
Chuẩn bị hàng năm, triển lãm trong vòng nửa tháng, nhưng khán giả đến với Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc vừa diễn ra ở Hà Nội vô cùng hạn chế, chủ yếu là những người trong nghề và sinh viên một số trường đại học chuyên ngành.
Họa sĩ trẻ hết hào hứng với cái mới
Mặc dù ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, vẫn lạc quan cho rằng “mỹ thuật không thể so sánh lượng khán giả với các chương trình biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng”, nhưng với những người yêu mỹ thuật thì không khí trầm, vắng ấy cũng chính là bức tranh phản ánh tình hình chung của mỹ thuật trẻ trong giai đoạn đương thời.

Tác phẩm sắt hàn “Dự án mới” của tác giả Trần Văn An (giải nhất).
Trong khi khán giả vẫn háo hức với cái mới thì những người sáng tác lại thờ ơ. Sự thiếu vắng các loại hình nghệ thuật mới tại festival lần này phần nào đã không còn hấp dẫn được người xem, khiến cuộc chơi của những người làm mỹ thuật trẻ không có được không khí sôi động như những lần tụ hội trước.
Nếu như ở hai lần tổ chức trước của Festival Mỹ thuật trẻ, khi các nghệ sĩ nhiệt tình thể hiện, khám phá và thể hiện cái mới trong các loại hình nghệ thuật như trình diễn, sắp đặt, video art, body art, body painting... và nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả trẻ, trong đó có cả những tác phẩm được trao giải thưởng thì năm nay, tuyệt nhiên không có tác phẩm trình diễn nào. Rồi cũng ở lễ khai mạc cách đây 3 năm, sau khai mạc là đến hai tác phẩm trình diễn của Lê Nguyên Mạnh và Nguyễn Văn Hè. Những xô nước màu được đổ từ trên đầu các họa sĩ trẻ, chảy tràn xuống sân. Chưa hiểu ý nghĩa, song chí ít, màn biểu diễn đã tạo được không khí vui vẻ, thu hút đông đảo khán giả tò mò thưởng thức. Hơn nữa, sự tương tác là rất lớn khi chính khán giả cũng được thử nghiệm với việc này. Nhưng năm nay, sự thiếu vắng của các loại hình nghệ thuật mới rõ ràng đã làm không khí của một festival trẻ trở nên “già và tẻ” như nhận xét của một họa sĩ tên tuổi khi đến xem triển lãm.
Lý giải điều này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Trưởng ban tổ chức festival, cho biết: “Chúng tôi cũng muốn có một vài tác phẩm trình diễn để mở đầu triển lãm như các lần trước nhưng không hiểu sao năm nay không có nghệ sĩ nào đăng ký tham dự. Có lẽ, các nghệ sĩ Việt Nam đã bước qua giai đoạn hào hứng tiếp nhận những cái mới từ nghệ thuật đương đại bên ngoài vào. Thời kỳ này, anh em lại quay trở về với việc khai thác theo chiều sâu, phù hợp với hình thức và ngôn ngữ nghệ thuật hiện đại hơn”.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông cho rằng, lý do nhiều họa sĩ trình diễn không tham dự festival là do kinh phí giải thưởng không đủ để họ trang trải thực hiện tác phẩm. Ban tổ chức nên nâng giá trị giải thưởng để thu hút nhân tài bằng việc xã hội hóa, kêu gọi các tổ chức, cá nhân cùng tham gia tài trợ cho cuộc thi. Nên có một giải thưởng dành riêng cho từng loại hình của nghệ thuật đương đại như sắp đặt, trình diễn. Giải nhất trị giá 20 triệu đồng không đủ để những người làm nghệ thuật thử nghiệm sáng tạo. Sau triển lãm, tác phẩm điêu khắc, hội họa, đồ họa (dù có giải hay không) đều có thể bán. Trong khi video art thì chỉ… xếp kho.
Hội họa trẻ bế tắc?
