Na Uy tìm kiếm hợp tác với tỉnh Kiên Giang trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản

Ngày 21-11, Đoàn công tác Đại sứ quán Na Uy do Bà Karin Greve-Isdahl, Tham tán Thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Na Uy làm trưởng đoàn, đến tìm hiểu, chia sẻ về kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa, xử lý chất thải rắn và tiềm năng hợp tác trong nuôi biển quy mô công nghiệp, chế biến phụ phẩm thủy sản tại tỉnh Kiên Giang.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh tiếp và làm việc với đoàn.

Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có TP Rạch Giá và TP Phú Quốc tham gia sáng kiến “Đô thị giảm nhựa” của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam. Đồng thời TP Phú Quốc cũng tham gia chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Tổng Cục biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp thực hiện nhằm mục đích ngăn chặn làn sóng ô nhiễm nhựa đại dương thông qua việc cải thiện quản lý chất thải rắn. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải vẫn là vấn đề khó khăn của tỉnh Kiên Giang hiện nay, đặc biệt là ở các đảo và vùng nông thôn.

Người dân xã đảo Tiên Hải, TP Hà Tiên (Kiên Giang) nuôi cá bống mú

Người dân xã đảo Tiên Hải, TP Hà Tiên (Kiên Giang) nuôi cá bống mú

Về lĩnh vực nuôi biển quy mô công nghiệp, với diện tích ngư trường rộng lớn và nhiều loài thủy hải sản có giá trị cao, tỉnh Kiên Giang xác định kinh tế biển sẽ là hướng phát triển chủ lực trong thời gian tới. Đặc biệt, tỉnh chú trọng phát triển hiệu quả, bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Đến tháng 10-2023, tổng diện tích nuôi biển của tỉnh Kiên Giang là 23.168ha, sản lượng thu hoạch hơn 87.200 tấn. Trong đó, nuôi cá biển có hơn 3.800 lồng nuôi, sản lượng gần 3.000 tấn; nuôi trai cấy ngọc nhân tạo diện tích 100 ha, sản lượng 76.000 viên/năm.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lê Quốc Anh bày tỏ vui mừng đón tiếp Bà Karin Greve-Isdahl và đoàn đến thăm và làm việc với tỉnh Kiên Giang. Đồng thời mong rằng qua buổi làm việc, phía Na Uy sẽ có những hợp tác, hỗ trợ về kỹ thuật, kinh phí để làm sạch, cải thiện ô nhiễm môi trường biển, hệ sinh thái do rác thải nhựa đại dương và các hoạt động sản xuất, sinh hoạt gây ra, nhất là tại đảo Phú Quốc, các vùng quy hoạch nuôi biển tập trung, khu vực bảo tồn biển.

Để nghề nuôi biển phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững trong thời gian tới, ông Lê Quốc Anh mong muốn được phía Na Uy hỗ trợ, hợp tác đầu tư thực hiện các dự án nuôi biển quy mô công nghiệp, giảm phát thải, hiện đại và bền vững tại các khu vực biển phù hợp trên địa bàn tỉnh; đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi biển công nghiệp; hỗ trợ, hợp tác phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho công nghiệp chế biến thủy sản…

Bà Karin Greve-Isdahl cho rằng, Na Uy là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là ngành nuôi trồng và chế biến cá hồi mang lại hiệu quả rất cao. Với điều kiện tự nhiên rất thuận lợi, bà Karin Greve-Isdahl tin tưởng Kiên Giang có thể phát triển ngành nuôi trồng thủy sản trên biển thành công. Đồng thời, phía Na Uy cũng sẽ chia sẻ những kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản của mình để tỉnh Kiên Giang có thể tìm được những giải pháp phù hợp cho địa phương.

Bà Karin Greve-Isdahl cho biết thêm, các doanh nghiệp ở Na Uy cũng rất quan tâm đến Việt Nam và hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp có mặt tại Việt Nam trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản như sản xuất giống, thức ăn và lưới...

Thời gian tới, Đại sứ quán Na Uy rất mong muốn được kết nối các doanh nghiệp đến trao đổi với tỉnh Kiên Giang, tìm ra hướng hợp tác cụ thể phù hợp cho ngành nuôi trồng thủy sản của tỉnh Kiên Giang.

Tin cùng chuyên mục