Võ Tấn Lực

Mê làm thợ hơn làm thầy

Mê làm thợ hơn làm thầy

Học hết phổ thông trung học, Võ Tấn Lực tự dưng hết hứng thú với bàn ghế nhà trường, nhất là khi “khối đứa đại học, bằng cấp lùm lùm mà vẫn thất nghiệp dài dài”. Mang cái suy nghĩ đó, “ông cụ non” Võ Tấn Lực không thi đại học mà xách giỏ theo chú hàng xóm làm công nhân. Bố mẹ ở nhà, sau một dạo ngơ ngác không hiểu, hết cực lực công kích lẫn tha thiết khuyên lơn, cuối cùng đành chấp nhận cái quyết định không giống ai của con mình.

Mê làm thợ hơn làm thầy ảnh 1

Mười tám tuổi, Lực đặt bước chân đầu tiên vào trường đời. Anh xin được chân công nhân bộ phận ép của Công ty Văn phòng phẩm và bút bi Bến Nghé. Ban đầu định làm thử, ai dè làm rồi, Lực lại muốn gắn bó đời mình với cái nghề này. Mỗi lần máy móc hỏng hóc, tổ sửa chữa của công ty chưa đến, Lực đã xắn tay vào làm.

Có lần hăng quá, chẳng những không sửa được mà còn làm hỏng luôn bộ phận bơm dầu của máy, vừa phải chịu mắng, vừa phải bỏ tiền túi ra đền. Vậy mà cái tật táy máy vẫn không chừa. Dần dà, anh em công nhân trong tổ cũng phải công nhận tay nghề sửa máy của Lực. Tiếng lành đồn xa… đến lãnh đạo, nên Lực được lên chức… trưởng bộ phận cơ điện bảo trì sửa chữa.

Khoảng năm 1994, công ty vẫn còn dùng máy in lụa tự động nhập của Đài Loan. Mang tiếng máy nhập nhưng in rất chậm, lại hay “dở chứng”. Ban giám đốc hỏi thẳng: Dám làm không? Để em nghĩ cách. Và sau đó là 7 ngày đêm vắt óc nghĩ suy để đề xuất: không tu bổ, gia cố hay sửa chữa gì cả mà dùng vật tư trong nước lắp ráp một cái máy mới. 2 tháng trời sau đó, Lực cùng một đồng nghiệp thiếu điều lục tung các khu chợ trời Sài Gòn để lùng mua phụ tùng. Giá thành lắp máy chỉ khoảng 60 triệu đồng- trong khi máy Đài Loan là 127 triệu đồng. Ngày chạy thử thấy năng suất tăng gấp 2 lần, Lực mừng phát khóc. Thấy vậy, ban giám đốc cấp vốn cho Lực làm thêm… gần chục cái nữa. Không dừng lại ở đó, Lực còn cùng đồng nghiệp thiết kế và lắp ráp máy bơm mực, tiết kiệm chi phí 480 triệu đồng/ máy.

Phó giám đốc Trần Doãn Hòa nói như khoe: “Hiện tại, Lực chưa có bằng kỹ sư nhưng cậu ấy có thể quản lý được cả nhân viên có bằng kỹ sư trong tổ. Trong sản xuất đôi khi có những cái “tréo giò” như thế. Nhưng lãnh đạo công ty vẫn rất tin tưởng ở Lực”. Bằng chứng là công ty đang đặt hàng tổ sửa chữa của Lực chế tạo máy làm ruột bút bi và máy ép nhựa tự động. Hiện anh đang hoàn thiện bản vẽ để đầu năm sau trình ban giám đốc. Chắc là giá thành sản xuất bút bi Bến Nghé lại sẽ giảm. 

MAI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục