phạm, những khó khăn vướng mắc của các địa phương sẽ được tháo gỡ. Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh, năm 2014 sẽ là năm siết chặt quản lý vận tải, đây cũng là cơ hội để xử lý tận gốc tình trạng xe quá tải. Hiện Bộ GTVT đang tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm để quản lý hoạt động vận tải từ khâu bốc xếp hàng hóa đến lưu thông đồng thời sẽ có chế định trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải, chủ hàng đối với hành vi chở quá tải.

BÍCH QUYÊN

Tin cùng chuyên mục