Tại Hà Tĩnh, do ảnh hưởng mưa lớn kéo dài, nhiều địa điểm ở khu vực có vách núi cao tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh, bị sạt lở gây chia cắt giao thông tuyến đường ven biển Thạch Khê - Vũng Áng, tại km80. Đất đá, cây cối từ trên cao vẫn chực chờ đổ xuống. Cách đó khoảng 3km, tuyến đường quốc phòng ven biển ở thôn 1, xã Cẩm Lĩnh (nối huyện Cẩm Xuyên với huyện Kỳ Anh) cũng bị ách tắc nghiêm trọng do sạt lở.
Trong ngày 18-10 có 38.645 học sinh của 76 trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh phải nghỉ học, trong đó phần lớn là các trường ở huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, thị xã Kỳ Anh. 14 Trường THPT trên địa bàn chuyển sang học trực tuyến để đảm bảo an toàn.
Tại Quảng Bình, mưa lũ đã làm 2 người chết và 2 người mất tích. Ngày 18-10, lũ trên các sông ở Quảng Bình đã đạt đỉnh và đang rút chậm. Có hơn 5.000 ngôi nhà bị ngập sâu hơn 0,5-1,5m, hơn 10.000 căn nhà bị lũ cô lập; 30 xã của 7 huyện bị lũ bủa vây. Bên cạnh đó, kè biển Nhật Lệ (Đồng Hới), Nhân Trạch (Bố Trạch) bị sạt lở nặng, uy hiếp hàng trăm hộ dân.
Tại Quảng Trị, tàu vận tải Glory Future (quốc tịch Trung Quốc) bị sóng to, gió lớn rê neo khiến tàu mắc cạn vào ngày 17-10, tại khu vực bờ Nam Cửa Việt, cách bờ biển 2km. Trên tàu có 20 thuyền viên, gồm 8 thuyền viên người Trung Quốc và 12 thuyền viên người Việt Nam. Hiện các thuyền viên vẫn an toàn, trên tàu vẫn có điện, nước và lương thực, thực phẩm đầy đủ.
Tại Thừa Thiên-Huế, đường Hồ Chí Minh đoạn qua địa phương bị sạt lở taluy dương, bùn tràn mặt đường tại 45 vị trí với khối lượng 17.000m3 đất đá. Nghiêm trọng nhất đoạn từ km389-km412 đường Hồ Chí Minh có 9 vị trí tắc đường với khối lượng đất đá khá lớn, gây ách tắc giao thông. Đến tối 18-10, lực lượng chức năng mới xử lý xong để thông tuyến.
Tại Quảng Nam, mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng trên các tuyến đường đi các xã Phước Thành, Phước Lộc của huyện Phước Sơn. Tại xã Phước Lộc có gần 20 ca mắc Covid-19 nhưng chưa thể đưa đi chữa trị vì giao thông bị chia cắt. Ngành y tế tỉnh Quảng Nam đã huy động nhiều đơn vị, nhân viên y tế lên hỗ trợ công tác phòng chống dịch nhưng việc đi lại gặp nhiều khó khăn do sạt lở. Tại km43+200 thuộc tuyến ĐT606, qua địa bàn thôn Abanh 1, xã Tr’Hy (huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam), khoảng 7.000m3 đất đá, cây cối từ ta luy dương đổ xuống lòng đường khiến đường đi các xã biên giới Việt - Lào như Axan, Ch’ơm và Gari bị chia cắt. UBND huyện Tây Giang huy động lực lượng, phương tiện khắc phục sự cố sạt lở và cơ bản thông tuyến vào trưa 18-10.
Tiếp tục có mưa lớn Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia thông tin, ngày 18-10, ở khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế đã có mưa rất to với lượng mưa phổ biến 300-600mm, có nơi trên 700mm; khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Định và Kon Tum có lượng mưa phổ biến 200-300mm, có nơi trên 300mm; khu vực Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai có tổng lượng mưa phổ biến 100-200mm; Nghệ An có lượng mưa phổ biến 50-80mm, có nơi trên 100mm. Do không khí lạnh tiếp tục tăng cường, ảnh hưởng tới hầu hết Trung Trung bộ nên ngày 19-10, khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn đến rất lớn. * Ngày 18-10, đoàn công tác Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do ông Nguyễn Văn Hải, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại Quảng Trị. Đoàn công tác đã kiểm tra một số công trình trọng điểm như công trình kè biển Vịnh Mốc, kiểm tra công tác ứng phó với mưa lũ tại huyện Hải Lăng, đảm bảo an toàn người dân theo phương châm 4 tại chỗ, khu sơ tán người dân… Ông Nguyễn Văn Hải đã chỉ đạo các đơn vị thi công và chính quyền địa phương khắc phục những khó khăn về thời tiết, đảm bảo an toàn công trình cũng như đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất. |