Một người Pháp mê nhà văn Sơn Nam

Tôi quen Tiến sĩ sử học Pascal Bourdeaux (ảnh), đại diện Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp tại TPHCM, khi anh là diễn giả của hội thảo “Sơn Nam hay tính đối ngẫu của một tác phẩm”. Ở đó, anh đã chinh phục đông đảo công chúng qua những kiến giải phong phú, thú vị của mình đối với các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam. Vừa qua, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng anh.* Phóng viên:
Một người Pháp mê nhà văn Sơn Nam

Tôi quen Tiến sĩ sử học Pascal Bourdeaux (ảnh), đại diện Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp tại TPHCM, khi anh là diễn giả của hội thảo “Sơn Nam hay tính đối ngẫu của một tác phẩm”. Ở đó, anh đã chinh phục đông đảo công chúng qua những kiến giải phong phú, thú vị của mình đối với các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam. Vừa qua, chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng anh.

* Phóng viên:
Anh học tiếng Việt từ bao giờ mà nói lưu loát như vậy?

Một người Pháp mê nhà văn Sơn Nam ảnh 1

* Tiến sĩ sử học PASCAL BOURDEAUX: Năm 1999, tôi được Chính phủ Pháp cấp học bổng để sang Việt Nam vừa học vừa nghiên cứu. Vậy là tôi học tiếng Việt trong 3 tháng ở Trường Đại học KHXH-NV TPHCM. Năm 2001, tôi học tiếp một năm ở Đại học KHXH-NV Hà Nội. Cái khó của tiếng Việt không phải ở ngữ pháp, văn phạm, mà ở chính các ngữ cảm và ngữ cảnh, nếu biết không đủ thì không thể nào hiểu, và càng không thể thảo luận, viết bài. Vì thế, tôi chọn cách tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ đời thường để trau dồi khả năng dùng tiếng Việt.

* Anh gặp nhà văn Sơn Nam trong hoàn cảnh nào?

* Lần đầu tiên là vào năm 1999, qua tác phẩm. Đề tài luận án tiến sĩ sử học của tôi là “Sự ra đời và phát triển của cộng đồng Phật giáo Hòa Hảo đóng góp cho lịch sử xã hội ở ĐBSCL của Việt Nam”. Nếu muốn hiểu miền Tây Nam bộ thì phải đọc sách của nhà văn Sơn Nam. Sở dĩ tôi biết điều ấy là vì sau khi nhà văn Sơn Nam làm cố vấn cho đạo diễn Jean-Jacque Annaud trong quá trình làm phim L’Amant (Người tình). Sau khi bộ phim tình cảm lãng mạn dài 115 phút này được trình chiếu làm ngây ngất công chúng và thành công vang dội, nhà văn Sơn Nam đã rất nổi tiếng ở Pháp. Đã có nhiều bộ phim tài liệu giới thiệu về ông và quá trình làm phim, tôi xem và rất ấn tượng. Thế nên khi biết tiếng Việt là tôi tìm đọc các sách Tìm hiểu đất Hậu Giang, Lịch sử đất An Giang…, tức là một số cuốn biên khảo của nhà văn Sơn Nam về miền Tây vừa để nghiên cứu văn hóa phục vụ cho luận án, vừa để thỏa ước muốn tìm hiểu con người và tác phẩm của ông. Tôi bắt đầu nghiên cứu về ông từ đó.

Tác phẩm của nhà văn Sơn Nam chính là lối vào để tôi tìm hiểu văn hóa miền Tây mà ông gọi là văn minh sông nước. Từ năm 2004 đến năm 2005, tôi gặp nhà văn Sơn Nam nhiều lần tại Thư viện quận Gò Vấp, TPHCM. Chúng tôi uống cà phê và trò chuyện trên trời dưới đất khi bằng tiếng Việt lúc bằng tiếng Pháp. Tiếng Pháp của nhà văn Sơn Nam tuy cổ nhưng ông dùng rất tốt.

* Điều gì khiến anh đưa ra nhận xét: “Sơn Nam là một nhân vật tiêu biểu của văn hóa miền Nam Việt Nam, của văn hóa Việt Nam”?

