Năm nay nắng hạn kéo dài. Nóng bức đã vậy, nhưng buồn khổ hơn là nông dân thiếu nước tưới cà phê. Điện lưới quốc gia đành phải cúp sớm tối. Doanh nghiệp than. Dân nghèo than. Nhưng đành phải hiểu cho ngành điện, bởi “lực bất tòng tâm”, phải điều tiết cho hợp lý.
Thế rồi một chiều tháng năm, sau bao đợi chờ mong mỏi. Mưa về! Đúng thật là mưa về. Giống như người thân đi xa. Mưa phải “về” gội lại mái tôn, mái ngói mẹ già đang mong. Mưa về đạp qua rẫy cà phê, thọc chân xuống ruộng lúa nứt nẻ. Mưa thân quen như đứa con gái lấy chồng xa, nước mắt dành để nhớ nơi chôn nhau cắt rốn...
Mưa xòa xõa. Từng giọt, từng giọt hả hê ruộng đồng cây trái. Năm nay vì lý do gì mà ve ít kêu. Chợt đọc câu thơ của cô gái trẻ:
“Chưa kịp xòe tay bắt một tiếng ve
mùa hè đã đi qua ngoài cửa” (Quế Mai).
Phải, đã tháng năm rồi mưa mới nhảy múa một man điệu mãn nguyện đến vậy. Người nông dân nói mưa là vàng, là bạc. Thay vì phải mua dầu tưới nước máy, người ta nâng chén rượu chúc mừng. Mưa trắng trời, tôi chợt hỏi màu mưa đó sao? Mưa xuyên những vòm lá, mưa tắm mát tuổi thơ. Màu mưa có bao giờ khác đâu, sao tôi thấy có màu của sợi tóc. “Có sợi tóc nào bay...” (Trịnh Công Sơn) qua tiếng hát Hồng Nhung sao mà ngọt lịm một vùng tuổi thơ.
Tuổi thơ của mưa cũng là tuổi thơ của đời người. Sấm chớp có thể làm lóe sáng bầu trời. Nhưng mưa mới là đứa con gái dịu dàng xua tan cái oi bức của đời sống, đưa ta về với ký ức xa xưa. Thuở nhỏ trông thấy mưa, một niềm vui nguyên sơ là được đùa giỡn. Gió bụi bay tứ tung, lá cuốn bay xào xạc. Lũ trẻ chúng tôi chạy vô tư trong khi thân thể trần trùng trục. Đuổi bắt nhau và hát vang trời bài đồng dao:
“Lạy trời mưa xuống
lấy nước tôi uống
lấy ruộng tôi cày
lấy bát cơm đầy
lấy khúc cá to...”.
Đúng vậy! Mưa như trút là cách để nước ngập cánh đồng. Sấm chớp là ông trời hù dọa lũ chúng tôi bắt cá, bắt cua. Cua bò lổm ngổm, cá chạy từng đàn, ốc ngoi lốp ngốp. Từ ao đầm bờ bãi cua cá tôm tép rủ nhau trẩy hội. Lũ chúng tôi tranh nhau bắt đầy giỏ tre, cười đùa la hét, đầu cổ nhem nhuốc bùn đất mà lòng vui một niềm vui vô tận. Bố mẹ có la mắng chỉ là mắng yêu. Mẹ quê đỡ mấy bữa chợ. Trên bàn ăn cha có cút rượu thơm nồng.
Nhưng mưa cũng khiến người lớn buồn và nhớ mênh mang. Nhớ bà tôi sau mưa thường kể chuyện cổ tích Sơn Tinh Thủy Tinh. Mẹ thì nhớ quê ngoại da diết, kim chỉ không khâu hết nỗi nhớ trong lòng mẹ. Còn cha thả khói thuốc nhìn trời mà suy ngẫm lúc nắng khi mưa, đời người như bọt nước. Mới đó mà mưa đã trở thành mừng lo khôn xiết. Mừng là được thấy mưa cho mầm non bén rễ. Lo là mưa lũ xói mòn cuốn trôi bao niềm hạnh phúc. Dù biết cái gì cũng có hai mặt của nó. Nhưng mưa vẫn là niềm hân hoan của muôn loài, chúng ta luôn mong mưa lành đến cho muôn người trên khắp thế gian. Và trong chiều tháng năm này, tôi được nhìn mưa trong suốt, được nghe mưa lộp độp mái nhà. Những đứa trẻ của tôi ngày xưa cứ để mưa giăng trên tóc, mưa ấp cặp vở trên ngực và mưa in những nét cong thiếu nữ... Tôi chợt thương mưa và thèm mưa biết bao. Thương một chút ướt át trên mắt đứa trẻ và thèm mưa lăn trên làn môi cảm xúc...
Nguyễn Thánh Ngã