Thị trường lao động TPHCM năm 2010 đã có sự chuyển biến tích cực, số lao động có việc làm vượt kế hoạch đề ra nhưng số lượng người thất nghiệp cũng tăng cao. Vì sao lại có những nghịch lý như vậy? PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Anh Tuấn (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM. Ông Tuấn cho biết:
Thị trường lao động TPHCM năm 2010 có nhiều biến động về chênh lệch cung - cầu. Trong quý 1, thị trường mất cân bằng giữa nhu cầu tuyển dụng theo cơ cấu trình độ chuyên môn và ngành nghề. Thời gian này, TP cần lao động phổ thông rất lớn, chiếm 71,16% so với tổng nhu cầu chỗ làm việc trống. Trong khi đó, nhu cầu lao động có trình độ CĐ-ĐH trở lên chỉ chiếm 30% nên nguồn cung lao động phổ thông rất thiếu. Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao chủ yếu là nhựa - bao bì, dệt may - giày da, chế biến, dịch vụ - phục vụ, vệ sinh công nghiệp, mộc - mỹ nghệ.
Sang quý 2, những tác động chính sách quản lý nhà nước và chính sách sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, đặc biệt việc cải tiến quy trình sản xuất, tăng năng suất lao động, ổn định sản xuất - kinh doanh ảnh hưởng đến thị trường lao động. Đến quý 3, cung - cầu đã đáp ứng được 80%, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông giảm hẳn và các doanh nghiệp tập trung tuyển dụng lao động có trình độ chuyên môn cao. Vào cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động có thời vụ tăng cao do các doanh nghiệp cần hoàn thành kế hoạch năm và phục vụ hàng cho dịp lễ tết…
Nhìn chung, thị trường lao động về cuối năm có những thay đổi với chiều hướng tích cực, các doanh nghiệp thiếu lao động phổ thông đã cải thiện chính sách tổ chức sản xuất kinh doanh, tiền lương và nhiều chính sách phúc lợi vì vậy nhu cầu lao động phổ thông giảm dần thay vào đó là nhu cầu về nguồn lao động có tay nghề và có trình độ cao.
° PV: Thưa ông, loại hình giới thiệu việc làm nào hiện được người lao động chọn lựa nhiều nhất?
° Ông TRẦN ANH TUẤN: Hiện nay thị trường lao động phát triển đa dạng với nhiều hoạt động tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động tiếp cận được nhau thông qua sàn giao dịch việc làm, ngày hội nghề nghiệp, thông tin thị trường lao động, tư vấn hướng nghiệp, các trường dạy nghề. Người lao động cũng có thể thông qua các trung tâm giới thiệu việc làm để tìm việc.
Hình thức tuyển dụng lao động trực tuyến trên internet cũng phát triển mạnh cùng với các chính sách của doanh nghiệp về tuyển dụng linh hoạt. Chính vì vậy mà chỉ trong 11 tháng, TPHCM đã tổ chức giới thiệu và giải quyết việc làm được 271.061 lao động, đạt 100,39% kế hoạch, trong đó 120.641 chỗ làm việc mới. Ước tính năm 2010, TPHCM giải quyết việc làm được trên 275.000 lao động.
° Mặc dù nhu cầu của các doanh nghiệp cũng rất cao và đang khát lao động nhưng vì sao người thất nghiệp vẫn tăng?
° Đúng là thị trường lao động TPHCM vẫn còn tồn tại nghịch lý đó. Bởi nguồn lao động phổ thông thiếu, trong khi nguồn lao động có trình độ từ trung cấp, cao đẳng, đại học lại chưa đáp ứng số lượng, chất lượng so với nhu cầu doanh nghiệp. Do đó vẫn có hiện tượng thừa lao động có trình độ do những bất cập như một số ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng đào tạo không đáp ứng đủ nhu cầu trong khi một số ngành nghề hiện nay khủng hoảng thừa nhưng vẫn tiếp tục đào tạo. Điều đó cho thấy thị trường lao động vẫn tiếp tục mất cân đối giữa đào tạo và việc làm, đặc biệt là kỹ năng nghề.
Năm 2010 là thời điểm diễn ra sự dịch chuyển lao động khá lớn (trên 30%). Trên 50% người tìm việc làm có kinh nghiệm từ 1 năm trở lên và mức lương mong muốn là trên 5 triệu đồng/tháng, vì vậy tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Đối với lao động phổ thông, sơ cấp nghề cũng mong muốn có mức lương từ 2 - 3 triệu đồng/tháng trở lên, trong khi nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông, sơ cấp tuy có tăng nhưng chỉ mới ở mức bình quân chung 1,5 - 1,8 triệu đồng/tháng.
° Ông có thể dự báo nguồn nhân lực mà TPHCM cần trong năm 2011?
° Theo định hướng phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2015, GDP của TPHCM sẽ tăng 12% trở lên từ năm 2011 nên nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp cũng tăng lên đáp ứng nhu cầu phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Để đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế, năm 2011, qua khảo sát và phân tích chúng tôi dự báo năm 2011, TPHCM sẽ cần 265.000 lao động.
Trong đó, lao động phổ thông chiếm trên 45%, lao động có trình độ đại học, cao đẳng khoảng 20%, lao động có trình độ từ sơ cấp nghề đến trung cấp chiếm khoảng 35%. Tổng hợp nhu cầu của trên 6.000 doanh nghiệp cho thấy những ngành có nhu cầu tuyển nhiều trong năm 2011 là cơ khí, điện, điện tử, dệt may - giày da, tài chính - ngân hàng, kế toán - kiểm toán, chế biến thực phẩm... Những ngành dệt may - giày da, nhựa - bao bì, cơ khí, mộc - mỹ nghệ, trang trí nội thất, xây dựng, chế biến thực phẩm, bán hàng... sẽ thiếu lao động phổ thông trong 3 tháng đầu năm. Năm 2011, nhu cầu tuyển dụng của các KCN-KCX sẽ trên 30.000 lao động
HỒ THU thực hiện