Mô hình cho một giải thưởng sách Việt Nam

Nghiêm túc
Mô hình cho một giải thưởng sách Việt Nam

Giải thưởng Sách hay

Là giải thưởng do một tổ chức tư nhân (Viện IRED) kết hợp cùng một số trí thức đứng ra tổ chức, trải qua 3 năm thực hiện, đến nay Giải thưởng Sách hay đã dần có được uy tín trong bạn đọc, trở thành một kênh quan trọng để bạn đọc tham khảo khi chọn sách. Thành công của giải thưởng đến từ việc luôn hướng đến bạn đọc.

Vẫn chưa có một giải thưởng sách nào trong nước đủ uy tín để trở thành chỗ dựa tham khảo cho bạn đọc khi chọn sách.

Vẫn chưa có một giải thưởng sách nào trong nước đủ uy tín để trở thành chỗ dựa tham khảo cho bạn đọc khi chọn sách.

Nghiêm túc

Các giải thưởng sách trước nay ở trong nước thường xảy ra mâu thuẫn: Giải do bạn đọc chọn phản ánh thị trường nhưng lại bị chê về mặt chuyên môn; giải do các chuyên gia bình xét hay bị phê là xa cách thị trường.

Chính vì điều này mà ngay từ khi bắt đầu, Giải thưởng Sách hay chọn cách trung hòa cả hai. Giải chia làm 3 vòng, vòng đầu tiên mở rộng cho tất cả mọi người, từ bạn đọc đến các chuyên gia… ai cũng có quyền đề cử cuốn sách mình ưa thích cho giải thưởng. Vào vòng tiếp theo, một hội đồng xét tuyển sẽ chấm điểm với các thang điểm, tiêu chí cụ thể. 5 cuốn sách có tổng điểm cao nhất sẽ lọt vào vòng chung khảo cuối cùng. Tại đây, với 7 hội đồng chuyên môn riêng biệt cho từng thể loại sách, mỗi hội đồng tập trung các chuyên gia uy tín trong từng lĩnh vực sẽ xem xét, tranh luận với nhau để chọn ra cuốn sách đoạt giải.

Ngay từ đầu, giải đã lựa chọn một loạt các biện pháp nghiêm khắc như bắt buộc tác phẩm được giải phải nhận được 100% sự tán đồng của ban giám khảo (BGK), tất cả tác phẩm của thành viên BGK sẽ bị loại mà không cần chấm. Sau lần đầu tổ chức, việc đồng thuận 100% quá khó nên được giảm đi nhưng riêng việc loại bỏ tác phẩm của thành viên BGK vẫn được giữ nguyên. Ngay tại giải lần thứ 3, nhiều tác phẩm đã bị loại dù được đánh giá cao chỉ vì tác giả đang là giám khảo.

Tác phẩm dịch đoạt giải “Sách quản trị” trong Giải thưởng Sách hay năm nay là cuốn Đại dương xanh. Điều đáng nói là cuốn này nguyên tác xuất bản lần đầu năm 2005, bản dịch tiếng Việt xuất bản trong nước năm 2007. Tuy không vi phạm quy chế (sách in sau 30-4-1975) nhưng rõ ràng đây là một cuốn sách tương đối cũ. Thế nhưng, lý do BGK chọn sách được thành viên BGK - chuyên gia Bùi Văn giải thích: “Đại dương xanh là cuốn sách đặc biệt, sách giúp doanh nhân tránh được sa vào các cuộc cạnh tranh quá lớn và gay gắt bằng cách tìm kiếm thị trường mới ít cạnh tranh hơn, có cơ hội hơn. BGK đánh giá đây là cuốn sách quản trị rất phù hợp tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay”. 

Xây dựng một giải thưởng sách xứng tầm

Không thể phủ nhận thành công của Giải thưởng Sách hay đóng vai trò quan trọng giúp mang đến sinh khí mới cho văn hóa đọc. Thế nhưng, không phải mọi thứ đều tốt đẹp. Chính sự quá cẩn thận đã khiến giải bị phê phán là dư thừa. Tiêu biểu như ở hạng mục “Thiếu nhi”, năm 2011 giải trao cho tác phẩm dịch Hoàng tử bé của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry, một trong các kiệt tác văn chương nhân loại. Năm 2012, giải thuộc về Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán và năm nay là Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ của tác giả Kuroyanagi Tetsuko, cuốn sách bán chạy nhất ở Nhật sau thế chiến và đã nhiều lần xuất bản trong nước. Một nhà văn tên tuổi đã nhận xét: “Giải thưởng văn học là để tôn vinh các tác phẩm mới hoặc có thể là chưa được biết đến nhằm giúp người đọc nhận thấy giá trị của những tác phẩm đó chứ cứ như thế này thì chỉ việc mang các tác phẩm đoạt giải Nobel ra trao là giải có thể duy trì vài chục năm nữa mà không ai dám chê là chấm sai”.

Hiện nay, cả nước chỉ có 2 giải lớn dành cho sách là Giải thưởng Sách hay và Giải thưởng Sách Việt Nam do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Nếu sách hay được đánh giá cao ở công tác tổ chức, chấm giải nghiêm túc thì Giải thưởng Sách Việt Nam lại được chú ý ở góc độ phản ánh thực tế, sâu sát với thị trường sách.

Với hơn 80 triệu dân cùng một thị trường sách gần 3.000 tỷ đồng mỗi năm thế nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa có được một giải thưởng xứng tầm cho sách. Những bài học từ thành công cũng như trở ngại của Giải thưởng Sách hay sẽ là điều kiện thuận lợi để xây dựng một giải thưởng sách xứng đáng cho văn hóa đọc trong nước.

Ra mắt truyện tranh Thần đồng Đất Việt: Hoàng Sa, Trường Sa

Sáng 25-9, Công ty Phan Thị tổ chức họp báo ra mắt bạn đọc cả nước tập 1 bộ truyện tranh Thần đồng Đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa. Đây được xem như là bộ truyện tranh về lịch sử biển đảo đầu tiên của Việt Nam.

Sau hơn 1 năm chuẩn bị, bộ sách Thần đồng Đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa đã chính thức ra mắt bạn đọc tập đầu tiên với nhan đề Khẳng định chủ quyền. Cũng với cách thể hiện quen thuộc, truyện đưa bạn đọc bắt đầu cuộc phiêu lưu từ Quốc sử quán triều Nguyễn đến những hoạt động lịch sử như thành lập các đội dân binh, hải quân ra khai thác, bảo vệ, vẽ bản đồ hoàn chỉnh hai quần đảo… Tất cả đều được thể hiện bằng phong cách quen thuộc với những ai đã đọc Thần đồng Đất Việt. Bộ truyện dự kiến sẽ bao gồm 10 tập, bao quát nhiều sự kiện trong lịch sử liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, bộ sách cũng dành ra một số tập miêu tả cảnh quan thiên nhiên, chiến thuyền… ở hai quần đảo.

Nhân dịp này, đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân đã đón nhận 200 cuốn sách Thần đồng Đất Việt: Hoàng Sa - Trường Sa tập 1 do Phan Thị gửi tặng các em thiếu nhi đang sinh sống và học tập ở quần đảo Trường Sa.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục