Nan giải cung cấp nước sạch dịch vụ cao

Ngành cấp nước TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức trên con đường dẫn đến mục tiêu nâng cấp, đảm bảo người dân tiếp cận nước sạch với dịch vụ cao, như uống trực tiếp tại vòi, đảm bảo áp lực và chất lượng đồng đều trên hệ thống. 
Nhân viên Phòng Quản lý chất lượng nước (Sawaco) phân tích, giám sát chất lượng nước sạch trước khi cung cấp cho người dân
Nhân viên Phòng Quản lý chất lượng nước (Sawaco) phân tích, giám sát chất lượng nước sạch trước khi cung cấp cho người dân

Bên cạnh tình trạng ô nhiễm, xâm nhập mặn gia tăng khiến chất lượng nước thô suy giảm, thì giá nước sạch được cho là chưa tạo điều kiện để công ty cấp nước tự chủ tài chính.

Công nghệ mới xử lý nước sông ô nhiễm

Tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu, ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân - khuyến nghị cho TPHCM giai đoạn 2019-2035, lãnh đạo UBND TPHCM cùng nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước thô, đe dọa đến an toàn cấp nước cho TPHCM. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về nước khu vực châu Á (thuộc Đại học Bách khoa TPHCM), PGS-TS Nguyễn Phước Dân nhận xét chất lượng nguồn nước cấp đang diễn biến ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến nhu cầu cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, đến sự phát triển bền vững của TPHCM.

Theo PGS-TS Nguyễn Phước Dân, nguyên nhân chính của ô nhiễm nước là do sự gia tăng các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của con người, đặc biệt là ở thượng nguồn sông Sài Gòn - Đồng Nai. Trong đó, nhóm nguồn thải công nghiệp (trên 60.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và gần 50 khu công nghiệp, khu chế xuất) là nguồn chính yếu gây ô nhiễm nước hệ thống sông Đồng Nai. Bởi lẽ, phần lớn các cơ sở này xả thẳng nước thải ô nhiễm ra môi trường.

Sở Xây dựng TPHCM cũng nhìn nhận, chất lượng nước mặt sông Đồng Nai, đặc biệt là sông Sài Gòn có xu hướng xấu đi. Các chỉ tiêu amonia, hữu cơ, vi sinh, mangan… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng. Trước thực trạng này, các nhà máy nước trên địa bàn TPHCM đã ứng dụng nhiều công nghệ mới giúp chất lượng nước sạch ổn định và từng bước nâng cao. Đặc biệt là thử nghiệm thành công công nghệ có khả năng xử lý nguồn nước sông bị ô nhiễm (như công nghệ xử lý sinh học UBCF xử lý nguồn nước sông Sài Gòn bị ô nhiễm hữu cơ, amonia, mangan). Kết quả này là cơ sở cải tiến quy trình công nghệ để thích ứng với tình huống nguồn nước thô xấu đi và đáp ứng yêu cầu nâng cấp chất lượng nước sạch. Song, để triển khai được các công nghệ xử lý mới này, cần tiếp tục xem xét, bố trí về vốn và kế hoạch đầu tư, lộ trình giá nước phù hợp.

Giá nước thấp, ngân sách phải bù

Lãnh đạo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cam kết sẽ đảm bảo cung cấp nước chất lượng, an toàn và liên tục cho người dân thành phố. Tuy nhiên, Sawaco đang gặp một số khó khăn, trong đó có vấn đề vốn đầu tư xây dựng. Trước bối cảnh nguy cơ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nhiệm vụ đảm bảo cung cấp nước sạch an toàn, liên tục cho TPHCM càng thêm khó khăn. Bởi lẽ, để thực hiện được nhiệm vụ nêu trên, ngành cấp nước thành phố phải tiếp tục bổ sung các hạng mục công trình và giải pháp an toàn cấp nước, như các công trình dự phòng, hồ chứa nước thô, các bể chứa phân phối trên mạng, đổi mới công nghệ xử lý nước…

Các hạng mục này đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn. Nhưng, theo Sawaco, giá nước sạch hiện nay đang áp dụng căn cứ vào một quyết định cách nay gần 10 năm. Tháng 12-2009, UBND TPHCM có quyết định về giá nước lộ trình từ ngày 1-3-2010 đến hết ngày 31-12-2013. Hết thời gian trên, giá nước vẫn chưa được điều chỉnh nên ngành cấp nước đang gặp nhiều khó khăn. “Trong thời gian dài giá nước chưa được tăng tương ứng với chi phí cần thiết cho quản lý vận hành, đã ảnh hưởng đến việc đầu tư phát triển hệ thống cũng như cung cấp nước sạch với dịch vụ cao”, đại diện Sawaco phân trần.

Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cũng nhận xét, hoạt động cấp nước đang gặp một số khó khăn. Trong đó, giá nước (do UBND cấp tỉnh ban hành) chưa theo kịp hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và giá nước sạch chưa bao gồm hoạt động đầu tư bảo đảm cấp nước an toàn (như quản lý rủi ro, dự phòng nguồn nước, đầu tư dự phòng bể chứa, đường ống truyền tải…). Phân tích sâu hơn, Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Văn Thiền cho rằng giá dịch vụ cấp nước tại TPHCM hiện quá thấp, thậm chí thấp hơn các tỉnh lân cận. Ngân sách TPHCM không thể hỗ trợ hoài được, vì còn nhiều nhiệm vụ quan trọng khác phải thực hiện. Vì thế, giá nước cần thông thoáng hơn theo cơ chế thị trường. Đây cũng là điều kiện để công ty cấp nước tự chủ tài chính trong đầu tư phát triển như những doanh nghiệp khác.

Hiện nay, TPHCM chủ yếu khai thác nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn (94% và 6% còn lại là nước ngầm) để sản xuất nước sạch, cung cấp gần 1,9 triệu m3/ngày cho 100% người dân TPHCM. 

Theo Sở Xây dựng TPHCM, tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch trên địa bàn thành phố hiện nay là hơn 22%, vượt chỉ tiêu theo quy hoạch (đến năm 2025 tỷ lệ này là 25%). 

Tin cùng chuyên mục