Nạn nhân bất đắc dĩ

Con người không phải là nạn nhân duy nhất của Covid-19. Voi - “thỏi nam châm” thu hút du khách đến Thái Lan - là một trong những loài động vật bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì voi  phụ thuộc vào doanh thu từ ngành du lịch.

Từ tháng 1, khi khách du lịch bắt đầu suy giảm và các quốc gia bắt đầu đóng cửa biên giới, ngành du lịch Thái trở nên khó khăn. Tình hình càng bi đát hơn khi Chính phủ Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào ngày 26-3, khiến đất nước Thái Lan bị phong tỏa một phần. Các trại voi  khắp Thái Lan đã phải đóng cửa để tuân thủ tình trạng khẩn cấp. Theo báo Bangkok Post, Trung tâm Cứu hộ và phục hồi động vật ở quận Mae Taeng, Chiang Mai có tổng cộng 87 con voi. Những con voi này đã được cứu khỏi những điều kiện hiểm nghèo. Trước đây, du khách trả 12.000 baht để ở lại trại trong một tuần và chăm sóc những chú voi. Thu nhập được tạo ra không chỉ chăm sóc đàn voi mà cho cả hơn 2.000 động vật khác được giải cứu như heo rừng, ngựa và trâu.

Mỗi tháng, trung tâm này chi hơn 3 triệu baht cho thực phẩm và chăm sóc sức khỏe của động vật, cũng như trả lương nhân viên. Vì vậy, sự vắng bóng của du khách đã làm tổn hại đến tài chính của trung tâm khi họ vẫn cố gắng duy trì hoạt động và không sa thải gần 90 nhân viên. Vì vậy, theo bà Saengduan, chủ trung tâm, nhân viên đã được huy động cắt cỏ và các loại cây khác để nuôi voi. Trại của bà Saengduan cũng đã đăng thư thỉnh cầu lên tài khoản Facebook nhờ nông dân gửi nông sản phế thải như vỏ bắp để trại có thể nuôi voi.

“Chúng tôi không bao giờ có ý định xin tiền, vì chúng tôi biết mọi người đang gặp khó khăn. Chúng tôi chỉ muốn tìm cách cho voi ăn”, bà Saengduan nói. 

Ngay sau đó, các cuộc gọi điện thoại dồn dập của nông dân thông báo đóng góp thức ăn thừa cho voi hoặc cho phép nhân viên trung tâm tới trang trại của họ cắt cỏ, bụi tre mang về cho động vật ăn. “Người Thái thật tuyệt vời. Họ vẫn sẵn sàng giúp đỡ người khác ngay cả khi họ đang gặp khó khăn”, bà Saengduan xúc động nói. Bà cho biết thêm có những người thu nhập cũng rất khó khăn nhưng vẫn bỏ ra 50 baht giúp nuôi động vật. Số tiền đó rất đáng trân trọng.

Đến nay, các khoản đóng góp đã đạt hơn 3 triệu baht. Các khoản đóng góp không chỉ được sử dụng để giúp trang trải các hoạt động của trung tâm,  một phần của số tiền này cũng đang được sử dụng để giúp 892 con voi khác sống trong 60 trại trên khắp đất nước Thái Lan, cũng như các cộng đồng tham gia bảo tồn voi. Theo bà Saengduan, tác động kinh tế của Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến ít nhất 2.000 con voi tại Thái Lan. Nếu dịch bệnh kéo dài, các trại và chủ sở hữu sẽ khó tìm được tiền để nuôi voi. Bà lưu ý rằng mỗi con voi tiêu thụ 200-400kg thức ăn mỗi ngày, tùy thuộc vào trọng lượng của chúng. Ước tính chi phí nuôi mỗi con voi tốn 400-600 baht/ngày. Ngoài dịch Covid-19, bà Saengduan cho biết các động vật của trung tâm cũng đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng tồi tệ trong khu vực. Trong mùa cháy rừng, rất nhiều động vật sẽ gặp vấn đề về hô hấp.

Tin cùng chuyên mục