"Báo động đỏ" về mưa lũ
Báo cáo tình hình thiên tai từ tháng 7 đến cuối năm 2022, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, trong tháng 7 tới vẫn còn rải rác các đợt nắng nóng ở miền Bắc với nhiệt độ cao nhất khoảng 37°C và có thể lên tới 39°C tại miền Trung. Tuy nhiên từ tháng 10, 11 năm nay, không khí lạnh sẽ đến sớm. Nhiệt độ trong tháng 11 năm nay sẽ thấp hơn trung bình nhiều năm.
Theo ông Hoàng Phúc Lâm, năm nay, bão sẽ kết hợp không khí lạnh, gây ra mưa lũ nhiều hơn bình thường. Từ các mô hình, dữ liệu quan trắc cho thấy, từ tháng 10 đến 11 và có thể kéo dài sang tháng 12, mưa lũ xuất hiện dồn dập với tần suất, cường độ "báo động đỏ" ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên.
Theo ông Lâm, các mô hình dự báo của thế giới hiện nay đều đang điều chỉnh theo xu hướng tăng số lượng bão so với thông tin đưa ra hồi tháng 3-2022. Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cũng đã điều chỉnh từ mức độ bão "thấp hơn" sang "xấp xỉ" so với trung bình nhiều năm. Dự báo năm nay, mùa mưa bão sẽ tương đương năm 2011.
Thời tiết đang có những dấu hiệu thay đổi bất thường. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, thông thường, chu kỳ của ENSO chỉ là 2 năm, sau đó sẽ quay sang trạng thái trung tính. "Nhưng đến nay, La Nina đã hoạt động 3 năm rồi. Đây là hiện tượng ít gặp", ông Hoàng Phúc Lâm cho biết.
Còn theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, mặc dù không có nhà khoa học nào có thể nói chính xác trước 4 tháng về chỉ số mưa là bao nhiêu, nhưng đến nay, mưa lũ dồn dập vào tháng 11-2022 có xác suất tới 65-75%.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - thủy văn, ông Hoàng Đức Cường cho rằng, năm nay thời tiết tương đối phức tạp, dồn dập vào cuối năm và tái diễn những hiện tượng của các năm trước. Do đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng nên mưa lũ sẽ ảnh hưởng tới phát triển kinh tế - xã hội.
Hà Nội sẽ cảnh báo các điểm ngập bằng AI
Theo ông Hoàng Đức Cường, các đợt mưa lũ vừa qua ở Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Yên... cũng chưa phải là kỷ lục vì rất may mưa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nếu kéo dài thêm 1-2 tiếng đồng hồ nữa thì sẽ ngập rất nặng.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia bổ sung, hiện Tổng cục Khí tượng - thủy văn đang vận hành hệ thống quan trắc và dự báo thời gian thực về các cơn dông, nguy cơ mưa ngập lụt ở Hà Nội, với thông tin đưa ra trước khoảng 30 phút đến 2 tiếng đồng hồ để người dân chủ động nắm bắt.
Đây là dự án do Chính phủ Bỉ tài trợ trong thời gian từ năm 2021 đến 2024. Dự án gồm hai phần: một là theo dõi, cập nhật cứ 15 phút một lần và cảnh báo các cơn dông gây ra mưa, dông, lốc, sét ở trên trời; hai là tự động tính toán từ các mô hình bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và đưa ra cảnh báo các khu vực, cung đường nào sẽ có nguy cơ ngập lụt trong cơn mưa này. Đồng thời thông tin cảnh báo sẽ được tự động gửi cho người dân qua tin nhắn trên điện thoại.
Chủ trì hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - thủy văn Trần Hồng Thái cho biết thêm, mô hình quan trắc và cảnh báo mưa, dông, lốc tự động bằng AI đang được Tổng cục Khí tượng - thủy văn mở rộng ra quy mô cả nước, dựa trên cơ sở hệ thống 10 radar hiện đại do chính phủ Nhật Bản và Phần Lan hỗ trợ, cùng với hệ thống radar cũ được nâng cấp. Bên cạnh đó, chúng ta còn sử dụng 18 trạm định vị sét để quan trắc. Các thiết bị này đã được giao cho 10 đài cao không để vận hành.
Ông Trần Hồng Thái cho biết, theo chỉ đạo của Bộ TN-MT thì tại những địa phương có tỷ lệ dông sét cao như Hà Giang, Quảng Ninh... cần phải có bản đồ dông, sét. "Trên tinh thần đưa ra thông tin cảnh báo trước 30 phút cũng có thể cứu được một mạng người, chúng tôi đã gửi ngay các bản tin cho ban chỉ huy tại các địa phương để hướng dẫn người dân phòng tránh", ông Trần Hồng Thái nói.
Trả lời báo giới về chất lượng và độ chính xác trong dự báo thiên tai hiện nay, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - thủy văn cho rằng, trong các báo cáo nhận định của Chính phủ cũng như Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đều thừa nhận những năm gần đây công tác dự báo đã được nâng cao. Mặc dù vậy, ngành khí tượng - thủy văn vẫn cần phải cố gắng hơn nữa, toàn tâm toàn ý để đáp ứng yêu cầu của xã hội, song bên cạnh đó cũng cần phải có sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội.
"Ngập lụt sẽ không thể dự báo chính xác được nếu chúng tôi không có số liệu của độ cao và thông số của hệ thống cấp thoát nước. Tôi đã tham gia khảo sát thí điểm một đoạn nhỏ tại sông Lừ (Hà Nội) mà các số liệu về quy hoạch, thiết kế và thực tế đã sai lệch, không hề thống nhất", ông Thái cho rằng: "Không có số liệu độ cao và thông số cấp thoát nước thì làm sao tính toán được mưa bao nhiêu thì ngập".