36 năm sau ngày đất nước giải phóng, 47 năm kể từ ngày xảy ra trận tập kích đánh sập địa đạo Bàu Giang thuộc địa bàn ấp An Bình, xã Trung An, huyện Củ Chi, đến cuối tháng 3-2011, được sự hỗ trợ của Trung tâm Quản lý dữ liệu về liệt sĩ tại TPHCM (Marin), phóng viên Báo SGGP đã tìm gặp các nhân chứng lịch sử. Một sự thật chưa từng được công bố: Gần nửa thế kỷ qua, 11 du kích hy sinh trong trận đánh nói trên vẫn còn nằm sâu dưới lòng địa đạo, cũng như câu chuyện về cuộc chiến đấu ngoan cường của những chàng trai, cô gái đang độ tuổi đôi mươi ấy vẫn hằn sâu ở đất thép anh hùng.
Bài 1: Đám giỗ tập thể
Năm nào cũng vậy, cứ tới ngày 12-11, chị Lê Thị Gái (ngụ ấp An Hòa, xã Trung An, huyện Củ Chi) lại nấu một mâm cơm đặt lên bàn thờ rồi lặng lẽ đốt mấy nén nhang thơm. Mấy món trong mâm cơm mà chị làm bắt chước má chị hồi bà còn sống: Một dĩa thịt kho, tô canh khổ qua hầm, thêm món xào, món mặn. Nghe má kể mấy món này ba thích ăn nhất. Người trong tấm hình để trên bàn thờ còn trẻ măng. Má chị phải ra tuốt ngoài huyện nhờ người ta họa lại từ tấm hình nhỏ xíu trong thẻ căn cước của ba. Đó là tấm hình duy nhất mà cả nhà còn có được sau ngày ba chị hy sinh. Năm đó, chị Gái còn nằm trong bụng mẹ.
Cũng vào ngày 12-11, cách nhà chị Gái không xa, dì Nguyễn Thị Nghiệm, dì Trần Thị Gái, chú Võ Văn Chén, chú Võ Văn Luốc… cũng lụi hụi nấu cơm, canh làm đám giỗ cho người thân. Dì Trần Thị Gái chép miệng: Nếu tính đủ, phải có 12 cái đám giỗ cùng trong ngày 12-11. Cúng một lượt để mấy anh, mấy chị dưới đó ăn với nhau cho đỡ lạnh...
Trận càn ngày 12-11-1964
Năm nay 76 tuổi, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Tiểu đội trưởng dân quân du kích xã Trung An, người trực tiếp tham gia chiến đấu với giặc khi chúng càn quét ấp Bàu Giang, vẫn không sao quên được cái đêm ác liệt đó. Ông nhớ lại: “Vào năm 1964, lực lượng du kích xã Trung An, huyện Củ Chi có dùng một em bé chừng 11 tuổi làm liên lạc để tránh tai mắt của giặc. Được một thời gian, chúng nghi ngờ, tìm cách dụ dỗ em bằng cách cho tiền, cho ăn uống để khai thác thông tin. Rạng sáng ngày 12-11-1964, giặc bất thần ập xuống ấp Bàu Giang để khui hầm”.
