Cuộc giao lưu trực tuyến lần thứ 7 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) với người dân và doanh nghiệp được tổ chức hôm qua 17-4, đã nhận được trên 1.400 câu hỏi từ người dân và doanh nghiệp. Hơn 500 câu hỏi đã được trả lời trong ngày, với gần 500 câu đã được đưa lên mạng tính đến thời điểm “đóng cửa” giao lưu.
Trong 3 lĩnh vực được lựa chọn giao lưu lần này, đất đai vẫn là lĩnh vực thu hút sự quan tâm hơn cả, với khoảng 75% số câu hỏi. Đã có hơn 1 triệu lượt truy cập vào địa chỉ giao lưu, trong đó có cả những tỉnh thành tuy người dân không đặt câu hỏi nhưng vẫn có hàng vạn lượt truy cập như Hưng Yên, Kiên Giang, Vĩnh Phúc…
Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TN-MT Phạm Khôi Nguyên đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí về một số vấn đề đang “nóng” trong lĩnh vực đất đai – cũng là những vấn đề được nhiều người dân đặt câu hỏi.
- PV: Trong các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai 2003, việc bồi thường cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp có gì khác so với luật hiện hành?
Bộ trưởng PHẠM KHÔI NGUYÊN: Nghị định lần này không đề cập đến xác định giá đất mà vẫn dựa vào bảng giá đất cũ, đất nông nghiệp vẫn trong khung từ 20.000 - 135.000 đồng/m². Còn giá đất cây công nghiệp dài ngày vẫn từ 30.000 -158.000 đồng/m².
Với khoảng xác định như vậy, các địa phương tự xác định giá đất cụ thể của địa phương mình. Tuy nhiên, việc xác định giá đất sẽ có phần cứng (giá trị thật của đất) và phần mềm. Nghị định lần này sẽ chủ yếu đi vào phần mềm - hỗ trợ cho dân ngoài giá cứng.
Bên cạnh đó, một sửa đổi quan trọng liên quan đến công tác tái định cư. Sẽ không còn tình trạng thu hồi đất xong mới tính đến tái định cư mà phải có khu tái định cư trước khi thu hồi đất. Trước đây, người dân bị thu hồi đất khi ra khu tái định cư lại phải mất thêm tiền mới có được chỗ ở mới. Nhưng trong thời gian tới, khi nghị định mới (đang lấy ý kiến các địa phương trước khi trình Chính phủ ban hành) sẽ cố gắng để làm sao khi người dân vào khu tái định cư sẽ không phải nộp thêm tiền. Để làm được điều này cần phải có nhiều cơ chế chính sách: trong đó phải có nhiều loại hình tái định cư, nhiều mẫu nhà tái định cư với diện tích khác nhau…
- Chính phủ vừa có chỉ đạo Bộ TN-MT phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu ban hành một mẫu GCN mới thay thế cả “sổ đỏ” và “giấy hồng”. Nhiệm vụ này đã được Bộ TN-MT triển khai như thế nào?
Hơn 1 năm nay, Bộ TN-MT đã nghiên cứu thiết kế loại giấy chứng nhận dạng như một quyển sổ (tương tự hộ chiếu, hộ khẩu) với tên gọi là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trong quyển sổ này sẽ phản ảnh tất cả các vấn đề liên quan từ trước tới nay đã được cấp trong các loại giấy khác nhau với các đối tượng khác nhau: chủ sở hữu đất, sở hữu nhà, nhà ở tập thể, chung cư... đất nông nghiệp, đất vườn, đất nhà ở... Sổ có thể sử dụng trong tất cả các giao dịch; chuyển dịch, vay vốn, góp vốn, thừa kế... Các loại giấy cũ vẫn có giá trị, nhưng nếu các hộ dân muốn chuyển đổi sang loại giấy mới sẽ được cấp đổi mà không mất thêm chi phí.
- Bao giờ việc cấp loại GCN mới được thực hiện?
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai dự kiến cuối năm 2009 mới trình Quốc hội thảo luận và như vậy đến cuối năm 2010 mới có thể đi vào được cuộc sống. Sau đó mới có thể tiến hành cấp giấy mới.
- Cảm ơn Bộ trưởng.
Anh Phương ghi