Cả một cuộc đời trăm năm (ngày 7 tháng 8 năm 1912-ngày 8 tháng 9 năm 2011), trước bao khó khăn tưởng chừng không có lối ra, ông không bao giờ quên câu nói bất hủ: Dám đi, mới thấy đường đi cụ thể.
Từ năm lên chín, lên mười, chàng trai Võ Toàn đã được người cha Võ Nghiêm dạy về lòng yêu nước, dạy học chữ Hán, dạy thấu đáo câu nói của thầy Mạnh Tử: Quốc gia hưng vong, Thất phu hữu trách. Dạy cho ông về lời dạy của Khổng Tử: Tu thân trước hết là chỉnh tâm, tức là có lòng chính trực, trong sáng. Tu nhân là có đạo đức, nhân nghiã, trung hiếu. Ông ghi tạc lời dạy của cha trong suốt cuộc hành trình đời mình. Ông cũng vô cùng thương yêu và kính trọng mẹ của ông, một bà mẹ hiền lành, lam lũ, gánh mọi nhọc nhằn trong gia đình để cho chồng, cho con hoạt động cách mạng.
Tháng 2-1934, Phủ Tam Kỳ lập thêm một chi bộ ghép ở làng Khương Mỹ -Danh Sơn-Mỹ Sơn gồm có 4 đảng viên, ông Võ Toàn (Năm Công) được cử làm Bí thư. Cuối tháng 1-1940, một hội nghị bàn thành lập Phủ ủy Tam Kỳ, được cử làm Bí thư, ông được phân công phụ trách các Phủ Huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An, Thăng Bình và Nhà lao Hội An. Hội nghị quyết định Phủ Tam Kỳ đảm nhận nhiệm vụ bắt liên lạc với các phủ, huyện khác để lập lại Ban Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam (Tháng 9-2011 kỷ niệm 105 năm Phủ Tam Kỳ).
Khi họp bàn thành lập Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, ông Năm Công giới thiệu đồng chí Khưu Thúc Cự làm bí thư vì đồng chí Cự vào đảng sớm hơn, lớn hơn ông 6 tuổi. Nhưng đồng chí Cự và các đồng chí khác cử ông làm Bí thư.
Địch đánh phá gắt gao, sau nhiều tháng mất liên lạc với Xứ ủy, khoảng tháng 8-1940, ông hoạt động ở Duy Xuyên bất ngờ gặp đồng chí Hồ Tỵ tại nhà một cơ sở. Hai người ôm nhau mừng chảy nước mắt. Đồng chí Hồ Tỵ cho biết, ông là phái viên của Xứ ủy vào tăng cường và truyền đạt Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương. Cuối tháng 10-1940, bấy giờ Tam Kỳ có 9 chi bộ, toàn tỉnh Quảng Nam có 30 chi bộ, được sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy.
Cuối năm 1943, bị một người trong tổ chức phản bội, ông rơi vào tay giặc, bị tra tấn cực hình, bị kết án 25 năm tù khổ sai đày biệt xứ. Ở nhà tù Ban Mê Thuột ra, vào thời gian Nhật đảo chính Pháp ngày 9-3-1945, ra tù ông liền tham gia Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam, được giao nhiệm vụ thành lập Uỷ ban bạo động, vạch kế hoạch cướp chính quyền.
Chiều 17-8-1945, ông đạp xe đi một vòng quanh thị xã Hội An thấy tình hình vô cùng rạo rực, ông quyết định triệu tập khẩn cấp Uỷ ban vận động bàn ra quyết định khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hội An tỉnh lỵ ngay trong đêm…
Tháng 8-1950, theo chỉ thị của Trung ương và Liên Khu V, cử ông làm Bí thư kiêm Chính ủy Ban cán sự khu Đông bắc Campuchia cùng 1.000 cán bộ, chiến sỹ xuất phát từ Trung Phước-Quế Sơn, vượt Trường Sơn sang Hạ Lào, xuống Đông Bắc Campuchia, thực hiện cuộc hành quân “Tây chinh Nam chiến’’. Một năm sau, Trung ương điều ông về lại Khu ủy V. Năm 1952, ông làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Tháng 11-1953, ông làm trưởng đoàn của Khu V ra Sơn Dương-Tuyên Quang dự Hội nghị toàn quốc về “Luật caỉ cách ruộng đất’’. Lần đầu tiên ông được gặp Bác Hồ, ông báo cáo với Bác về vụ ‘’Binh biến Sơn Hà-Quảng Ngãi’’, về nạn đói năm “năm hai”. Hỏi thăm đồng bào, chiến sỹ, Bác nói, ngày ấy, trong chuyến đi vào Nam, Bác có đi qua Quảng Nam, Đà Nẵng. Bác nhắc đến các sỹ phu của Quảng Nam như Hoàng Diệu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng..., họ là những nhà yêu nước có tiếng tăm, là vùng đất hiếu học, có Ngũ phụng tề phi.
