Chỉ sử dụng được 4 năm
Từ đường Võ Văn Kiệt rẽ vào đường Vành Đai có một khu dân cư mới, được quy hoạch hiện đại với những dãy nhà phố đẹp. Giữa khu dân cư ấy, quận 6 đã quy hoạch và đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Phú Định (hay còn gọi là Trường Tiểu học Trần Văn Kiểu) rộng 6.600m2 nằm giữa 3 mặt tiền đường: Vành Đai - Số 52 - Số 54. Phía trước cổng chính là con đường thoáng đãng với vỉa hè rộng và hàng cây xanh luôn tỏa bóng mát, phía sau giáp với Công viên Bia tưởng niệm Hố Bần.
Trường Tiểu học Phú Định cũ đã bỏ hoang suốt 10 năm qua
Ngôi trường khang trang được xây dựng vào tháng 8-2003, gồm 3 dãy nhà 2 tầng với 19 phòng học và nhiều phòng chức năng, kinh phí xây dựng khoảng 19 tỷ đồng, đưa vào sử dụng đầu năm 2004, đáp ứng nhu cầu về chỗ học cho học sinh trong khu vực. Thế nhưng chỉ sau 4 năm, đến cuối năm 2008, dãy C của trường bắt đầu xuống cấp, phần nền móng bị sụp, nứt ngày càng trầm trọng.
Dù đã nhiều lần phải sửa chữa nhưng các hạng mục khác của công trình đồng loạt xuống cấp nhanh chóng. Nhận thấy trường học quá mất an toàn, không thể tiếp tục học tập được, nhà trường đã di dời học sinh sang học tạm tại Trường THCS Nguyễn Văn Luông cách đó 2km để tổng sửa chữa.
Từ phía ngoài nhìn vào, phía sau cánh cổng sắt hoen gỉ là cả một công trình rộng lớn nhưng rêu phong và cũ nát. Sân trường cỏ mọc um tùm, toàn bộ nền xung quanh các dãy nhà bị sụp lún, tạo thành những hàm ếch kéo dài và ăn sâu vào trong nền móng, các bậc tam cấp bị xé gãy thành từng khối. Tường nứt nẻ, nghiêng, từng mảng bê tông rơi lả tả xuống nền, cửa hoen gỉ, kính vỡ nát, trần thấm dột khiến mùa mưa là trong phòng cũng ngập nước. Dù các thiết bị phục vụ dạy và học đều được sắm mới hoàn toàn khi ngôi trường này đi vào hoạt động, nhưng nay đã trở thành đống đổ nát.
Quan sát phía trong các phòng học, bàn ghế được dồn lại một góc, nhiều thiết bị vệ sinh được tập kết về một chỗ, hàng chục máy tính - vốn là mơ ước của nhiều trường vào thời điểm đó - cũng bị bỏ lại. Rồi suốt 10 năm qua, ngôi trường này đóng cửa im lìm, các dãy nhà có nguy cơ bị sụp đổ bất cứ lúc nào.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Chị Phạm Tú Duyên (ngụ đường Số 54) tỏ ra áy náy, búc xúc khi ngôi trường trước cửa nhà bị bỏ hoang, trong khi đó học sinh nơi đây phải đi học ở nơi khác, xa hơn.
“Nếu nhìn tổng thể chung thì khu này vừa yên tĩnh, vừa sạch đẹp, tôi về đây ở cũng vì điều kiện sống đầy đủ, gần trường học và bệnh viện. Thế nhưng thật lãng phí, từ một ngôi trường khang trang mới xây dựng, nay thành những dãy nhà hoang, là nơi tá túc của những thành phần bất hảo và chuột bọ trú ngụ. Không những tụi nhỏ phải đi học xa hơn, mà khu dân cư cũng bị mất an toàn, mất mỹ quan”, chị Duyên bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Huấn (ngụ đường Vành Đai) nhẩm tính: “Đất ở đây giá hơn 30 triệu đồng/m2, cứ đem số tiền ấy nhân với 6.600m2 thì thấy sự lãng phí nhiều đến mức nào. Đó là chưa kể kinh phí đầu tư 19 tỷ đồng. Xây dựng công trình trường học kém chất lượng, lãng phí đất công là lãng phí của cải nhân dân, sao không có đơn vị nào phải bị xử lý và bồi thường?”.
Được biết, năm 2010, UBND quận 6 đã tạm ứng ngân sách TP để thuê đơn vị thi công sửa chữa, tư vấn kiểm định và quan trắc toàn bộ công trình để tìm nguyên nhân xuống cấp và có hướng giải quyết. Qua đó, đã kết luận các khâu thiết kế, thi công, tư vấn giám sát và quản lý đều có sai sót. Tại Công văn 324 ngày 27-1-2014 gửi Sở Xây dựng và UBND TPHCM, UBND quận 6 đã xác định trách nhiệm của từng đơn vị (thiết kế, thi công, tư vấn giám sát và quản lý nghiệm thu công trình).
Thế nhưng, sau khi đã “chỉ mặt, đọc tên” các đơn vị có trách nhiệm liên quan thì sự việc vẫn không được xử lý, khắc phục. UBND quận 6 chỉ trình đề xuất ứng ngân sách để duy tu, bảo trì và nâng cấp công trình, với hứa hẹn năm học 2015-2016 sẽ đưa vào sử dụng. Thế nhưng đến nay, sau đúng 10 năm bị bỏ hoang, trường này vẫn là một đống đổ nát.