Mùa hè nóng bức - Cảnh giác với bệnh dại

Mới vào đầu hè nhưng nhiều địa phương đã liên tiếp ghi nhận các trường hợp tử vong vì bệnh dại. Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, mặc dù bệnh dại ở nước ta xảy ra ở tất cả các tháng trong năm, nhưng thường tăng cao trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 do thời tiết nóng bức và tạo điều kiện thuận lợi cho virus dại phát triển.
Mùa hè nóng bức - Cảnh giác với bệnh dại

Mới vào đầu hè nhưng nhiều địa phương đã liên tiếp ghi nhận các trường hợp tử vong vì bệnh dại. Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, mặc dù bệnh dại ở nước ta xảy ra ở tất cả các tháng trong năm, nhưng thường tăng cao trong khoảng từ tháng 5 đến tháng 8 do thời tiết nóng bức và tạo điều kiện thuận lợi cho virus dại phát triển.

Nhiều ca tử vong liên tiếp

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lo ngại, so với nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đang lưu hành ở nước ta thì bệnh dại có số người tử vong cao nhất, khoảng 100 trường hợp mỗi năm. Đáng lưu ý, tại nhiều tỉnh thành miền Bắc, bệnh dại đang diễn ra phức tạp, gia tăng số người mắc và chiếm tới hơn 85% tổng số ca tử vong của cả nước. Còn theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tại 2 huyện Chương Mỹ và Sóc Sơn có 2 trường hợp tử vong do bệnh dại và tại những huyện ngoại thành, tình trạng nuôi, thả rông chó, mèo diễn ra tràn lan nhưng việc tiêm vaccine ngừa bệnh dại cho đàn chó, mèo ở đây rất thấp, chỉ khoảng 20%. Cùng với Hà Nội, một số địa phương khác như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang cũng ghi nhận nhiều trường hợp bị phơi nhiễm với bệnh dại phải điều trị dự phòng. Trong số này đáng lo ngại như tại Phú Thọ có trên 1.700 người bị chó cắn có nguy cơ phơi nhiễm bệnh dại, còn ở Thanh Hóa cũng đã có 2 người tử vong vì bệnh dại, gần 600 người bị chó cắn phải đi tiêm phòng và có tới 35 “chú cẩu” mắc bệnh buộc phải tiêu hủy.

Tiêm vaccine cho chó để ngăn ngừa bệnh dại.

Tiêm vaccine cho chó để ngăn ngừa bệnh dại.

Không thể chủ quan

Theo các chuyên gia y tế, bệnh dại xuất hiện là do virus dại được tiết ra từ tuyến nước bọt của chó lây sang người qua tiếp xúc. Lúc này, virus dại đi qua da, niêm mạc rồi vào máu, đến các tổ chức của cơ thể, đặc biệt là tổ chức thần kinh ngoại biên, sau đó đi đến não là hệ thần kinh trung ương. Tại đây, virus dại theo dây thần kinh đi đến tuyến nước bọt, tản ra khắp hệ thống thần kinh và gây tổn thương tổ chức não, gây viêm não cấp, thể hiện bằng các triệu chứng lâm sàng là rối loạn tâm thần hoặc bị liệt, tử vong.

Đáng lưu ý, qua giám sát của Cục Y tế dự phòng cho thấy có hơn 90% số người chết do bị chó nghi dại cắn và đều là những con chó không được tiêm phòng. Hơn nữa, không ít người khi bị chó cắn đã chủ quan không đi chích ngừa, đến khi bệnh dại phát cơn mới tới bệnh viện thì đã quá muộn. Dưới góc độ điều trị, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết, gần như tất cả các trường hợp bị bệnh dại đến bệnh viện đều trong tình trạng rất nặng, lên cơn và thường tử vong ngay sau đó. Thông thường, một người bị chó dại cắn thời gian ủ bệnh sớm nhất là vài ngày, có người kéo dài vài tháng hoặc đến cả năm vì phụ thuộc vào vị trí cắn, vết cắn càng gần dây thần kinh trung ương thì phát bệnh càng nhanh. Vì thế, những người bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, cổ phải tiêm huyết thanh kháng dại càng sớm càng tốt, trong vòng 12 giờ sau khi bị cắn.

Theo PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, bệnh dại ở nước ta xảy ra tất cả các tháng trong năm nhưng thường tăng cao hơn vào mùa hè nắng nóng, trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 8. Thời tiết nóng ẩm là điều kiện môi trường thuận lợi cho virus dại phát triển. Những con chó bị bệnh dại trong thời tiết nắng nóng cũng dễ bị kích thích hung dữ hơn nên gia tăng khả năng tấn công người và các con chó khác. Bên cạnh đó, cùng với thói quen thả rông chó của người dân nên việc lan truyền bệnh dễ dàng hơn và dễ làm bùng phát bệnh dại trên người cũng như trên chó, mèo trong mùa hè.

PGS-TS Trần Như Dương cũng khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn mà không rõ con vật đó có bị bệnh dại hay không thì phải xử lý ngay vết thương bằng cách xối rửa kỹ tất cả các vết cắn/cào trong 15 phút với nước sạch và xà phòng, hoặc nếu không có sẵn xà phòng thì rửa tay kỹ bằng nước sạch, sau đó sát khuẩn bằng cồn 45 - 70 độ hoặc cồn iốt. Có thể sử dụng các chất khử trùng thông thường như rượu, cồn, xà phòng các loại, dầu gội, dầu tắm để rửa vết thương ngay sau khi bị cắn. Không làm dập nát thêm vết thương hoặc làm tổn thương rộng hơn, tránh khâu kín ngay vết thương. Sau đó, nhất thiết phải đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn tiêm vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.

TRUNG KIÊN

Tin cùng chuyên mục