Theo đó, trong năm 2018, ITPC đã thực hiện nhiều buổi kết nối giữa doanh nghiệp Việt và các hệ thống siêu thị Aeon, Big C, Co.opMart, Co.opXtra, E-mart, Lotte Mart... Để công tác kết nối hiệu quả, trước đó ITPC cũng sắp xếp để đại diện các hệ thống siêu thị cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hiểu rõ những yêu cầu về chất lượng, quy cách hàng hóa của từng hệ thống siêu thị. Từ đó, các doanh nghiệp sản xuất xây dựng cho mình quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chí của nhà mua hàng.
Hiện nay, tại hệ thống bán lẻ hiện đại là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi... hàng Việt đang chiếm lĩnh trên các quầy kệ. Độ phủ sóng của hàng Việt đã lan tỏa rộng hơn sau nhiều hoạt động kết nối thị trường, kết nối với người tiêu dùng các địa phương. So sánh trong từng ngành hàng, hàng Việt không hề thua kém hàng ngoại về chủng loại. Lợi thế sản xuất trong nước nên khẩu vị, hình thức phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Do vậy, ngoài phục vụ trong nước, hàng Việt đang ngày càng vươn xa, thâm nhập vào các thị trường trên thế giới.
Ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết ITPC thường xuyên tổ chức các hoạt động kết nối thông tin nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận thông tin các thị trường xuất khẩu. Các chương trình cung cấp thông tin thị trường luôn nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ nhiệt tình của tổng lãnh sự quán, thương vụ, hiệp hội doanh nghiệp các nước. Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp Việt xuất khẩu, ITPC sẽ tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động xúc tiến thương mại, thâm nhập thị trường nước ngoài bằng những phương thức truyền thống như hội chợ triển lãm, kết nối đối tác. Thông qua nhiều công cụ như vậy có thể giúp doanh nghiệp Việt nhanh chóng nắm bắt cơ hội để tiếp cận thị trường xuất khẩu. Đẩy mạnh xuất khẩu cùng phát triển thị trường tiêu dùng trong nước sẽ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và ngày càng phát triển hơn.