Doanh thu 361 tỷ USD
Theo SIPRI, năm 2019, ngành công nghiệp vũ khí Mỹ chiếm tới 61% tổng doanh thu của thị trường sản xuất vũ khí toàn cầu, theo sau là Trung Quốc với 15,7%. Ước tính, trong năm 2019, tổng doanh thu do sản xuất vũ khí của tốp 25 nước sản xuất vũ khí nhiều nhất thế giới đã tăng 8,5%, lên 361 tỷ USD, gấp 50 lần ngân sách hàng năm dành cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc (LHQ). Trong tốp 25 quốc gia trên, các công ty sản xuất vũ khí của Mỹ và Trung Quốc cũng chiếm đa số trong danh sách 10 nhà sản xuất vũ khí hàng đầu. Trong đó, Mỹ có 6 công ty, bao gồm Lockheed Martin, Boeing, Northrop Grumman, Raytheon, General Dynamics và L3Harris Technologies. Trung Quốc có 3 công ty. Vị trí còn lại là tập đoàn BAE Systems của Anh.
Ngoài ra, trong tốp 25 còn có 2 công ty của Nga, gồm Almaz-Antey xếp thứ 15 và United Shipbuilding ở vị trí thứ 25. Tập đoàn EDGE của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) lần đầu tiên góp mặt trong danh sách với vị trí thứ 22. Giám đốc Chương trình vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI, bà Beraud-Sudreau, cho rằng, các công ty sản xuất vũ khí của Nga từng ở những vị trí cao hơn trong các bảng xếp hạng những năm trước đây nhờ chương trình hiện đại hóa của quân đội nước này, nhưng do chương trình hiện đại hóa này đang giảm nên hoạt động kinh doanh của các công ty trên cũng đã giảm mạnh.
Tăng trưởng doanh thu của các tập đoàn quốc phòng Trung Quốc đạt mốc 4,8%, thấp hơn trung bình toàn thế giới. Tuy nhiên, thống kê của SIPRI không bao gồm dữ liệu từ những doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đóng tàu và sản xuất tên lửa Trung Quốc, do nước này không công khai số liệu.
Tăng cường cạnh tranh
Theo dự báo của giới chuyên gia quân sự, nhiều khả năng Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu trong thị trường vũ khí toàn cầu năm 2020 dù chưa có số liệu công bố chính thức. Dự báo này căn cứ vào tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết, Chính phủ Mỹ đã phê duyệt các thương vụ bán vũ khí cho các quốc gia khác với tổng trị giá hơn 175 tỷ USD trong năm tài chính 2020 (từ 1-10-2019 đến 30-9-2020), tăng 5 tỷ USD so với hồi năm 2019. Con số này bao gồm khoảng 50,8 tỷ USD doanh thu bán hàng quân sự cho nước ngoài, chiếm phần lớn trong số đó là các hợp đồng mua bán vũ khí giữa Mỹ với các đồng minh.
Theo Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng, mặc dù doanh số bán hàng quân sự cho nước ngoài của Mỹ đã giảm 8% trong năm tài chính 2020 so với năm trước đó, song doanh số bán hàng trung bình trong 3 năm của nước này đã tăng từ mức 51 tỷ USD của các năm tài chính 2017-2019 lên mức 54 tỷ USD của các năm tài chính 2018-2020. Trong 4 năm qua, chính phủ của Tổng thống Donald Trump luôn nỗ lực thúc đẩy các giao dịch vũ khí lớn, bất chấp sự phản đối của quốc hội. Tuy nhiên, chính sách trên có thể bị đảo ngược sau khi ứng cử viên Tổng thống Mỹ là ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2020, chính thức nhậm chức. Hành động này cho thấy Mỹ đang tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc và Nga, những nước có tham vọng mở rộng thị phần trong thị trường xuất khẩu vũ khí. Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, họ sẽ ưu tiên những thương vụ có thể giúp các quốc gia đồng minh tăng cường khả năng phối hợp tác chiến với Mỹ.
Trong khi đó, từ chỗ là một trong các nước nhập khẩu vũ khí lớn nhất, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một nhà cung cấp vũ khí hàng đầu thế giới, bao gồm các thiết bị bay không người lái (UAV). Trung Quốc đã xuất hàng loạt UAV sang các nước, trong đó có Pakistan. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn xuất khẩu các loại súng trường tấn công, đạn dược, chiến đấu cơ và thậm chí cả tàu ngầm. Một nghiên cứu mới đây về xuất khẩu UAV của Trung Quốc do Đại học Pennsylvania và Đại học Texas A&M tiến hành cho thấy có tới 11 nước mua UAV quân sự do Trung Quốc sản xuất trong giai đoạn 2011-2019.