Liên tục tuyển dụng
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều hãng hàng không có trụ sở tại TPHCM liên tục phát đi thông báo tuyển dụng hàng trăm nhân viên, trong đó có tiếp viên hàng không, với mức thu nhập cũng như chế độ đãi ngộ khá tốt. Trước thời điểm dịch Covid-19, mức thu nhập hàng tháng của các tiếp viên hàng không từ 20-40 triệu đồng/người, tùy chức vụ.
Tương tự, các doanh nghiệp du lịch như Saigontourist Group, Vietravel, TST Tourist… cũng đồng loạt gửi thông báo trên trang web chính thức song song với việc gửi tin tuyển dụng đến các trường đại học, cao đẳng…
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist, việc tuyển nguồn mới, nhất là sinh viên vừa tốt nghiệp, thường phải đào tạo lại mới đáp ứng được nhu cầu du lịch tăng dần trong thời gian tới.
Ước tính của Sở Du lịch TPHCM, có trên 70% lao động ngành du lịch nghỉ việc hoặc chuyển đổi ngành nghề sau dịch Covid-19, điều này tạo áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú… Dự tính, những tháng cuối năm, lượng khách đổ về TPHCM khá lớn để vui chơi, trải nghiệm các hoạt động lễ hội, nên cần số lượng lớn nhân viên phục vụ.
“Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, nhiều điểm đến khách tăng đột biến, các nhà hàng không bổ sung nhân viên kịp thời khiến khách phải chờ đợi rất vất vả”, chị Nguyễn Lê Thái Thảo, ngụ Đắk Lắk, có dịp du lịch mùa cao điểm ở TPHCM, phàn nàn.
Trước thực tế này, nhiều nhà hàng, làng du lịch cho hay đã chủ động bổ sung nhân viên nhằm giữ chân thực khách, nhưng vẫn cần thêm thời gian để họ làm quen với công việc mới. Lãnh đạo Làng du lịch Bình Quới, Nhà hàng Phố 79 chia sẻ, “khát” nhân sự đang là khó khăn chung của ngành du lịch TPHCM nói riêng, cũng như nhiều tỉnh, thành cả nước nói chung.
Chuyên gia về bánh Trần Thị Hiền Minh nhận định, môi trường làm việc trong ngành du lịch nói chung, nghề bếp nói riêng rất rộng mở, nhưng đòi hỏi sự kiên trì, đam mê. Thị trường hiện đang khát nhân lực là có thực, nhưng nói chính xác là thiếu người làm được việc, đủ nhiệt huyết với nghề. Bổ sung thông tin này, bà Thái Thị Hoài Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên TPHCM, cho hay, thời gian tới, ngành quản trị du lịch và lữ hành vẫn tiếp tục “nóng”, vì nhu cầu du lịch của người dân trong và ngoài nước tiếp tục gia tăng. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã có những ký kết hợp tác với các trường đại học, cao đẳng nhằm “đặt hàng” đào tạo sinh viên, khi các bạn trẻ này tốt nghiệp sẽ được doanh nghiệp đón về làm việc.
Tăng cường đào tạo
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, nhìn nhận, nhận thức rất rõ về hạn chế thiếu hụt nguồn nhân lực sau dịch Covid-19, nên sở đang giao nhiệm vụ cho Phòng Lữ hành khẩn trương khảo sát các đơn vị liên quan, từ đó có giải pháp phù hợp phát triển đào tạo nguồn nhân lực. Thời gian tới, sở cũng triển khai thêm các hội nghị thỏa thuận hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh, thành nhằm tập trung giải quyết nguồn nhân sự du lịch. Song song đó, sở cũng phối hợp với các trường đào tạo công bố các chương trình tài trợ, ưu đãi cho nhóm nhân sự chuyên mảng du lịch, lưu trú khi theo các khóa học dài hạn, ngắn hạn,… Ví dụ, mới đây sở phối hợp với Trung tâm tiếng Hàn Quốc, Lãnh sự quán Nhật Bản tổ chức lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Nhật, Hàn Quốc, Tây Ban Nha cho đội ngũ hướng dẫn viên…
Theo bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc nhân sự Công ty Du lịch Vietravel, khoảng 90% ứng viên mới tốt nghiệp phải đào tạo lại để có thể thích ứng với công việc thực tế. Hạn chế của ứng viên mới ra trường là kỹ năng giao tiếp, xử lý các tình huống với khách hàng, đồng nghiệp, cũng như năng lực ngoại ngữ hạn chế, thái độ làm việc chưa như kỳ vọng, nên việc đào tạo lại cho các bạn trẻ này mất khá nhiều thời gian. Do vậy, bà Việt Hương cho rằng, để triển khai chương trình đào tạo thành công, doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí, nhân lực, thời gian tương xứng mới đem lại hiệu quả thực sự.
Bà Đoàn Trần Phương Thảo, Giám đốc nhân sự Tập đoàn Khách sạn IHG khu vực phía Nam, ước tính, ngành du lịch TPHCM hiện đang cần khoảng 40.000 lao động có trình độ. Thế nhưng, hiện các trường đào tạo tay nghề cao mới đáp ứng khoảng 15.000 người. Khó khăn chính hiện nay, theo bà Thảo, là các chương trình đào tạo chưa bám sát thực tế công việc; kết cấu chương trình đào tạo thiếu liên thông, không đồng nhất; nhân lực du lịch có trình độ ngoại ngữ chưa cao… “Doanh nghiệp nên tập trung xây dựng đội ngũ kế thừa từ các ứng viên tiềm năng, chú trọng nhân lực sinh viên, gắn kết với các trường đào tạo chất lượng cao. Kế đến, nội địa hóa nhân lực trong nước; lập kế hoạch tuyển dụng hiệu quả, đảm bảo phúc lợi nhân viên”, bà Phương Thảo gợi ý.
Cẩn trọng lừa đảo tuyển dụng
Một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TPHCM vừa phát đi cảnh báo về tình trạng mạo danh website của họ để tuyển dụng nhiều vị trí nhân sự với mức thu nhập hấp dẫn. Chẳng hạn, có trang web nhái Saigontourist Group thông báo tuyển giám đốc kinh doanh với mức lương thử việc 45 triệu đồng/người, chính thức 50-60 triệu đồng/người. Nội dung công việc gồm tham mưu cho lãnh đạo về chiến lược phát triển công ty, xây dựng, thiết kế các sản phẩm du lịch trong và ngoài nước…
Tương tự, Vietravel, TST Tourist cũng khuyến cáo, doanh nghiệp này hoàn toàn không tuyển nhân viên làm việc online tại nhà, thanh toán tour online hộ… Các doanh nghiệp trên lưu ý, nếu có nhu cầu tìm việc, ứng viên có thể vào trang web công ty hoặc gọi đến tổng đài để được tư vấn cụ thể.