Chia sẻ về cách chăm lo tới từng đối tượng, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn (ảnh) cho hay: Đi đôi với phát triển kinh tế là giải quyết tốt các vấn đề xã hội, chăm lo an sinh xã hội, nếu không thì sự phát triển cũng không có ý nghĩa gì. Năm nay, dù ngân sách TP còn khó khăn, song TP vẫn đảm bảo mức chi chăm lo tết và quy mô chăm lo tết chỉ tính riêng từ ngân sách khoảng 800 tỷ đồng, tăng khoảng 35 tỷ đồng so với Tết 2018.
° Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM LÊ MINH TẤN: TP chia thành từng nhóm đối tượng để chăm lo cụ thể, thiết thực. Sở LĐTB-XH TPHCM đã có kế hoạch chi quà tết trình UBND TPHCM thông qua. Theo đó, dự kiến, các cán bộ lão thành cách mạng, nhân sĩ trí thức, mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, thương binh nặng hạng đặc biệt, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm 81% đặc biệt nặng được TP tặng quà trị giá 3,1 triệu đồng/suất. TP có phần quà trị giá 1,7 triệu đồng/suất tặng các thương binh nặng, bệnh binh, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động… Khoảng 260.000 đối tượng chính sách có công khác nhận quà trị giá 1,3 triệu đồng/suất.
TPHCM cũng tặng quà các gia đình có con em đang làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc và gia đình có con em tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc, làm nhiệm vụ giữ gìn hòa bình tại Phái bộ Nam Sudan.
Toàn bộ 148.000 cán bộ, công chức, viên chức đang công tác trong khu vực hành chính sự nghiệp khối thành phố, quận - huyện và một số cơ quan hành chính sự nghiệp thuộc ngành dọc (kể cả các tổ chức Đảng, đoàn thể và cán bộ phường, xã, thị trấn), được tặng quà trị giá 1,4 triệu đồng/suất.
Với các hộ nghèo, cận nghèo, TP sẽ có quà tặng 15.700 hộ nghèo, vừa vượt chuẩn nghèo, mỗi hộ 1,15 triệu đồng. Khoảng 130.000 người diện bảo trợ xã hội, khuyết tật, người già trên 80 tuổi trở lên, mỗi người được nhận 1,3 triệu đồng.
Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức các cuộc họp mặt cán bộ lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ trí thức… Đồng thời, TP tổ chức 40 đoàn đi thăm, chúc tết các đồng chí lão thành cách mạng, các cơ sở cách mạng, các vùng căn cứ đã có nhiều đóng góp cho TPHCM trong thời kỳ kháng chiến; các gia đình có con em đang làm nhiệm vụ ngoài đảo xa, các gia đình thương binh, liệt sĩ chiến đấu ở chiến trường Tây Nam... Lãnh đạo TPHCM trọn vẹn nghĩa tình, trước sau như một với các bậc lão thành. Lãnh đạo TP cũng tới tận nhà thăm người nghèo, hộ dân tộc thiểu số nghèo, các cụ lớn tuổi… Với tinh thần tiết kiệm, không phô trương, các đoàn đi thăm có số lượng hạn chế, gọn nhẹ, chỉ khoảng 4 người/đoàn, quan trọng là mang tình cảm đến với các gia đình trong dịp tết đến xuân về.
Đây là tình cảm và trách nhiệm của TP, nhằm đảm bảo tất cả mọi nhà, mọi người đều có tết, không ai bị bỏ lại phía sau.
° Tổng kinh phí chăm lo tết được lấy từ đâu, thưa ông?
° Tổng kinh phí chăm lo Tết Nguyên đán 2019 dự kiến khoảng 800 tỷ đồng, tăng khoảng 35 tỷ đồng so với Tết 2018, được trích từ nguồn ngân sách. Cùng với sự chăm lo của TP, là sự chung tay góp sức từ cộng đồng, từ các mạnh thường quân với số tiền khoảng 500 tỷ đồng. Đặc biệt, còn rất nhiều tấm lòng thảo thơm, tự tìm đến, chăm lo cho những người kém may mắn trong dịp tết. Đó là sự san sẻ tự nhiên, hỗ trợ âm thầm mà chúng ta nhiều khi không thống kê hết được. Nhìn chung, TP tập trung mọi nguồn lực, huy động toàn xã hội cùng chung sức chăm lo tết tới người dân. Việc chăm lo tết được phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban, ngành để đảm bảo chăm lo đúng đối tượng, không trùng lắp.
° Theo ông, sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, quận, huyện, đơn vị trong việc chăm lo tết cho người dân ra sao? Những mô hình, cách chăm lo tết nào mang lại nhiều dấu ấn?
° Từng địa phương, đơn vị đều có nhiều sáng tạo trong chăm lo tết cho đối tượng trên địa bàn, hay hội viên, đoàn viên mình phụ trách. Chẳng hạn, với các bạn trẻ TPHCM, Thành Đoàn TPHCM chăm lo tốt cho thanh thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em ở các mái ấm, nhà mở, trẻ em khuyết tật, con công nhân có hoàn cảnh khó khăn, con cán bộ, chiến sĩ hải quân, bộ đội công tác tại biên giới, hải đảo. Đoàn phối hợp với trường học lo chu đáo cho sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về quê đón tết. Các bạn trẻ ở nhiều quận, huyện cũng đến nhà các gia đình chính sách có công phụ giúp dọn dẹp nhà cửa cuối năm, sắp bàn thờ ngày xuân…
Tương tự, các cấp công đoàn cũng có nhiều hoạt động thiết thực như tặng vé xe cho công nhân về quê đón tết, tổ chức tết sum vầy tặng quà cho gia đình công nhân lao động không có điều kiện về quê đón tết, lì xì cho con công nhân. Công nhân trực tiếp lao động sản xuất, bị mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn phải thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp giải thể, phá sản, di dời, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, công nhân bị tai nạn lao động… luôn được ưu tiên chăm lo.
Ở các địa phương, ngoài sự hỗ trợ của TP, quận, huyện, phường, xã đều phát huy tính sáng tạo, chủ động vun vén, lo thêm tết cho người dân trên địa bàn. Nhiều phong trào chăm lo cho người nghèo rất tốt, nhiều khu phố còn thi nấu bánh chưng bánh tét, tạo không khí gắn kết, đầm ấm vui tươi.
Đặc biệt, không chỉ chăm lo cho người dân TPHCM, mà các đơn vị ở TP còn chăm lo tết, tặng vé xe, tặng quà cho những người đến TPHCM làm việc, học tập như công nhân, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
° Một trong những việc quan trọng vào dịp tết mà nhiều người quan tâm là lương, thưởng tết. Tình hình năm nay ra sao, thưa ông? Với những doanh nghiệp gặp khó khăn thì sở và các đơn vị liên quan sẽ làm thế nào?
° Nhằm ổn định tình hình quan hệ lao động, tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp tập trung sản xuất, kinh doanh và người lao động an tâm làm việc vào dịp tết, Sở LĐTB-XH TPHCM đã đề nghị các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoạt động trên địa bàn TPHCM quan tâm thực hiện tốt việc trả lương, trả thưởng cho người lao động trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2019. Doanh nghiệp phối hợp, trao đổi với tổ chức công đoàn cơ sở rà lại hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, quy chế trả lương, quy chế thưởng để thực hiện các chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người lao động theo nội dung đã thỏa thuận; xây dựng phương án thưởng theo kết quả sản xuất kinh doanh trong năm.
Các doanh nghiệp cần thông tin sớm và đầy đủ kế hoạch trả lương, thưởng trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2019 trước ngày 31-12 để người lao động biết rõ. Các nội dung doanh nghiệp cần thông báo tới người lao động như: tiền lương, thưởng, các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động trong dịp tết (tặng quà tết, hỗ trợ vé tàu, xe cho người lao động về quê ăn tết…), thời gian nghỉ tết, nghỉ phép năm và thời gian thực hiện trả lương, thưởng tết.
Hiện nay, sở đang ghi nhận tình hình lương, thưởng tết. Chưa có con số thống kê cụ thể, song nhìn chung là bằng và cao hơn tết năm 2018.
Các doanh nghiệp cần đảm bảo thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn theo kế hoạch trả lương, thưởng trong dịp tết cho người lao động, không để xảy ra tình trạng nợ lương, nợ thưởng của người lao động dẫn đến nguy cơ tranh chấp lao động và bất ổn trong quan hệ lao động tại doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn, cần thông tin, trao đổi nhanh với tổ chức đại diện tập thể lao động, và báo cáo Phòng LĐTB-XH quận, huyện, Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp TPHCM, Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (nơi doanh nghiệp đặt trụ sở) để cùng phối hợp, có kế hoạch thưởng tết và hỗ trợ người lao động. |