Nam Trung bộ thiếu nước

Không có mưa liên tiếp trong nhiều tháng liền, các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận đang bị hạn hán trên diện rộng, người dân thiếu nước sinh hoạt, gia súc và cây trồng chết dần chết mòn, nguy cơ mất mùa rất cao.

Tại tỉnh Khánh Hòa, hạn hán, xâm nhập mặn khiến người dân nhiều địa phương bị thiếu nước sinh hoạt. Ông Lê Xuân Thái, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Các huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Cam Lâm gần nửa năm nay không có mưa, các dòng sông cạn kiệt; các hồ chứa nước chỉ còn 1/3 dung tích. Dự kiến, vụ hè thu năm nay sẽ có hơn 14.500ha lúa phải tạm ngưng sản xuất để tập trung nguồn nước cấp cho sinh hoạt, công nghiệp”.

Ông Nguyễn Văn Nhuận, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, thông tin: “Tình trạng khô hạn tại địa phương đã xảy ra từ sau Tết Nguyên đán đến nay. Huyện Khánh Sơn có thế mạnh về cây trồng sầu riêng có thương hiệu, hiện sầu riêng và nhiều loại cây ăn quả khác đang thời kỳ ra hoa, kết trái, thiếu nước tưới sẽ khiến năng suất cây trồng giảm sâu. Do đó, địa phương đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng hồ nước trải bạt để bơm nước tập trung phục vụ dân, nhưng chừng đó chưa đủ. Nếu không có mưa trong tháng tới, ước địa phương thiệt hại trên 100 tỷ đồng vì mất mùa”.

Tâm điểm hạn hán là tỉnh Ninh Thuận, đang thiếu nước gay gắt vì trên địa bàn tỉnh đã lâu không có mưa, các hồ chứa không có nguồn nước bổ sung. Ông Nguyễn Xuân Bình (nông dân ở xã Phước Nam, huyện Thuận Nam) cho biết, khu vực này mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ, nhưng năm nay khô hạn nên không thể sản xuất, đồng bỏ hoang, nứt nẻ. Hiện nay, ngay cả nước sinh hoạt và nước uống cho gia súc cũng thiếu trầm trọng.

Nam Trung bộ thiếu nước ảnh 1 Ninh Thuận đồng khô cỏ cháy

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, tính đến đầu tháng 5-2020, lượng nước ở 21 hồ chứa chỉ còn khoảng 30 triệu m3, chưa đến 15%  so với tổng dung tích thiết kế 194,49 triệu m3. Một số hồ chứa như: Ông Kinh, Phước Trung, Phước Nhơn, Tân Giang, Suối Lớn, Sông Biêu, Nước Ngọt, Cho Mo, Tà Ranh, Lanh Ra… dung tích trữ đã xuống dưới mực nước chết. Vì vậy, dự kiến diện tích đất nông nghiệp phải dừng sản xuất khoảng 11.100ha”.

Toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có 20 nhà máy cấp nước, lấy nước từ các hồ chứa đưa về xử lý, cung cấp cho hơn 37.650 hộ dân sinh hoạt. Việc các hồ chứa dần cạn kiệt nguồn nước khiến nước sinh hoạt cung cấp cho người dân đang bị thiếu trầm trọng.

Đối phó với tình trạng khô hạn, ông Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã yêu cầu Ban Xây dựng năng lực và Thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh Ninh Thuận khẩn trương hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng công trình: đấu nối, mở rộng hệ thống cấp nước Phước Đại - Phước Thành (ở huyện Bác Ái) và hệ thống cấp nước thôn Tà Nôi (ở huyện Ninh Sơn); dự án đấu nối đường ống cấp nước Phước Trung cấp nước cho thôn Suối Le (xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc). UBND tỉnh quyết định đầu tư bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới để đảm bảo điều kiện cấp nước cho một số vùng đang khan hiếm nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn 2 huyện Bác Ái và Thuận Bắc.

Để giải quyết tình trạng hơn 82.000 hộ dân ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Ninh Sơn có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt (vì thượng nguồn là hồ Đơn Dương ở Lâm Đồng đang cạn kiệt), lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận yêu cầu cơ quan chức năng chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, nhân lực nhằm khắc phục ngay các sự cố để giảm thiếu mất nước; đồng thời khẩn trương đấu nối các công trình cấp nước tập trung, đáp ứng nguồn nước và đảm bảo chất lượng nước cấp.

Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn Nguyễn Văn Nhuận cho biết, huyện đang triển khai mô hình “ATM nước” tại các xã thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Tại các điểm này, hàng ngày UBND xã bơm nước vào các bồn chứa để người dân cần nước đến lấy về dùng. Mô hình này đang triển khai hiệu quả tại 15 điểm. Huyện đang kiến nghị UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ cho địa phương hơn 4,2 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư các công trình chống hạn trên địa bàn, đào và nạo vét 25 ao chứa nước, 8 đập dâng, ngăn dòng tại 25 địa điểm, triển khai 2 trạm bơm dã chiến, khoan 6 giếng nước và sửa chữa một số hệ thống nước sinh hoạt trên địa bàn.

Tin cùng chuyên mục