Những năm 1956-1957, là thời kỳ vô cùng khó khăn. Lúc bấy giờ ông là Phó Bí thư, cùng các đồng chí trong Khu ủy không ai tin khả năng có thể giải quyết trong hòa bình với Mỹ- Diệm vấn đề miền Nam và với bài học trả bằng máu và nước mắt của những người trụ lại sau năm 1954. Ông đề nghị Khu ủy và đồng chí Trần Lương (Trần Nam Trung), Bí thư Khu ủy V cho ông ra gặp Trung ương. Trên đường Trường Sơn ra miền Bắc, ông được tin đồng chí Lê Duẩn từ miền Nam cũng ra Bắc…
Vào một buổi sáng mùa xuân năm 1958, ông đặt chân đến Thủ đô Hà Nội, ngay chiều hôm đó, ông được gặp và nói chuyện với đồng chí Lê Duẩn. Sau gần một buổi xổ bầu tâm sự vì miền Nam thân yêu đang bị dìm trong biển máu, ông nhận được từ tay đồng chí Lê Duẩn bản “Đề cương cách mạng miền Nam’’. Suốt đêm, đọc xong, ông xem bản đề cương như ‘’một cẩm nang thần kỳ’’. Ông nhớ mãi chiều hôm không thể nào quên ấy, sau khi nghe đồng chí Lê Duẩn nói: “Có những việc ta còn mò mẫm, cứ làm rồi sẽ thấy, dám đi mới thấy đường đi cụ thể…” thì hai người ôm nhau thật lâu miệng cười thành tiếng mà nước mắt ứa ra, như muốn truyền cho nhau hơi thở cùng một nhịp và cùng một quyết tâm giải phóng miền Nam… Rồi ông được Bác gọi lên ăn cơm, báo cáo cho Bác nghe tình hình ở Khu V. Bác bảo ông ở lại dự Hội nghi Trung ương 15.
Tại hội nghị Khu ủy mở rộng, ông truyền đạt Nghị quyết Trung ương 15, cán bộ trụ lại rất mừng, tinh thần mới của Nghị quyết đã tháo gỡ những lo âu thắc mắc trong lòng chưa biết khi nào được giãi bày. Tháng 9-1960, Tại Đại hôi Đảng lần thứ III, ông được bầu làm ủy viên Trung ương. Năm 1961, Trung ương cử ông vào Nam bộ làm Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam, thường trực, phụ trách Dân vận, Mặt trận, Kinh tế, Tài chính, phá ấp chiến lược và chống bình định. Là người được Trung ương giao nhiệm vụ cùng với tỉnh Phú Yên tổ chức giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ đưa ra vùng giải phóng.
Đầu năm 1964 ông về làm Bí thư Khu ủy V, vẫn kiêm Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam.
Chuẩn bị đồng khởi và giải phóng toàn bộ Khu V thì Mỹ ồ ạt đổ quân vào Đà Nẵng, Kỳ Hà-Chu Lai. Đến tháng 10-1965 đã có 100 ngàn quân viễn chinh Mỹ trên đất Khu V. Bài học hắc búa lúc bấy giờ cả nước phải tìm là “thực tiễn đánh Mỹ’’, để có thể trả lời câu hỏi vô cùng khó: Có dám đánh Mỹ không? Và, trận Núi Thành- trận đầu đánh Mỹ là một thực tiễn quý, là một giải đáp có tính chiến lược. Tiếp đến chiến thắng Vạn Tường-đánh thắng cuộc ra quân “tìm diệt’’đầu tiên của Mỹ đã củng cố lòng tin, tạo khí thế đánh Mỹ trên cả Khu V, cả miền Nam.
