Mỹ và Iran vẫn ra “đòn gió”

Giữa lúc đang có các hoạt động ngoại giao dồn dập nhằm đưa Iran trở lại bàn đàm phán hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi thư đến nhà lãnh đạo tối cao Iran đề nghị đàm phán trực tiếp song phương.
Mỹ và Iran vẫn ra “đòn gió”

Giữa lúc đang có các hoạt động ngoại giao dồn dập nhằm đưa Iran trở lại bàn đàm phán hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gửi thư đến nhà lãnh đạo tối cao Iran đề nghị đàm phán trực tiếp song phương.

  • Đàm hay đánh?

Hãng thông tấn Iran Fars đã tiết lộ nội dung bức thư của Tổng thống Barack Obama gửi cho Iran, trong đó cảnh báo việc Iran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz nhưng cùng lúc đề nghị đàm phán trực tiếp. Nghị sĩ Iran Ali Motahari đã khẳng định như vậy trên Fars. Giải thích về vấn đề này, Nhà Trắng cho rằng đó không phải bức thư mà là một cách thông tin ngoại giao thông thường. Nhà Trắng cho rằng “không có gì mới” trong cách thông tin của tổng thống. Tuần trước người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney nói: “Chúng tôi có nhiều cách thông tin về quan điểm của chúng tôi tới chính phủ Iran và chúng tôi thường xuyên dùng các cơ chế này trong nhiều năm qua”.

Tàu chiến Mỹ tại eo biển Hormuz

Tàu chiến Mỹ tại eo biển Hormuz

Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen ngày 18-1 cho biết eo biển chiến lược Hormuz, tuyến hàng hải vận chuyển phần lớn lượng dầu từ vùng Vịnh ra đại dương, phải được lưu thông, đồng thời kêu gọi Iran hành xử một cách có trách nhiệm.

Phát biểu tại một cuộc họp báo sau khi tiếp Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ở Brussels, ông Rasmussen nói: “Vấn đề tối quan trọng là đảm bảo rằng dầu mỏ sẽ tiếp tục được vận chuyển qua eo biển chiến lược này. Chính quyền Iran có nghĩa vụ hành xử một cách có trách nhiệm và phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng NATO không hề có các kế hoạch can thiệp”. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho biết eo biển Hormuz phải luôn được mở trong mọi hoàn cảnh, bởi nó có liên quan tới các lợi ích của toàn thế giới.

  • Iran không có khả năng phong tỏa eo biển Hormuz

Theo các nhà phân tích tại Mỹ, Iran không thể đóng cửa eo biển Hormuz vì làm như vậy sẽ gây thiệt hại lợi ích của chính Iran. Theo ông Michael Eisenstadt, thành viên cao cấp Viện Chính sách Cận Đông của Washington: “Nhận thức của Iran rằng Mỹ và các đồng minh đang thực hiện chiến tranh kinh tế chống nước cộng hòa Hồi giáo nhằm chặn đứng dòng xuất khẩu của họ, đó là nguồn lợi huyết mạch của Iran”. Cũng chính vì vậy theo ông Eisenstadt, Tehran có lẽ sẽ không đóng cửa eo biển miễn họ có khả năng xuất khẩu dầu, ngay cả khi bị cấm vận. Bằng không, họ sẽ tự gây hại cho mình.

Vị trí eo biển Hormuz (trong khung đỏ lớn) ở vùng Vịnh Persic.

Vị trí eo biển Hormuz (trong khung đỏ lớn) ở vùng Vịnh Persic.

Theo các nhà phân tích Mỹ, có nhiều khả năng Iran có thể tham gia vào các chiến dịch gây khó khăn đối với quân đội Mỹ, “một chiến dịch quấy rối bí mật” Ngoài ra, sự sẵn sàng của Iran trong việc nối lại đàm phán với Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức, cho thấy Tehran không có ý định đóng cửa các tuyến đường chiến lược.

Theo Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta ngày 18-1 cho biết nước này sẵn sàng đương đầu với mọi đe dọa của Iran đóng cửa eo biển Hormuz. Trả lời câu hỏi liệu những đe dọa này có dẫn tới việc Mỹ phải tái bố trí lực lượng tại khu vực này hay không, ông Panetta nói rằng “ở thời điểm hiện tại, Washington vẫn chưa tiến hành bước đi cụ thể nào để ứng phó với tình huống này, bởi trên thực tế chúng tôi đã hoàn toàn sẵn sàng để đương đầu với điều đó”.

Theo AFP, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Yukiya Amano, ngày 18-1 cho biết một phái đoàn cấp cao IAEA sẽ đến Iran từ ngày 29 đến 30-1 để thẩm tra xem liệu chương trình hạt nhân của Iran có yếu tố quân sự hay không. Ông Amano cũng bác bỏ các ám chỉ của Iran rằng IAEA có liên quan đến vụ ám sát một nhà khoa học hạt nhân Iran vào ngày 11-1. 

KHÁNH MINH

>> Mỹ đề nghị đàm phán với Iran

>> Iran dọa đóng cửa eo biển Hormuz

Tin cùng chuyên mục