Đạo diễn Hùng Lâm

Một nghệ sĩ đa năng

Một nghệ sĩ đa năng

Trong giới sân khấu TPHCM, đạo diễn Hùng Lâm được xem là một nghệ sĩ đa năng. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh, anh vừa là diễn viên, vừa là đạo diễn, kiêm luôn công việc chọn nhạc cho vở diễn. Hơn 10 năm gắn bó với sân khấu, đạo diễn Hùng Lâm đã gặt hái được những thành công nhất định, tạo được những ấn tượng đẹp trong lòng công chúng và đồng nghiệp…

Một nghệ sĩ đa năng ảnh 1

Đạo diễn Hùng Lâm (hàng đầu, ngồi giữa) cùng các diễn viên sân khấu kịch IDECAF.

- PV: Anh tốt nghiệp khoa đạo diễn Trường Cao đẳng Sân khấu-Điện ảnh TPHCM, nhưng dường như công chúng biết đến cái tên Hùng Lâm  qua công việc… chọn nhạc?

- Đạo diễn Hùng Lâm: Bên cạnh công tác đạo diễn, chọn nhạc là nghề tay trái nuôi sống tôi trong nhiều năm qua. Công việc này đến với tôi đầy bất ngờ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với chức danh lớp trưởng tôi thường đứng ra tìm nhạc, chọn nhạc giúp bạn bè hoàn chỉnh tiểu phẩm thi cử.

Từ đó, chọn nhạc trở thành công việc thường xuyên của tôi. Một vài sân khấu biết tiếng bắt đầu mời tôi chọn nhạc cho các vở diễn. Một số hãng phim cũng mời tôi chọn nhạc cho phim… Cái tên Hùng Lâm… chọn nhạc bắt nguồn từ đó.

- Để chọn được những đoạn nhạc phù hợp với từng hoàn cảnh, xung đột kịch của từng vở diễn, chắc anh phải nghe rất nhiều đĩa nhạc…

- Ngày đầu đến với nghề chọn nhạc cũng khá vất vả. Đây là một nghề không ai dạy, chỉ tự mình làm và trang bị kinh nghiệm, kiến thức cho chính mình. Chọn nhạc cho một vở diễn không phải chỉ nghe nhạc thường xuyên mà tôi còn phải xem cả những bộ phim nước ngoài.

Những đoạn nhạc, tiếng động được các chuyên gia thực hiện rất hay, sẽ có lúc mình cần đến. Hiện nay, tôi đã trang bị cho mình trên 5.000 đĩa DVD phim, trên 1.500 đĩa DVD nhạc, chưa kể các loại đĩa CD và VCD phim, nhạc. Để chọn nhạc phù hợp với từng vở diễn, tôi cũng đọc kịch bản như một diễn viên và cố hình dung ra các tình huống, hoàn cảnh của từng nhân vật. Đồng thời, tôi cũng theo sát quá trình tập luyện của cả đạo diễn và diễn viên.

Tuy hơi cực, nhưng cùng tham gia làm việc như thế, mình mới có thể chọn được những đoạn nhạc hay, góp phần tạo cảm xúc cho diễn viên diễn xuất. Có khi đoạn nhạc chỉ một, hai phút nhưng tôi phải nghe rất nhiều đĩa nhạc, xem rất nhiều phim để lẩy ra cái mình cần. Thậm chí có ngày, nghe hoài mà vẫn chưa chọn được những đoạn nhạc ưng ý.

- Chọn nhạc, dàn dựng nhiều vở kịch dài và cả ca múa nhạc kịch thiếu nhi. 10 chương trình “Ngày xửa ngày xưa” được đông đảo khán giả nhỏ tuổi thích thú, bí quyết của anh là gì?

- Dàn dựng chương trình sân khấu thiếu nhi khó gấp mấy lần dựng kịch cho người lớn. Không chỉ riêng đạo diễn mà cả ê kíp diễn viên, âm thanh, ánh sáng… đều làm việc cật lực. Sau mỗi suất diễn cả ê kíp ai nấy đều mệt, nhiều diễn viên khan cả tiếng… Chưa kể những lúc phải đối mặt với hiểm nguy.

Chẳng hạn như để có cảnh thần tiên bay trên không trung trong chương trình “Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi” chúng tôi phải nhờ anh em cascadeur hỗ trợ, hướng dẫn diễn viên thực hiện suốt mấy ngày.

Trong cảnh bay này, một cascadeur gặp sự cố rơi từ trên cao xuống, cũng may do có nghề nên anh ấy không sao. Ngay sau đó chúng tôi đã trải dưới sân khấu một lớp nệm… Tuy vất vả nhưng đổi lại những tiếng cười, những tràng vỗ tay của các em luôn là nguồn động viên khiến cả ê kíp lao động quên mình.

- Các chương trình “Ngày xửa ngày xưa” gần đây khán giả thấy cốt truyện quen thuộc có phần hư cấu thêm, phải chăng anh đang tìm tòi một hướng đi mới…

- Đúng vậy. Tôi đang tìm một hướng đi mới. Từ cốt truyện có sẵn chúng tôi đã hư cấu, phát triển thêm để tạo ấn tượng mới lạ, hấp dẫn. Làm điều này, tôi cũng nhận được nhiều ý kiến trái ngược nhau. Tuy nhiên, tôi nghĩ, cổ tích rất quen thuộc, mỗi người trong chúng ta lớn lên đều bắt nguồn từ cổ tích.

Làm mới cổ tích không có nghĩa là thay đổi nó mà chỉ là khoác lên cho nó một tấm áo mới. Cũng may, các chương trình thiếu nhi ấy đều “sốt” vé. Thậm chí, hiện nay nhiều phụ huynh đã đặt mua vé cho con em họ xem các chương trình của… năm sau! Điều này khiến tôi vừa mừng lại vừa lo. Niềm tin của khán giả là thử thách khiến mình phải nỗ lực nhiều hơn nữa... 

- Anh chú trọng điều gì khi dàn dựng một chương trình thiếu nhi?

- Tôi dàn dựng một chương trình thiếu nhi song muốn cả người lớn cũng thích xem. Cha mẹ, anh chị đưa các bé đi xem sẽ chính là “những người bạn” để các bé tâm sự về nội dung vở diễn.

- “Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi” đã gây “sốt” vé, anh sẽ tiếp tục dàn dựng chương trình mới phục vụ thiếu nhi chứ?

- Chúng tôi đang hình thành ý tưởng cho chương trình “Ngày xửa ngày xưa 11” rồi. Trong chương trình này, chúng tôi sẽ cho các nhân vật cổ tích như: Bạch Tuyết, Thạch Sanh, Thần đèn… gặp nhau. Khi các nhân vật cổ tích được gặp nhau sẽ có nhiều điều mới lạ, hấp dẫn xuất hiện…

- Xin chúc anh luôn thành công.

ĐỖ HẠNH

Tin cùng chuyên mục