Ngày 13-5 (giờ địa phương), Lầu Năm Góc đã trình Quốc hội Mỹ Báo cáo thường niên về các hoạt động quân sự của Trung Quốc trong năm 2015, trong đó nhận định Trung Quốc đang sử dụng “các chiến thuật cưỡng bức” khi mở rộng sự hiện diện của mình ở biển Đông và những khu vực khác.
Những hình ảnh minh họa cho sự bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Ảnh: South China Morning Post
Đẩy mạnh hoạt động bồi đắp trái phép
Báo cáo cho biết, Trung Quốc vẫn đang đẩy mạnh hoạt động bồi đắp ở biển Đông trên 7 thực thể mà Bắc Kinh chiếm giữ một cách bất hợp pháp. Theo báo cáo này, Trung Quốc đã hoàn tất các nỗ lực bồi đắp quy mô lớn vào tháng 10-2015 và đang chuyển trọng tâm sang phát triển các cơ sở hạ tầng quân sự chắc chắn, qua đó sử dụng những thực thể mà nước này ngang nhiên bồi đắp bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế làm những “căn cứ dân sự - quân sự” lâu dài, nhằm tăng cường sự hiện diện của Trung Quốc ở biển Đông. Hiện Trung Quốc đã bồi đắp trái phép hơn 3.200 mẫu Anh (khoảng 1.280ha) đất ở khu vực Đông Nam biển Đông. Nhưng trọng tâm của Bắc Kinh đã chuyển sang phát triển và vũ khí hóa các đảo nhân tạo để cho phép Bắc Kinh kiểm soát tốt hơn vùng biển này mà không dẫn đến xung đột vũ trang.
Trong đánh giá chi tiết nhất về chương trình xây đảo của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, 3 trong số những thực thể địa lý xây trái phép ở quần đảo Trường Sa giờ đã có những đường băng dài gần 3km và các cảng lớn đang trong những giai đoạn xây dựng khác nhau. Bắc Kinh cũng đã đào kênh, nạo vét các bến cảng và xây dựng các cơ sở thu thập tình báo, hậu cần cũng như thông tin liên lạc. Báo cáo cho rằng “Trung Quốc sẽ tăng cường các cơ sở hạ tầng bền vững, như việc xây dựng các hệ thống thông tin liên lạc và do thám, trên những thực thể chiếm đóng trái phép trong thời gian tới”. Cũng theo báo cáo, Trung Quốc đã triển khai máy bay và tàu tuần tra đi vào vùng lãnh hải của Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku (Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư) trên biển Hoa Đông. Báo cáo nhận định “Trung Quốc đang sử dụng các chiến thuật cưỡng bức nhằm thúc đẩy những lợi ích của họ theo cách tránh gây ra xung đột”.
Phủ nhận PCA
Hãng tin THX ngày 13-5 dẫn lời ông Từ Hồng, Tổng Giám đốc Cơ quan Hiệp ước và Luật pháp thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tuyên bố tòa trọng tài quốc tế (PCA) không có quyền tài phán trong tranh chấp biển Đông, và vì vậy, phán quyết của tòa về vụ Philippines kiện Bắc Kinh là “vô giá trị” dựa trên luật quốc tế. Theo quan chức này, tòa trọng tài diễn giải sai Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đáp ứng các tuyên bố của Philippines, và vi phạm tiêu chí căn bản là mọi phán quyết phải dựa trên dữ kiện và luật lệ. Vì vậy, lập trường của tòa trong vụ Philippines kiện bản đồ “lưỡi bò” của Trung Quốc ở biển Đông sẽ không bao giờ khách quan, công bằng, và quyết định của tòa về việc tài phán không có tính thuyết phục. Với việc những điều kiện tiên quyết nói trên chưa được đáp ứng, Bắc Kinh sẽ không bao giờ chấp nhận hoặc công nhận phán quyết của tòa.
Theo dự kiến, PCA sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines trong tháng này hoặc tháng sau.
Liên quan tới các hoạt động trái phép của Trung Quốc tại biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã nhiều lần khẳng định: “Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi. Bất chấp sự phản đối và quan ngại của Việt Nam cũng như của cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục có các hành động không chỉ xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, thúc đẩy quân sự hóa ở biển Đông mà còn đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực và an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông”. Người phát ngôn Lê Hải Bình cũng khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết phản đối những hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Trung Quốc có những lời nói, hành động trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC)”. |
HẠNH CHI (tổng hợp)