Mùi soa thương nhớ

Khăn tay hẳn là có từ rất lâu đời trong sinh hoạt hàng ngày của người Việt. Các bậc vua chúa xưa dùng gấm vóc lụa là mà may thành khăn tay. Gọi thế thôi chứ vua chúa nào lại phải mó tay vào chiếc khăn ấy. Chỉ có nô tì, thị nữ, thái giám dùng nó để phục vụ vua. Chẳng hiểu vì sao lại gọi là khăn tay? Nó không hẳn chỉ dùng để lau tay. Cũng không phải vì lý do nó được bàn tay sử dụng. Công cụ nào thì cũng được sử dụng bằng tay. Khăn khố đương nhiên thế. Tiếng Việt gọi khăn tay có lẽ chỉ để phân biệt với khăn mặt, khăn quàng cổ, khăn đội đầu và nhiều loại khăn khác.

Kể từ người Pháp đô hộ xứ Đông Dương, họ cũng mang vào một danh từ mới để chỉ chiếc khăn tay. Gọi là khăn “mùi soa” (mouchoir). Dĩ nhiên khăn tay của Pháp có kích thước và hình dáng theo quy chuẩn hẳn hoi. Đại khái hình vuông khâu vấn mép cho vải khỏi xổ. Có thể in hoa mà cũng có thể màu trơn. Chiếc khăn mùi soa ấy người Việt thịnh hành dùng hơn một thế kỷ. Có rất nhiều cải tiến về chất liệu, hình vẽ nhưng chưa bao giờ vượt ra khỏi cái khuôn khổ hình vuông của người Pháp.

Thời chiến tranh thiếu vải, khăn mùi soa trở thành một mặt hàng xa xỉ. Ai đó đi nước ngoài về mang một xấp khăn mùi soa Tiệp làm quà có thể coi như đại gia bây giờ đi chơi châu Phi mua đồ mỹ nghệ giả làm bằng sừng tê giác thật. Khi về mang mời bạn bè mài uống thử sau chầu rượu tây say quắc cần câu do chính ông ấy đãi. Mùi soa Tiệp làm bằng vải phin mỏng nhuộm màu nâu nhạt in hình kỷ hà xung quanh sắc nét sang trọng. Ngày tết, trung niên đạo mạo mặc com lê thắt ca vát bao giờ cũng lấp ló góc vuông chiếc mùi soa nhô lên trên túi áo vét.

Dĩ nhiên mùi soa ấy lúc nào cũng tẩm đẫm nước hoa Liên Xô mùi hoa cỏ nồng nàn. Thanh niên cũng mùi soa ấy đút túi quần. Và nước hoa cũng không hề kém cạnh. Trẻ con dùng mùi soa nội in hình lòe loẹt bằng vải phin trắng. Cũng chỉ học sinh gái là luôn có sẵn. Con trai đã có kỹ thuật xì mũi được học hỏi từ khi còn ở vườn trẻ. Ở thành phố người ta dùng mùi soa từ lúc còn bé tí.

Nông thôn thường có rất ít mùi soa ngoại quốc. Phần lớn các cô gái tự may lấy mùi soa bằng vải diềm bâu trắng ngà. Sang trọng hơn có thể lấy vải thừa khi may áo sơ mi mà chế tạo. Ở nông thôn khi đi may áo sơ mi người ta thường hỏi thợ may “Liệu có gạn được thêm chiếc mùi soa nữa không?”. Rất ít thợ may trả lời rằng “có”. “Thợ may ăn giẻ” là thế. Nhiều khi tiền công may chiếc áo không bằng tiền bán chiếc mùi soa gạn vải.

Mùi soa nông thôn không có được những hình in sang trọng như mùi soa ngoại. Chẳng lo. Người ta có đến mấy tháng nông nhàn trong năm. Các cô gái sẽ thêu thùa lên đấy đủ hình đủ vẻ. Khi thì đôi chim bồ câu tha giun với dòng chữ “Hạnh Phúc” bên dưới theo kiểu phăng-te-di phải nhờ cán bộ văn hóa thôn nắn nót viết hộ. Có lúc là bụi tre lấp ló ánh trăng ngà. Lại có khi là hình Tháp Rùa với hàng dừa tơ tóc uốn mình bên bờ hồ Hoàn Kiếm có đôi trai gái đang vịn vào nhau tình tự. Mùi soa lúc này làm công việc tỏ tình như một khái niệm mới. Nó là vũ khí rất lợi hại cho chị em buổi đầu bẽn lẽn. Những trai làng nhận được mùi soa ấy thường chỉ dùng vào mỗi một việc là cất đi. Nếu nên duyên thì có thể sau này cô ấy mang ra dùng. Nếu không, nó sẽ nằm ở đáy hòm anh ấy cho đến lúc ố mục vứt đi.

Đã có rất nhiều người lính mang ra chiến trường chiếc mùi soa kỷ niệm ấy. Anh lính có thể mất hết tư trang, thậm chí cả những phần thân thể qua trận đánh ác liệt. Nhưng mùi soa thì luôn còn. Chỉ thỉnh thoảng kín đáo giở ra xem lúc nghỉ chân hành quân. Bạn lính phải thân thiết lắm mới hé cho xem vài phút. Mùi soa kỷ niệm thiêng liêng của lính luôn được gói kỹ trong túi ni lông hoặc vải dù. Mùi nước hoa còn phảng phất cho đến tận ngày giải ngũ.

Mùi soa quý hiếm ngày trước giặt đi giặt lại cả trăm lần. Chỗ nào rách gấp vào bên trong vẫn còn dùng tốt. Giờ xã hội văn minh lên nghĩ lại thấy cũng không đảm bảo vệ sinh cho lắm. Tuy nhiên, trong các phòng mổ bệnh viện ở ta đến bây giờ vẫn phải dùng khăn mổ nhiều lần hấp nồi áp suất tiệt trùng đấy thôi. Nhiều chiếc khăn ố vàng, thủng rách như vải ngụy trang trên trận địa pháo cao xạ ngày xưa.

Giờ người ta dùng khăn giấy cho rất nhiều việc. Chỉ một lần là vứt. Lâu lắm rồi không trông thấy chiếc mùi soa thương nhớ nữa. Và con gái bây giờ cũng không còn tặng bạn trai chiếc khăn mùi soa dù chỉ để ngắm. Chẳng biết vì sao? Chỉ biết không thể tặng ai chiếc khăn giấy dùng một lần dù nó còn đẹp đẽ hơn chiếc mùi soa ngày trước nhiều lần. Quà tặng như thế sẽ có kết quả ngay lập tức là được vứt vào sọt rác.

Thành phố và nông thôn bây giờ lắm rác rưởi cũng có phần đóng góp không nhỏ của khăn giấy.

10-2014

ĐỖ PHẤN

Tin cùng chuyên mục