Mắt nhân tạo cho người khiếm thị

Mắt nhân tạo cho người khiếm thị

Tại Bệnh viện Mắt Moorfields ở London (Anh), tuần này các chuyên gia đã thử nghiệm các ca ghép mắt nhân tạo đầu tiên cho 2 bệnh nhân nam trong độ tuổi 50. Mắt sinh học (bionic eye) này được xem là “chìa khóa” phục hồi thị giác cho những người bị khiếm thị vì bệnh di truyền.

Liệu pháp lạc quan

Mắt nhân tạo cho người khiếm thị ảnh 1
Sơ đồ mắt nhân tạo “Argus II”

Các ca ghép mắt nhân tạo trên nằm trong khuôn khổ của một dự án nghiên cứu lâm sàng để tìm liệu pháp thích hợp giúp những người bị mù lòa vì chứng “Retinitis Pigmentosa” (các bệnh mắt do di truyền ảnh hưởng đến võng mạc, bệnh này thường được chẩn đoán từ thời nhỏ và ngày càng nặng dần).

Theo David Head, Giám đốc tổ chức Retinitis Pigmentosa tại Anh, đến nay chưa có liệu pháp nào thích hợp cho các bệnh nhân này và hy vọng vẫn còn đặt vào việc nghiên cứu liệu pháp ứng dụng tế bào gốc.

Mắt nhân tạo trên có tên “Argus II”, hệ thống gồm camera gắn ở kính mắt, truyền sóng vô tuyến đến một chip siêu mỏng với các cực điện tử nhận tín hiệu ghép ở võng mạc. Các cực nhận tín hiệu này sẽ kích thích các dây thần kinh còn lại trong võng mạc để truyền tín hiệu lên não. Kỹ thuật này vẫn còn ở giai đoạn đầu nhưng đã có khả năng phục hồi một phần thị giác cơ bản, giúp bệnh nhân nhìn thấy một hình thức ánh sáng nào đó tuy còn lờ mờ. Các chuyên gia tỏ ra lạc quan, như Lyndon da Cruz, bác sĩ đã thực hiện cuộc phẫu thuật trên. Theo ông, liệu pháp này rất đáng khích lệ, các bộ phận đã được ghép thành công và 2 bệnh nhân đang hồi phục.

Sẽ như mắt thật?

“Argus II” có tên đầy đủ là “Argus II Retinal Prosthesis System” (Hệ thống mô phỏng võng mạc Argus II – Argus là vị thần có 100 mắt trong thần thoại Hy Lạp), do Công ty Second Sight Medical Products ở California (Mỹ) sáng chế. Đây là công ty thành lập năm 1998, chuyên nghiên cứu phát triển các hệ thống võng mạc nhân tạo điều trị cho những bệnh nhân bị mù lòa vì những chứng như “Retinitis Pigmentosa”.

Second Sight được sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ, Viện Mắt quốc gia (NEI), Cục Khoa học Bộ Năng lượng Mỹ... “Argus II” đã được thử nghiệm ở một số trung tâm nhãn khoa ở Mỹ và Mexico. Tại châu Âu, Bệnh viện Mắt Moorfields ở London là nơi thứ 3 tham gia thử nghiệm, trước đó là 2 bệnh viện ở Geneva (Thụy Sĩ) và Paris (Pháp).

Linda Moorfoot, một bệnh nhân Mỹ bị mù hẳn trong hơn 10 năm do di chứng “Retinitis Pigmentosa”, đã được ghép thử nghiệm mắt nhân tạo Argus loại có 16 điện cực. Moorfoot cho biết, với mắt nhân tạo, bà đã có thể nhìn thấy các hình khối đen trắng, sự chuyển động...

Loại “Argus II” vừa ghép cho 2 bệnh nhân Anh có đến 60 điện cực, được cho là sẽ giúp nhìn  rõ hơn, tuy còn sớm để có kết luận lâm sàng. Các nhà nghiên cứu cho biết sẽ tiếp tục cải tiến để phát triển loại mắt nhân tạo có đến 1.000 điện cực, cho phép phân biệt cả khuôn mặt người, tiến dần đến khả năng chế tạo mắt nhân tạo gần với mắt thật.

HỒNG CHUYÊN (theo BBC)

Tin cùng chuyên mục