Ông Thanh kể tiếp: Phát hiện giặc về ấp, du kích xã ở dưới hầm bắn ra. Quần thảo suốt đêm, đến khi trời sáng, đi tới vườn nhà thím Bảy, chúng phát hiện có dấu đạn trên gốc mít trước nhà. Thím Bảy vừa chạy ra, chưa kịp nói câu nào bị tên lính đi đầu đạp mấy cái vào bụng khiến thím nằm lăn dưới đất. Phát hiện được miệng hầm, chúng bắt thằng Bưng, con trai thím Bảy, chừng 10 tuổi, chui xuống dưới. Lúc đó, anh em du kích dưới hầm nếu giữ thằng bé lại không cho lên, chắc chắn giặc sẽ đánh hầm, tất cả đều hy sinh, kể cả đứa nhỏ. Nghĩ vậy, anh em thả cho thằng nhỏ chui lên, dặn nói với giặc là không có ai ở dưới hầm. Giặc vẫn không tin. Chúng thả trái ngạt ở cửa hầm rồi chờ đợi. Lúc đó, tôi đang tránh ở một nhánh hầm khác. Nghe anh em dưới hầm bên đó bị ngạt, kêu la rất lớn, trong bụng xót xa mà không biết làm cách nào cứu được. Đến tầm 4 giờ chiều, tiếng kêu la trong hầm dần tắt hẳn. Giặc rút lên mé đồng trống. Tôi cùng 5 anh em nữa bí mật bò qua miệng hầm tìm đồng chí mình. Anh Ca xung phong đào một lỗ nhỏ để chui xuống trước. Khi trở lên, anh Ca nói: “Ở dưới hầm có 12 anh chị em, hy sinh hết rồi. Cha tui cũng nằm dưới đó. Giờ anh em tính làm sao để đem đồng chí mình lên chôn cất”. Chúng tôi chỉ có 6 người nên quyết định phân công mỗi người xuống hầm 2 lần. Thống nhất đâu đó xong, chúng tôi xác định vị trí anh em mình nằm ở dưới rồi bắt đầu đào đất trổ thẳng xuống địa đạo. Khi cửa hầm được nới rộng, anh Ca xung phong chui xuống lần thứ hai. Khi anh cõng được xác của ba anh lên thì từ đâu giặc tràn tới. Ngó thấy lính tới đông quá, không còn cách nào khác, chúng tôi đành rút lui…
Ký ức đau thương
Bà Nguyễn Thị Đuốc, nguyên thành viên Ban Cán sự phụ nữ ấp An Bình, xã Trung An kể tiếp: Sau khi mấy anh du kích rút đi, giặc ruồng bố khắp các nhà trong ấp, bắt hết dân. Vì đàn ông, con trai đều theo du kích rút đi hết nên chúng chỉ bắt được đàn bà, con gái tập họp trước miệng hầm, kêu đào đất mở rộng miệng hầm. Tốp đầu đào tới trưa thì được một lỗ hổng lớn. Chúng thả một tốp cho về nhà ăn cơm, bắt tốp khác tới đào tiếp. Khi miệng hầm khá rộng, giặc lại bắt chị em chui vô cõng xác. Nhiều người không chịu vào. Chúng lao vào đánh đập. Đánh dữ cỡ nào cũng không làm được gì. Cuối cùng, mấy tên lính trực tiếp chui vô hầm, cầm theo dây để kéo xác ra. Đến khi chúng trở lên, tui choáng váng: Trên tay 2 thằng lính là 2 cái đầu của du kích, máu me bê bết. Cắt đầu xong, một tên lính cầm nguyên cây dao máu chảy ròng ròng tới bắt tui xối nước cho nó rửa tay. Tui còn chưa hết kinh hoàng thì nó nạt: “Mày không làm, tao nhận đầu vô lu nước đó”.
Bà Đuốc kể tiếp: Sau đó, chúng hả hê đem “chiến lợi phẩm” ra phơi trước phòng thông tin của ấp. 2 chiếc đầu phơi nắng suốt 2 ngày, đến ngày thứ 3, trước khi rút đi, chúng châm lửa đốt phòng thông tin rồi lệnh cho ba tôi đem đầu đi chôn. Khi ba tôi đến nhận hai cái đầu thì tóc tai, mặt mũi đã bị cháy đen, không còn nhận ra đó là đầu của anh em nào nữa. Cũng sau khi giặc rút đi, bà con mới đến miệng hầm, đem xác của chú Chín Tặng - cha ruột anh Ca (vốn đã được đem lên tới miệng hầm) - đi chôn. Những ngày sau đó, người thân của các liệt sĩ cũng âm thầm tìm cách đưa các thi thể lên mà không được. Tình hình lúc đó căng quá, giặc có thể trở lại bất cứ lúc nào. Ai cũng lo về củng cố hầm nhà mình, chuẩn bị đối đầu với trận chiến mới. Không ai có thể biết trước chuyện sống chết của mình. Không còn ai kịp nghĩ đến việc mang thi thể 11 du kích lên. Địa đạo ấp Bàu Giang trở thành nấm mồ tập th
Mai Hương
Bài 2: Lời tuyên thệ dưới cờ
Từ ký ức của những nhân chứng, có xác nhận của chính quyền xã Trung An, huyện Củ Chi, nơi hy sinh, địa điểm có hài cốt và danh tánh của 12 liệt sĩ hy sinh trong địa đạo ấp Bàu Giang (nay là ấp An Bình, xã Trung An, huyện Củ Chi) đã được xác định. Nhiều người trong số họ chỉ vừa tròn mười tám đôi mươi...
