
Những tháng đầu năm đến với xuất khẩu Việt Nam không mấy sáng sủa. Những mặt hàng xuất khẩu chủ lực đứng trước những rào cản không dễ vượt qua. Ngay trong tháng 1-2005 là áp đặt chống phá giá của Mỹ đối với con tôm và sau đó lởn vởn bóng mây điều tra chống bán phá giá từ EU, Canada đối với xe đạp…

Ảnh: Việt Dũng.
Ngoài ra, hàng dệt may của ta vào EU, tuy được bãi bỏ hạn ngạch, nhưng sức cạnh tranh kém, không đủ sức đối chọi với hàng Trung Quốc. Các mặt hàng trà, tiêu xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ, do thời tiết nắng hạn trong nước kéo dài. Chẳng những thế, mặt hàng cà phê, tuy giá thế giới gia tăng, nhưng do năng lực dự báo giá cả thị trường của ta còn yếu kém, nên khi giá lên cao, đã không còn hàng để xuất, dẫn đến hiệu quả thấp, người trồng cà phê trong nước bị thiệt thòi.
Hậu quả là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ngày một giảm: 4 tháng đầu năm tăng 22%, 5 tháng còn 19,6% và 6 tháng còn 17,4%. Trong 6 tháng đầu năm, nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như dệt, may giảm 10%, thủy sản vào Mỹ giảm 20%. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu bình quân chỉ đạt 2,4 tỷ USD/tháng, trong yêu cầu kế hoạch cả năm 2005 là 2,56 tỷ USD/tháng. Đây là điều đáng quan ngại đối với một nền kinh tế hướng về xuất khẩu như Việt Nam.
Tuy nhiên, từ quý 3 trở đi, tăng trưởng xuất khẩu bắt đầu gia tăng trở lại và đến cuối tháng 11-2005, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy những con số thống kê vượt quá mong đợi. Xuất khẩu trong 11 tháng đạt 29,11 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ 2004, với kim ngạch xuất khẩu bình quân 2,65 tỷ USD/tháng, vượt qua con số kế hoạch và dự kiến đến cuối năm đạt 31,8-32 tỷ USD, gấp hơn 2,2 lần năm 2000.
Đây là kết quả của những nỗ lực không mệt mỏi từ phía nhà nước lẫn doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm thị trường mới. Về mặt hàng gạo, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia đấu thầu tại Philippines với nhiều hợp đồng có giá xuất khẩu cao, bình quân 279 USD/tấn, mở rộng thị trường mới sang Iran, gia tăng xuất khẩu sang châu Phi, Cu Ba…
Nhờ vậy, trong 11 tháng, đã xuất hơn 4,9 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 1,3 tỷ USD, tăng 430 triệu USD so với cùng kỳ, trong đó tăng do giá tăng đến 168 triệu USD. Mặt hàng dệt may, trước khó khăn ở thị trường Mỹ, EU, các doanh nghiệp tìm cách gia tăng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Thủy sản, không thuận lợi ở Mỹ đã chuyển mạnh sang EU (tăng 2 lần), Úc (tăng 32%)... Điều đáng mừng khác là nhờ kim ngạch xuất khẩu tăng, tỷ lệ nhập siêu đã giảm dần, từ 23,6% vào tháng 5 xuống còn 15% vào tháng 10-2005, mức thấp nhất trong vài năm trở lại đây.
Thế nhưng, bên cạnh những con số đáng phấn khởi đó, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải đối diện với nhiều nỗi lo không nhỏ. Hai mặt hàng xuất khẩu lớn, đứng thứ hai và thứ ba, sau dầu thô, là dệt may và giày dép đạt tốc độ tăng trưởng thấp và thị trường 2006 không mấy sáng sủa. Đây lại là hai mặt hàng chiếm gần 24% tổng kim ngạch xuất khẩu và giải quyết cuộc sống cho hàng trăm ngàn lao động.
Than đá là mặt hàng đạt mức xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, tăng đến 44,6% về lượng và tăng 29,5% về giá, chắc chắn không thể đạt tốc độ tăng trưởng trong năm 2006 như năm nay. Đó là chưa kể nhiều mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng cao là nhờ những yếu tố khách quan. Chẳng hạn, dầu thô, dù lượng xuất khẩu giảm, nhưng nhờ giá thế giới tăng 41%, nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 30,3%.
Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc điều hành tốt các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như dầu thô, dệt may, giày dép, gạo, than đá, chúng ta cần tích cực có giải pháp hỗ trợ cho những mặt hàng vừa có kim ngạch khá lớn, vừa có điều kiện thuận lợi về thị trường, có tốc độ phát triển nhanh như gỗ, điện tử, máy vi tính, nhựa, rau quả, dây điện và cáp điện…, đồng thời tận dụng thời cơ thị trường thủy sản sẽ được mở rộng do ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm để gia tăng xuất khẩu mặt hàng này. Những nỗ lực để sớm gia nhập WTO trong năm tới cũng là giải pháp tích cực để xóa những rào cản do các nước đặt ra đối với hàng hóa xuất khẩu của ta. Đây là bài toán đặt ra cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
PHƯỢNG LAM