Mua nhiều đồ để làm gì?

Nhiều bà nội trợ hiện đại có một thói quen “lạ”, là mạnh đâu sắm đó, thích là sắm, là chở đồ về nhà. Nhiều khi món đồ đến vài năm sau cũng không biết cất vào đâu. Ở một số gia đình, thói quen này gây không ít xích mích từ nho nhỏ đến “bùng to”. 

1. Anh Trần Sơn (nhà ở quận Phú Nhuận, TPHCM) cực chẳng đã phải chụp hình cái máy ép trái cây lỗi thời mà vợ anh “tha” về đâu từ hơn 10 năm trước, rồi gửi vô nhóm chat bè bạn. Anh thiệt lòng: Cái máy mua hơn 10 năm thì phải. Bả lôi từ trong kho ra, rớt mất tiêu cái tờ giấy sử dụng. Thế là vợ chồng mất gần nửa tiếng để lắp ráp. Tranh luận, hục hặc một lát thì máy cũng chạy. Phải tội kêu to như xe lửa. Mấy ông có đồ “cũ mình mới mình” thì đem ra xài đi nha. Thiệt tình…

Mua nhiều đồ để làm gì? ảnh 1 Cái máy ép trái cây cổ lỗ sĩ nhà anh Trần Sơn trở thành câu chuyện vui của nhóm bạn
Từ hồi vợ chồng lấy nhau, anh Sơn và vợ (chị Ngọc Bách) chuyển nhà một lần. Đó là lần về căn nhà mới sáng sủa và rộng rãi hơn để 2 con gái của anh chị có chỗ bay nhảy. Từ khi chuyển nhà, suy nghĩ về nhà mới xài đồ mới cứ thế đeo đuổi chị Bách. Vậy là những đồ từ nhà cũ, nhất là máy móc, đồ dùng nhà bếp được bán thanh lý ve chai. Đợt chuyển nhà cũng là đợt giảm giá nhân dịp lễ 30-4, chị Bách tích cực mua sắm, thậm chí có loại mua hẳn 2 cái vì có khuyến mãi. Đồ đem về, ngổn ngang nhà cửa, thế là được cất vào kho tạm, kho chính, xong rồi lớp thì quên đem ra xài, lớp thì lo vun vén nhà cửa đã đủ mệt nên mua sẵn đồ về ăn uống, khỏi lôi máy móc ra chi. Cứ thế, nhiều đồ dùng rơi vào quên lãng…

“Đến khi tôi lại tiếp tục nung nấu ý định mua sắm đồ thì mới nhớ ra mình đã từng mua rồi, cất đâu nhỉ? Hai vợ chồng lúi húi kiếm. Máy móc bám bụi, rớt càng tùm lum, có cái đem ra xài không được, cái thì không biết xài, còn lại thì lỡ mốt, kêu xình xịch… Đó là một bài học mà nhiều bà nội trợ như tôi hay mắc phải khi mua sắm đồ”, chị Ngọc Bách đúc kết.

2. Đúng như chị Ngọc Bách và chồng chia sẻ, không ít gia đình Việt hiện nay “nghiện” mua đồ. Nhà lớn còn đỡ, nhà nhỏ xíu hay chung cư cũng thích thì sắm vô tội vạ đem về, vừa tốn tiền vừa lãng phí.

Câu chuyện của một gia đình trẻ được kể trên diễn đàn “Mẹ bỉm sữa” sau đây là một ví dụ. Chị Hằng, một thành viên, kể lại: Vợ chồng và 2 con trai sinh đôi nhét vô căn chung cư có 54m2 ở TP Thủ Đức. Căn hộ chỉ có một phòng ngủ nên vợ chồng phải ngăn thêm một chỗ nhỏ để 2 con kê giường tầng và góc học tập. Cái nhà chút éc vậy mà đồ đạc xếp đầy đường đi, trong phòng ngủ và cả phòng tắm. Nhất là phòng của 2 con, đồ chơi từ sàn nhà lên giường, thậm chí được treo trên tường. Hai vợ chồng cứ khoái săn đồ khuyến mãi trên mạng. Thấy cái gì hay hay mà rẻ là tha về đầy nhà. Riết đến thằng con mới 8 tuổi còn phải phàn nàn vì ra vô nhà đạp đồ linh tinh. Một ngày anh chồng dẫn bạn về nhà ăn tất niên. Cả bọn 7-8 người ngồi thu lu ở cái bàn ăn, không ai dám đi lại quá nhiều, vì sợ “đụng phải đồ”. Đến đó thì quê thực sự. Tôi gọi cậu em họ ở ngoại thành lên, cho bớt đồ đi; rồi kêu thêm hàng xóm cho bớt đồ chơi của con. Cậu con nhỏ khóc ỉ ôi cả buổi nhưng đành vậy. Còn không gian để sống nữa chứ?

3. Thực ra, cảnh mua sắm đồ vô tội vạ thường chỉ có ở mấy gia đình ra riêng, chứ ở chung với nhà chồng hay nhà vợ thì chuyện này khó xảy ra. Bà dâu nào dám mua cho lắm đồ về nhà bày biện, nếu ở đó có mẹ chồng “cao cao tại thượng”. Gặp mẹ chồng khó tính thì nghe cằn nhằn ngay; còn mẹ chồng dễ tính mấy thì lúc đó không nói gì nhưng hôm sau đụng chuyện là lôi ra ngay.

Chị Thu Hằng, đồng nghiệp dạy cùng trường với tôi, là một ví dụ kiểu “sống chung với mẹ chồng”. Chị kể, mình ngại mua sắm, không phải vì không thích mua sắm, mà là ngại. Mỗi lần muốn mua một thứ đồ mới có giá trị, chị phải rào trước đón sau cả tháng trời. Hỏi chồng, chồng mách nước - em hỏi mẹ xem sao. Thế là quay qua thuyết phục mẹ đủ điều. Mẹ chồng là giáo viên, sống rất căn cơ. Mua sắm gì đều có kế hoạch: Để làm gì? Có ích lợi không? Có hoang phí không? Mẹ đồng ý, thông qua, mọi chuyện mới ổn. Nhờ vậy chị tập sống căn cơ hơn. Mua sắm biết tính hơn, cái nào thực sự cần thiết, có trước có sau và hạnh phúc gia đình cũng trọn vẹn.

Đúng là mỗi nhà mỗi cảnh khi nói đến chuyện mua sắm. Nhưng có một sự thật là chuyện mua sắm vô tội vạ cũng làm không ít gia đình lục đục cả một thời gian dài…

Tin cùng chuyên mục