Mặc dù hình tượng Mr. Bean do diễn viên Rowan Atkinson thủ vai đã nổi tiếng khắp thế giới nhưng đối với người dân nước Mỹ, kinh đô điện ảnh thế giới, độ “ép phê” vẫn chưa đủ.
Nếu ai đó còn nghi ngờ về tiếng tăm của “gã đàn ông có tâm hồn trẻ thơ” thì hẳn sẽ đổi ý khi nghe câu chuyện của các nhân viên cứu trợ trở về từ châu Phi. “Chúng tôi đến một ngôi làng nhỏ ở châu Phi. Các túp lều đều vắng vẻ, ngoại trừ một lều tập trung toàn bộ dân làng. Họ đang dán mắt vào màn hình TV trắng đen chạy bằng ắc quy để xem băng video của Mr.Bean”.
Mr.Bean là phim để đời của Atkinson được phát sóng trên kênh truyền hình Anh quốc ITV từ năm 1990 đến năm 1995. Giống như vua hài Charlie Chaplin hay danh hài Pháp Jacques Tati, anh chàng Bean dù ít nói nhưng lại khiến mọi người cười nghiêng ngả ở những nơi anh đặt chân đến.
Sau 14 tập phim ngắn đạt được nhiều giải thưởng, Atkinson đưa hình tượng Bean lên màn ảnh rộng với bộ phim Bean (1997) và Mr. Bean’s Holiday (2007). Cả hai đều trở thành phim bom tấn trên thế giới. Và nhân vật điệp viên ngớ ngẩn Johnny English (2003) dựa trên tính cách của Bean cũng mang lại tiếng cười cho hàng triệu người. Phần tiếp theo, Johnny English Reborn (mới ra mắt trong năm nay), cũng cán mốc 85 triệu USD trên toàn cầu sau 3 tuần công chiếu.
Dù vậy, Atkinson vẫn cảm thấy khó khăn khi thâm nhập vào thị trường phim hài ở Mỹ, nơi phim Johnny English chỉ thu về 28 triệu USD. Khán giả Mỹ có lẽ biết đến ông nhiều hơn qua tiếng nói của con chim mỏ sừng Zazu trong phim hoạt hình The Lion King.
Nói về những khó khăn chinh phục nước Mỹ của mình, Atkinson nhận định: “Đó là một thị trường đặc biệt và độc đáo. Trừ khi bạn đạt được số lượng sản xuất khổng lồ, nếu không, rất khó để làm một nhân vật trở nên nổi tiếng”.
Ông cho rằng, loạt phim Mr. Bean giống như “dân tộc thiểu số” ở nước Mỹ vì nền giải trí của Mỹ quá chú trọng vào doanh thu, xếp hạng nên các tập phim ngắn và số lượng ít như Mr. Bean khó thành công ở đây. Điển hình là trước khi công diễn, anh chàng điệp viên ngớ ngẩn được đặt tên là Richard Latham, nhưng nhà sản xuất đánh giá là “thiếu an toàn về mặt doanh thu”, nên Atkinson phải sửa thành Johnny English. Ngoài ra, khó khăn lớn hơn là sự cách biệt văn hóa.
Trong khi anh chàng Bean hài hước theo kiểu “diễn mà không diễn” của người Anh thì người Mỹ lại quen cười theo cách trực diện, dù 2 quốc gia đều nói chung một thứ tiếng.
Thanh Hải