Tiêu chuẩn phấn đấu đặc biệt
Chỉ tay về phía ngã tư An Bình (trước đây là ngã tư Bàu Giang), bà Nguyễn Thị Đuốc kể: “Từ năm 1960-1962, đây là vùng giải phóng, phong trào thanh niên hoạt động sôi nổi lắm. Mà hồi đó tập hợp thanh niên dễ lắm. Đâu cần ai kêu gọi, vận động gì đâu, cứ đứa này rủ đứa kia thôi. Mỗi buổi sinh hoạt chỉ chừng nửa tiếng. Mấy anh chị trong chi đoàn nói chuyện thời sự, kêu gọi thanh niên trong ấp cùng tham gia đào địa đạo, công sự, chuẩn bị tinh thần đánh giặc, bảo vệ xóm làng. Cuối mỗi buổi sinh hoạt, chi đoàn tổ chức chơi trò chơi. Mỗi lần sinh hoạt, chi đoàn còn dạy hát. Tụi tui thích nhất là bài Kết đoàn, bữa nào cũng hát. Riết rồi chiều chiều, hễ nghe hát bài Kết đoàn là cô bác trong ấp biết là đám nhỏ đang sinh hoạt Đoàn”.
Thời gian đó, trong ấp, người lớn đi thoát ly gần hết. Nhiệm vụ của Đoàn là hỗ trợ các gia đình có người đi làm cách mạng. Con gái thì trông trẻ con để mấy chị, mấy mẹ thoát ly yên tâm công tác. Làm xong nhiệm vụ, cả nhóm lại rủ nhau đi đào địa đạo với nhóm con trai. “Hồi đó, cả xã, cả huyện có phong trào đào địa đạo. Chúng tôi phân công nhau, thường thì mỗi miệng hầm do 2 nam và 2 nữ phụ trách. Mỗi một miệng hầm trổ xuống rồi khoét ăn thông với nhau dưới lòng đất. Đào được chừng 2m thì đổi ca, liên tục bất kể ngày đêm. Ban đêm cầm theo cây đèn dầu hay đèn cầy để đào. Con nít không đào được thì lấy ki xúc đất đem đổ. Ròng rã cả năm trời, hệ thống địa đạo trong xã mới hoàn thành”, bà Đuốc nhớ lại.
Ông Võ Văn Luốc, em trai liệt sĩ Võ Thị Lem, từng tham gia chi đoàn thanh niên ấp An Bình kể tiếp: “Chi đoàn không có nghị quyết nhưng ý thức kỷ luật hồi đó nghiêm lắm. Ai làm xìu xìu ển ển là bị phê bình liền. Ai tham gia phong trào hăng hái, đào địa đạo giỏi mới được kết nạp vô Đoàn. Mặc dù trong thời chiến nhưng lễ kết nạp đoàn viên mới cũng được tổ chức khá trang trọng: có hoa, có cờ, có ảnh Bác. Đoàn viên được kết nạp đọc lời tuyên thệ dưới cờ, hứa trung thành với lý tưởng cách mạng. Khi lọt vào tay giặc, quyết giữ vững khí tiết, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và không khai báo”. Bà Nguyễn Thị Đuốc nuối tiếc: “Hồi đó, tui tham gia công tác, chỉ mong có ngày được mấy anh chị trong chi đoàn cho làm đoàn viên. Đâu dè tới ngày kết nạp thì chiến sự nổ ra. Mãi tới năm 1976, tui mới được vô Đảng mà chưa từng có ngày nào chính thức được là đoàn viên”.