Mặc dù hội họa chiếm số lượng nhiều nhất (61 tranh) được chọn để trưng bày, rất ít tác phẩm lọt vào danh sách giải thưởng của festival. Không có tác phẩm hội họa nào đứng trong 3 tác phẩm đoạt giải cao nhất. Chỉ có 1 tác phẩm hội họa đoạt giải ba (trong số 3 giải ba), và 2 tác phẩm đoạt giải khuyến khích (trong số 10 giải khuyến khích). Số lượng nhiều nhưng chất lượng chưa cao phần nào cho thấy, hội họa trẻ đang chững lại.

Đức Phật - video art, tác phẩm mang màu sắc hiện đại hiếm hoi tại festival của tác giả Võ Việt Dũng (Khánh Hòa).
Lý giải về việc các tác phẩm hội họa tuy nhiều nhưng không có gì nổi bật, ông Vi Kiến Thành cho hay: “Xu hướng hiện nay của công chúng thường chuộng những tác phẩm đem lại những ấn tượng mạnh mẽ, lập tức lên thị giác người xem. Trong những năm gần đây, đồ họa và điêu khắc đang giành được sự thắng thế trong việc tương tác với công chúng. Không chỉ là điêu khắc và đồ họa đơn thuần, sự kết hợp với nghệ thuật sắp đặt cũng tạo nên một sự hấp dẫn mới. Festival năm nay, trong 3 tác phẩm đoạt giải đầu thì có đến 2 tác phẩm điêu khắc sử dụng chất liệu là sắt hàn đã một phần nói lên điều đó”.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Lê Văn Sửu, Hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam, thành viên Hội đồng Nghệ thuật về chất lượng các tác phẩm hội họa tại festival: “Phần lớn tác phẩm hội họa chỉ dừng lại ở sự chắc chắn về kết cấu hình thể hay kỹ thuật chất liệu, đôi khi nhàm chán bởi chưa thoát được tính chất trường quy của một bài học”.
Ông Lê Văn Sửu cũng chỉ ra điểm yếu của hội họa là quá khuôn mẫu: “Điêu khắc, đồ họa, sắp đặt là 3 loại hình có nhiều sáng tạo và tạo xúc cảm thẩm mỹ, ấn tượng mạnh với người xem... Các nghệ sĩ sáng tác hội họa để có được sự hấp dẫn, cần vượt qua khuôn mẫu đã có, hướng đến miền đất mới, với sáng tạo và sự khác biệt”.
Từ đánh giá về chất lượng của những tác phẩm hội họa tại liên hoan mỹ thuật trẻ này cho thấy, sự hoang mang, bế tắc trong sáng tạo của những người cầm cọ trẻ là khá rõ. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Ủy viên thường vụ BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã từng bày tỏ lo ngại về điều này ở các họa sĩ trẻ. Ông cho rằng: “Những cây cọ trẻ hôm nay dường như họ làm gì, vẽ gì cũng dễ dàng đụng phải người đi trước. Nhưng tâm hồn nghệ sĩ thì chẳng có của ai giống của ai cả, chỉ có điều nghệ sĩ trẻ có muốn lắng nghe lại tâm hồn họ dành cho nghệ thuật như thế nào hay không mà thôi. Vì thế cần sự tận tâm cho nghệ thuật”.
Sự tận tâm, điều này dường như là đòi hỏi quá lớn, khi mà giải thưởng của festival còn chưa hấp dẫn cũng như mô hình tổ chức không đủ thu hút, thúc đẩy sự sáng tạo và bứt phá của các họa sĩ trẻ. Mặc dù qua các kỳ tổ chức, Festival Mỹ thuật trẻ đã chứng tỏ là một sự kiện đáng lưu ý trong giới. Nhưng nhìn lại kỳ festival ảm đạm này, các nhà quản lý, hội đồng nghệ thuật cũng nên đặt ra câu hỏi, liệu mô hình tiếp theo sẽ như thế nào? Mỹ thuật trẻ sẽ phát triển theo hướng nào, không có cái mới nhưng cái cũ có làm nên giá trị riêng? Khi mà trang mới của mỹ thuật đương đại Việt Nam vẫn để trắng, chờ các bạn trẻ.
MAI AN