Nâng chất dịch vụ, chung tay đón khách

Câu chuyện làm mới sản phẩm cũ để đón khách đã không còn xa lạ đối với ngành du lịch TPHCM, nhưng điều thú vị hơn chính là các ngành nghề đã chủ động liên kết, chung tay đón khách. Sự nỗ lực của các ngành du lịch, công thương và doanh nghiệp dịch vụ… đã và đang giúp du lịch TPHCM khởi sắc.
Khách tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TPHCM dịp lễ Quốc khánh 2-9
Khách tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TPHCM dịp lễ Quốc khánh 2-9

Giải trí, ngắm phố đêm

Ghi nhận tại một số hãng lữ hành như Saigontourist, Vietluxtour, Du lịch Việt… lượng khách đến các khu vui chơi giải trí, trung tâm TPHCM mua sắm, ăn uống trong cao điểm dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9 vừa qua tăng đáng kể. Từ tín hiệu tích cực này, các hãng lữ hành dự tính, dịp cuối năm nay sức mua sắm, chi tiêu sẽ được cải thiện; trong đó nhu cầu vui chơi tại chỗ, trải nghiệm các điểm du lịch gần có xu hướng tăng.

Ông Phạm Anh Vũ, Giám đốc Truyền thông Công ty CP Du lịch Việt, nhìn nhận, ngoài các điểm đến văn hóa lịch sử ở khu vực trung tâm TPHCM, khu vực Chợ Lớn, các khu phố đêm… được du khách quan tâm nhiều. Một số tour nội đô và các tour ngắn ngày như tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm tuyến sông đô thị… tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước. “Nhìn chung, các doanh nghiệp đang nỗ lực cùng nhà cung cấp đảm bảo mức giá tốt và dịch vụ chất lượng nhất cho du khách. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn đẩy mạnh bán các sản phẩm du lịch ẩm thực, giải trí về đêm”, ông Phạm Anh Vũ chia sẻ và thông tin thêm, mới đây, Sở Du lịch TPHCM công bố 366 điểm di tích văn hóa lịch sử sẽ là cơ hội rất lớn để phát triển tour nội đô, đặc biệt là tour nửa ngày đến 1 ngày. Điển hình như di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TPHCM. Thống kê của Sở Du lịch TPHCM cho thấy, sức hấp dẫn của chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND - UBND TPHCM năm 2023... ngày càng lớn. Tính đến ngày 1-10, sau 3 đợt tổ chức, chương trình đã thu hút gần 5.000 lượt khách tham quan. Mỗi đoàn khách để lại những cảm xúc, tình cảm khác nhau khi tham quan di tích này, nhưng tất cả đều có ấn tượng tốt và hứng khởi khám phá trụ sở hành chính nghiêm trang đậm tính nghệ thuật kiến trúc với nhiều ý nghĩa lịch sử.

Cùng với mở cửa nhiều điểm di tích văn hóa lịch sử để đón khách, ngành du lịch TPHCM tiếp tục thực hiện các triển lãm về đặc trưng văn hóa, lối sống và con người TPHCM qua các chuyên đề, như “Nét đẹp nhân ái, nghĩa tình con người TPHCM” vào ngày 28 và 29-10; “TPHCM - đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa” vào ngày 25 và 26-11 và chuyên đề “Sắc màu trẻ thơ” trong tháng 12 tới.

Xây dựng dòng khách chi tiêu cao

Theo các hãng lữ hành, Việt Nam được đánh giá là điểm đến được du khách châu Á - Thái Bình Dương ưu tiên trong 6 tháng đầu năm 2023, chứng tỏ sự quan tâm ngày càng cao của du khách quốc tế đối với Việt Nam. Bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông Lữ hành Saigontourist, nhìn nhận, ngành du lịch từng bước phục hồi, nhưng xu hướng tiêu dùng hiện tại đã có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp phải từng bước thích ứng, xây dựng được các nhóm khách hàng riêng biệt với mức chi tiêu cao. “Khách quốc tế đến Việt Nam sau dịch Covid-19 có sự thay đổi lớn cả về chất và lượng. Riêng lượng khách yêu cầu các dịch vụ chất lượng 4-5 sao tại Lữ hành Saigontourist có sự tăng trưởng tốt so với thời điểm trước dịch”, bà Đoàn Thị Thanh Trà chia sẻ.

Tương tự, đối với Vietravel, việc kết nối, trao đổi với đối tác ở thời điểm trước, trong và sau dịch Covid-19 được thực hiện thường xuyên. Do vậy, doanh nghiệp luôn có những nhóm “khách ruột”, gắn bó lâu dài. Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, cho biết, việc nắm bắt thị hiếu tiêu dùng, nâng chất lượng dịch vụ được doanh nghiệp thực hiện triệt để. Hiện tại, Vietravel đều đặn có sản phẩm du lịch liên tuyến, đưa khách tham quan điểm đến nổi bật của TPHCM cũng như các tỉnh khu vực ĐBSCL, Tây Nguyên, Đông Bắc, Tây Bắc…

Theo ông Phạm Anh Vũ, thời gian gần đây, các tour du lịch nội đô và các điểm đến văn hóa, lịch sử tại TPHCM nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân lẫn du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh các điểm đến quen thuộc như Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh; các tour ngắn hạn chỉ trong 2 giờ như trải nghiệm xe buýt 2 tầng, buýt đường sông… đã và đang là lựa chọn của du khách, đặc biệt là nhóm khách gia đình, giới trẻ. “Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn khách quan trong việc xây dựng sản phẩm thực sự đặc sắc để đón khách, cũng như phát huy các lợi thế của đô thị trung tâm văn hóa, kinh tế TPHCM”, ông Phạm Anh Vũ trăn trở.

Nhiều chuyên gia kinh tế, du lịch đánh giá, TPHCM có lợi thế rất lớn về du lịch sông nước, nhưng chưa biết cách khai thác hiệu quả trong khi TPHCM là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp du lịch lớn hàng đầu cả nước. Vậy làm sao để có thể khai thác tốt nhất thế mạnh này? Câu trả lời được các chuyên gia đưa ra chính là sự chung tay giữa các sở ngành, doanh nghiệp, người dân nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như không “chặt chém” du khách, không xả rác bừa bãi, nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ… Bên cạnh đó là chiến lược phát triển du lịch bền vững vì cộng đồng; hướng đến thu hút dòng khách chi tiêu cao…

Báo cáo của Cục Thống kê TPHCM cho thấy, 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (bán lẻ, dịch vụ lưu trú ăn uống, dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác) trên địa bàn ước đạt 871.198 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng cho thấy khách du lịch đến TPHCM tăng, chứng tỏ việc thực hiện gia hạn visa, đa dạng sản phẩm du lịch, mở thêm tuyến, điểm du lịch đang phát huy tác dụng.

Tin cùng chuyên mục