Với tư cách là người lãnh đạo Khu uỷ, ông vận dụng cả nguyên lý của Tôn Tử “Hiểu địch, hiểu ta, trăm trận trăm thắng’’, và phương châm sống của ông bà ta “Liệu cơm gắp mắm’’, ông đã phát động toàn Khu V chỉ huy cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân-1968 cùng với toàn miền Nam làm thay đổi cục diện có lợi cho ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Tháng 12-1974, ông dự Hội nghị Bộ chính trị mở rộng quan triệt kế hoạch chiến lược 2 năm 1975-1976. Song, ông vẫn nhớ lời đồng chí Lê Duẩn: “Nếu thời cơ đến vào đầu năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975!”. Theo kế hoạch, sau khi giải phóng Ban Mê Thuột và Tây Nguyên thì đánh vào miền Đông Nam bộ, vào Sài Gòn rồi mới quay ra giải phóng Đà Nẵng.
Được điện của Đại tướng Văn Tiến Dũng đang ở Nam Tây Nguyên, ông lên xe, dọc đường đi, qua thông tin nắm được, ông điện đề nghị Đại tướng Văn Tiến Dũng, sau khi giải phóng Ban Mê Thuột thì địch ở hai tỉnh phía ngoài bị rối loạn, mất tinh thần nên cần chuyển một trung đoàn cùng lực lượng địa phương đánh Plâycu và Kon Tum thì địch sẽ bỏ chạy ngay.
Khi ông đến Kon Tum thì địch đang rút chạy, ông nhận định ”Địch bỏ Tây Nguyên, tình thế xuất hiện’’. Ông điện xin phép đồng chí Lê Duẩn và Bộ Chính trị đề nghị cho đánh Đà Nẵng ngay. Đồng chí Lê Duẩn thay mặt Bộ Chính Trị liền điện cho ông: “Nếu thấy làm được thì giải phóng Đà Nẵng đi”. Và ông điện cho tướng Văn Tiến Dũng biết, xin không vào Ban Mê Thuột mà quay về lo giải phóng Đà Nẵng.
Trên đường về Khu ủy V, ngày 20-3-1975, ông điện cho Bộ chính trị và Tướng Văn Tiến Dũng: “Địch sẽ rút bỏ đồng bằng Khu V và Trị Thiên, ta phải huy động toàn bộ lực lượng tấn công ngay, hướng tấn công chủ yếu là thành phố Đà Nẵng và Qui Nhơn”.
Kế hoạch giải phóng Khu V đề ra 2 năm, thực hiện chỉ 20 ngày!. Chiều 29-3-1975, ông có mặt trong nội thành Đà Nẵng giải phóng.
Tham gia lãnh đạo đất nước trong công cuộc xây dựng thời bình, ông đi sâu, đi sát thực tế, chịu khó lắng nghe ý kiến của người lao động, tìm ra những vướng mắc, tiêu cực để góp phần tháo gỡ. Từ viết thư gợi ý cho Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú làm thí điểm “khoán’’, từ suy nghĩ vì sao nông dân ‘’làm chui’’ đến ‘’chỉ thị 100’’, thực hịên ‘’khoán mới’’… đã tạo động lực kích thích sản xuất …đến Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ông có công lớn với đổi mới toàn diện nền kinh tế…
Vì “Quốc gia hưng vong’’, trải qua một chặng đường cách mạng hơn 80 năm, kể từ khi tham gia cách mạng ở địa phương 1930, gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1935, ông là một vị lãnh đạo của Đảng, của Nhà nước được cán bộ và nhân dân tin yêu. Ông Năm Công rút ra một bài học cho sự lãnh đạo và cho chính mình: Quan liêu, mệnh lệnh, xa rời nhân dân sẽ đưa đến những hậu quả khôn lường với vận mệnh đất nước!
Đêm 8-9-2011
Hồ Duy Lệ
(*Nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, làm báo trong Chiến khu 5, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, nguyên Tổng biên tập Báo Quảng Nam, đã nghỉ hưu).