* Tôi thấy ông là một pho từ điển về ĐBSCL. Dường như ông đọc hết các loại sách về vùng đất này và thẩm thấu chúng rồi biến những thứ đọc được thành của mình và cùng với trải nghiệm của bản thân, ông viết truyện ngắn, biên khảo. Tôi hỏi tại sao ông không viết bằng tiếng Pháp? Nhà văn Sơn Nam trả lời, vì đó không phải là tiếng mẹ đẻ của ông. Nhà văn Sơn Nam cho biết, ông học được rất nhiều trong sách tiếng Pháp và sử dụng có phê phán trong tác phẩm của mình. Chính đây là khía cạnh tôi quan tâm.

Phương pháp của nhà văn Sơn Nam chủ yếu dựa vào trải nghiệm để viết sách theo hai phong cách là văn chương và biên khảo. Hai thứ đó bổ sung cho nhau. Ông sử dụng nhiều yếu tố văn hóa, phong tục, dân tộc học… để tập trung vào cảnh quan và con người ở vùng ĐBSCL.

Nhà văn Sơn Nam nghiên cứu dân tộc học kiểu cảm tính vì ông không được học bài bản. Nhưng chính điều này lại hấp dẫn vì ông tái hiện được cuộc sống của con người bằng cảm nhận cuốn hút. Đó là những tư liệu rất quý. Trong mỗi tác phẩm, nhà văn Sơn Nam đều cố gắng lồng nhiều tư liệu lịch sử về nông dân ở ĐBSCL. Ông tái hiện nhiều vốn sống của người dân địa phương trong việc ứng phó, thích ứng và cải tạo thiên nhiên. Nhà văn Sơn Nam có nhận thức rất cao về lịch sử, khoa học.

* Anh nói rằng nhà văn Sơn Nam chỉ có một cách viết?

* Đúng vậy! Truyện ngắn, biên khảo của nhà văn Sơn Nam đều viết dung dị và hấp dẫn như nhau. Ông chỉ có một cách viết, nhưng có sự cân bằng. Ví dụ trong sáng tác, phần văn nhiều hơn phần dân tộc học và ngược lại.

* Mê nhà văn Sơn Nam như vậy, anh có mê luôn cả những nơi ông đã từng sống và viết?

* Tôi đi đi lại lại miền Tây nhiều lần. Ngày nhà văn Sơn Nam còn sống, tôi đã mong muốn cùng ông và một nhà làm phim đi một chuyến bằng ghe từ TPHCM dọc ngang sông nước miền Tây. Chúng tôi sẽ trở lại những nơi mà nhà văn Sơn Nam đã sống và viết để nghe ông kể chuyện đời mình, nghe ông giải thích những chuyện mình đã nghe, đã gặp, đã chắt lọc thế nào để đưa vào tác phẩm. Đó chắc chắn là một bộ phim rất hay. Nhưng ý tưởng đó không thành hiện thực!

Tiếc là các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam hiện giờ chưa được dịch sang tiếng Pháp, tiếng Anh và nhiều thứ tiếng khác. Trước mắt, tôi sẽ xúc tiến dịch tiếp những tác phẩm tiêu biểu của ông sang tiếng Pháp. Chúng tôi đã từng dịch một số truyện ngắn trong tập truyện Hương rừng Cà Mau sang tiếng Pháp và hiện các tác phẩm này đang được giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Paris 7.

* Bà ngoại anh là người Việt Nam, vậy quê ngoại anh ở tỉnh nào, anh đã lần nào về đó chưa?

* Bà ngoại tôi quê ở tỉnh Nam Định, bà sang Pháp năm 1955. Trong tương lai, ngoài nghiên cứu về làng xã ở miền Tây Nam bộ, nghiên cứu về tín ngưỡng dân gian, về tôn giáo, tôi cũng sẽ nghiên cứu về gia phả dòng họ ngoại của mình. Không quan tâm đến bảo tồn thì không thể sưu tầm tài liệu văn hóa vật thể và phi vật thể. Không nhớ quá khứ thì không có tương lai. Trung tâm lưu trữ quốc gia II có quá nhiều tài liệu về miền Nam nhưng lại ít người tìm hiểu. Viện Viễn Đông bác cổ của Pháp đã xuất bản rất nhiều sách hay về Việt Nam nhưng rất tiếc là có quá ít đơn vị xuất bản ở Việt Nam quan tâm để dịch và in.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục