
Chưa bao giờ hiện tượng tình dục được khai thác nhiều, công khai như hiện nay. Từ chuyện trong sách chuyên môn đến các tác phẩm văn hóa; từ thơ ca, nhạc họa, phim ảnh… đến báo chí, dưới dạng các phụ trương, chuyên san, đặc san.
Từ mạng, truyện tranh, sách...
Sex trên mạng đã và đang trở thành hiện tượng... bình thường. Nói bình thường bởi vì nó có thường xuyên, có nhiều và dễ dàng truy cập bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Nó bình thường bởi vì ai cũng có thể tìm đến nó với giá “rẻ đến bất ngờ”. Nó bình thường, bởi vì các ngành chức năng gần như thả nổi, không quản lý được…, hay nói cách khác là chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Và do vậy không thể không lo lắng khi thấy ở các cửa hàng dịch vụ Internet đa số là học sinh trung học cơ sở đến truy cập. Các em đang lang thang trên mạng và tìm những bộ phim từ truyện tranh nước ngoài. Hỏi sao không mua sách xem, các em trả lời: tốn nhiều tiền, mất thì giờ và không… đã bằng vào mạng.
Hóa ra các loại truyện tranh đã in thành sách như Thủy thủ mặt trăng, Bảy viên ngọc rồng, Nurse, School girl đều có ở đây… Các em gọi đó là “truyện tranh Hentai”. Chỉ một cái nhấp chuột, các em có được 1.990.000 mục liên quan tới chủ đề truyện tranh sex.
Truyện tranh này được vẽ theo phong cách Manga, Anime của Nhật Bản. Chất lượng sex ở đây không thua kém bất cứ bộ phim “con heo” loại nặng nào vẫn được bày bán trên các hè phố, xóm nhỏ, các khu chợ buổi chiều… Nguy hiểm hơn, nó được ngụy trang bằng những truyện tranh quen thuộc như Cô gái quàng khăn đỏ, Bạch Tuyết và 7 chú lùn… Thử lang thang trên một địa chỉ như LAN, VUI… các thành viên có đăng ký có thể xem thoải mái phim hoạt hình sex, được tặng ảnh sex kiểu Hentai.
Cùng với những thứ truyện Cô giáo Thảo, Nhật ký Nguyễn Hồng Nhung… đây là một hình thức kinh doanh trái phép, núp bóng truyện tranh để đầu độc trẻ em, học sinh.
Gần đây, dư luận, công luận phản ánh và bàn tán về một số cuốn sách dịch mang màu sắc sex được một số nhà xuất bản tung ra thị trường. Không phải những loại sách này được quảng cáo rầm rộ. Chỉ là cái rỉ tai hoặc do người mê sách phát hiện ra.
Mãi tới khi báo chí vào cuộc, nó mới gây chú ý ít nhiều. Đã có trường hợp vì sách ra nhiều, độc giả đã bão hòa trong thú đọc sách, chính nhà xuất bản tung ra chiêu thức, mời một số người sắm vai fan hâm mộ (chuyện này xảy ra nhiều trong sân khấu biểu diễn ca nhạc nhẹ), kéo đến tìm mua sách, rồi nhờ một vài tờ báo đưa tin “cơn sốt” sách này, “cơn sóng thần” sách kia… Vậy là sách ế bỗng bán được. Các chiêu thức đó ảnh hưởng tới cả những người viết và cả những người đọc sách nghiêm túc.
Đến báo chí
Cũng là một dạng lợi dụng, ở đây, xin nói tới một phạm vi lợi dụng khác. Chúng tôi xin nói về một số chuyên mục, phụ trương. Dưới đủ hình thức mang danh là khoa học, hoặc là sáng tác văn học người ta đi sâu vào chuyện tình dục. Sự kết hợp giữa cái gọi là khoa học (ở đây là y học, dược học, thậm chí phụ nữ học…) và sáng tác văn học, viết về nam nữ (thơ, văn, họa, nhạc…) người ta tập trung chú trọng vào chuyện làm tình.
Đấy là những thông tin khai thác sâu thêm, kỹ thêm, mở rộng thêm những vấn đề liên quan tới tính dục thông qua những tiêu đề khoa học: thuốc hỗ trợ, các vấn đề tâm sinh lý… Tính dục là một hoạt động tự nhiên và đã có những nhận định có tính tổng kết rằng: Người ta nói về tính dục bao giờ cũng nhiều hơn thực chất của nó. Nói nhiều hơn trong phạm vi nào đó, còn có thể chấp nhận. Nói theo cách “tận thu” tối đa, biến tính dục thành món hàng kinh doanh, thu lợi trắng trợn, thì đó là phản văn hóa, không thể chấp nhận.
Theo dư luận bạn đọc, trên một số phụ trương báo chí, việc khai thác, truyền tải các thông tin về tính dục đã đến mức thô thiển, dung tục, phản cảm. Rất mong có sự điều chỉnh từ phía nhà báo và cơ quan quản lý báo chí, để báo chí xứng đáng là món ăn tinh thần bổ ích của người dân.
SA - NAM