Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930 _ 3-2-2018)

Một lòng trung kiên với Đảng

Đã 96 tuổi đời và 70 tuổi Đảng nhưng ông Tống Thú vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già bên con cháu. 
Ngày ngày ông vẫn theo dõi tình hình thời sự của đất nước, của địa phương để đóng góp ý kiến, đề xuất ý tưởng, kinh nghiệm của mình với các cơ quan, ban ngành Trung ương và địa phương.
Một lòng trung kiên với Đảng ảnh 1 Ông Tống Thú, người cựu binh già một lòng trung kiên với Đảng
Nắm bắt thông tin để góp ý, xây dựng 
Về phường Điện An, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, chỉ cần hỏi tên ông Tống Thú thì ai cũng biết. Ông không chỉ nổi tiếng là một trong những bậc cao niên minh mẫn bậc nhất trong phường, mà còn là người đảng viên hết mực gương mẫu, trung kiên, dành trọn cuộc đời cho Đảng, cho dân.
Ông Tống Thú sống trong ngôi nhà đơn sơ giản dị, cặm cụi bên chiếc bàn gỗ cũ kỹ với nhiều giấy tờ và sách báo được xếp gọn gàng ngăn nắp. Mỗi sáng ông đều đọc hết tất cả các tờ báo Đảng như: Nhân Dân, Cựu Chiến Binh, An Ninh Thế Giới, Người Cao Tuổi, Đại Đoàn Kết, Quảng Nam…Ngoài một số ít đầu báo ông được tặng theo chế độ và số còn lại ông bảo con cháu đặt mua hàng ngày về cho ông. 
Khi được hỏi vì sao ngày nào ông cũng đọc nhiều báo thế, ông cười bảo: “Là người dân Việt Nam, phải coi thời sự để hiểu tình hình đất nước mình. Đọc báo để hiểu và góp ý mỗi khi đi họp. Sau đó có thể viết bài phản ảnh gửi đi”. Rồi ông kể, vài chế độ chính sách chưa hợp lý, ông đã viết góp ý gửi đi, có cái trả lời, có cái chưa. Ngoài ra, ông còn viết thư gửi đi để chỉ ra những liệt sĩ đã hy sinh chưa được công nhận. Không chỉ vậy, vào dịp cuối năm, ông thường làm thơ ca ngợi về Đảng, quê hương đất nước để tặng cho cán bộ lãnh đạo địa phương. Thơ của ông có đến hàng ngàn bài. 
Tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo
Năm 1945 ông là Phó Chủ nhiệm Việt Minh tham gia cướp chính quyền làng Ngọc Tam, tổng Hạ Nông, phủ Điện Bàn (Quảng Nam - Đà Nẵng). Liên tiếp những năm sau đó, ông cũng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng của địa phương. Đầu năm 1954 ông được Liên khu điều vào quân đội Campuchia làm công tác dân vận. Khi đình chiến Hiệp định Genève ông tập kết ra bắc, sau đó đi bộ đội tình nguyện Lào thuộc Sư đoàn 335 Tây Bắc. Năm 1963, ông về công tác tại Bộ Tư lệnh Công binh với quân hàm trung tá, chức vụ Chính ủy Cục Kỹ thuật Công binh cho đến lúc về hưu - năm 1979. 
Đến nay tuy đã 96 tuổi, nhưng ông còn rất minh mẫn sáng suốt, có thể viết chữ và đọc báo không cần đeo kính. Ông còn làm Ủy viên Ban liên lạc Cựu quân tình nguyện Việt Nam - Lào và là chuyên gia quân sự Lào. Ông chia sẻ: “Hàng năm thường tổ chức họp ở Tam Kỳ, một năm hai lần chưa kể bất thường. Tuy nhiên hai năm gần đây thì đã chuyển sang tổ chức họp tại nhà tôi, vì họ thấy tôi già rồi, đi vào tận Tam Kỳ xa quá, mưa gió bất tiện”. Ngoài ra, tại Điện Bàn, ông còn là cố vấn Ban liên lạc tình nguyện Lào. 
“Tại phường hiện có 240 Đảng viên, trong đó ông Tống Thú là lớn tuổi và nhiều tuổi Đảng nhất. Ông vẫn minh mẫn sáng suốt, trí nhớ rất tốt, nhất là về lịch sử đất nước. Mặc dù điều kiện đi lại rất khó khăn, ông luôn theo dõi tình hình kinh tế xã hội của địa phương, khi phát hiện có vấn đề gì ông trao đổi ngay với cán bộ và giúp cho cán bộ địa phương nhận rõ vấn đề ấy. Với địa phương, hàng xóm, ông là người rất uy tín và được mọi người nể trọng, noi theo”, ông Trịnh Cường, Bí thư Đảng ủy phường Điện An chia sẻ.
Giờ tuổi đã cao, nỗi lo ấy vẫn còn hằn trên đôi mắt luôn nhìn xa xăm ấy, đôi mắt thâm quầng hằn sâu không biết bao dấu chân chim nhưng cũng không ít nỗi lo và trăn trở về Đảng, về dân, về quê hương đất nước và mong mỏi một sự đổi mới, hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc và ghi nhớ công ơn những người đã khuất. Ông bộc bạch: “Hồi xưa chiến tranh dân đi tìm Đảng, giờ muốn dân giàu, nước mạnh thì Đảng đi tìm dân”.

Tin cùng chuyên mục