Bà Võ Thị Nghiệm, em liệt sĩ Nguyễn Thị Giang, liệt sĩ Nguyễn Văn Chục, cháu liệt sĩ Nguyễn Thị Sảnh (3 trong số 12 người hy sinh dưới lòng địa đạo) bùi ngùi: “Chị Giang hy sinh khi mới 18 tuổi còn anh Chục chắc chỉ ngoài 20. Hồi đó họ hăng hái lắm, mỗi lần ra khỏi nhà, đi đào địa đạo là xác định rõ, sống chết mặc, phải hoàn thành nhiệm vụ”.
Mong đợi ngày về
|
Qua thông tin từ các thân nhân liệt sĩ, nhân chứng, chúng tôi đã có nhiều buổi khảo sát hiện trường. Tham gia buổi khảo sát này có đại diện thân nhân gia đình liệt sĩ, các nhân chứng trực tiếp có mặt trong sự kiện ngày 12-11-1964, trưởng ấp An Bình, đại diện UBND xã Trung An, huyện Củ Chi. Qua các thông tin thu thập được, bước đầu xác định danh tính 12 liệt sĩ hy sinh tại đoạn địa đạo Bàu Giang, gồm: Lê Văn Đôn (Ba Đôn), Tô Văn Tụi (Út Tụi), Nguyễn Văn Cằng (Sáu Cằng), Nguyễn Văn Sằng (Bảy Sằng), Nguyễn Văn Chục (Út Chục), Nguyễn Văn Sồng, Võ Thị Lem (Hai Lem), Nguyễn Thị Sảnh, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Văn Kịch, Nguyễn Văn Tải, Chín Tặng (liệt sĩ duy nhất được mang thi thể lên sau đó). Ông Nguyễn Văn Thanh và Huỳnh Văn Dóc - 2 du kích trực tiếp tham gia trận đánh hầm còn sống, bước đầu đoán được vị trí có hài cốt của 11 liệt sĩ còn nằm lại trong lòng đất.
Ngày 15-3-2011, sau gần 50 năm, đồng đội và những thân nhân của người nằm xuống đã có đơn tha thiết đề nghị Bộ Tư lệnh TPHCM, Sở LĐTB-XH TPHCM, UBND huyện Củ Chi sớm tiến hành quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về với gia đình hoặc an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ. Chị Lê Thị Gái, con gái liệt sĩ Nguyễn Văn Cần, xúc động: “Cha mất rồi, nửa tháng sau má mới sanh tôi. Không còn cha, má tôi đi làm giấy khai sanh cho tôi thì người ta không cho mang họ cha, cho nên tôi mới mang họ mẹ. Nghe tin ba tôi chết trong địa đạo, má tôi có bầu gần sanh, muốn đi lấy xác về cũng không được. Mấy ngày sau, cậu Mười tôi có lén chui xuống thăm dò. Sau này trước khi cậu mất, cậu nói với tui: Cha mày còn nằm ở dưới đó. Anh chị em dưới đó ai cũng chết nằm sấp. Biết cha nằm đó mà mấy chục năm nay không có điều kiện đem lên. Tới ngày má mất cũng chưa đem được ba về”.
Cũng cần nói thêm, hiện 5 người hy sinh tại địa đạo Bàu Giang ngày 12-11-1964 chưa được công nhận liệt sĩ. Thân nhân các liệt sĩ hy vọng chính quyền địa phương giúp đỡ các thủ tục để công nhận liệt sĩ cho những cá nhân còn lại .
ĐOÀN HƯƠNG