Nâng chất nguồn nhân lực y tế cơ sở

Nâng chất nguồn nhân lực y tế cơ sở

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25-10-2023 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.

Thực tế, thời gian qua, tại TPHCM, việc củng cố nâng chất YTCS được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp thiết thực; là điểm sáng của cả nước, góp phần xây dựng vững chắc "thành trì" chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, nhấn mạnh TPHCM đã và đang tập trung nhiều nguồn lực củng cố, nâng chất hệ thống YTCS; đây là mục tiêu trọng tâm của ngành y tế thành phố nhằm chăm sóc tốt hơn sức khỏe người dân.

Thời gian qua, ngành y tế TPHCM nhận được sự phối hợp chặt chẽ của lãnh đạo UBND quận, huyện, TP Thủ Đức triển khai đồng loạt các giải pháp giúp phát huy hiệu quả các chính sách bổ sung nhân lực cho trạm y tế (TYT). Các bệnh viện đa khoa thành phố, trung tâm y tế, trạm y tế đã phối hợp nhịp nhàng dưới sự hướng dẫn và giám sát của Sở Y tế, góp phần quan trọng triển khai thành công Chương trình thực hành lâm sàng tại bệnh viện đa khoa gắn với TYT, giúp cho người dân được đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe ban đầu toàn diện và cảm thấy an tâm hơn, vì TYT có đủ nhân lực chuyên môn để có thể kịp thời cấp cứu, xử trí ban đầu.

Từ khi thực hiện NQ 01/2022/NQ-HĐND về các chính sách đặc thù củng cố, nâng cao năng lực TYT phường, xã, thị trấn trong giai đoạn mới, số lượng nhân lực được thu hút, tăng cường cho TYT đến hết tháng 8-2023 là 1.123 người, tổng kinh phí chi trả từ tháng 4-2022 đến 8-2023 là gần 66,5 tỷ đồng, qua các chính sách như: Tăng cường nguồn nhân lực cho TYT đối với bác sĩ tham gia Chương trình thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với TYT; thu hút người lao động cao tuổi có chuyên môn tham gia công tác tại TYT; hỗ trợ kinh phí hợp đồng nhân viên vệ sinh, bảo vệ làm việc tại TYT…

Ngoài ra, ngành y tế thành phố tiếp tục ưu tiên ngân sách chi không thường xuyên cho cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng các TYT đủ điều kiện chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, các bệnh viện thành phố tiếp tục hỗ trợ các bác sĩ của TYT thông qua kết nối và tư vấn từ xa, góp phần tạo niềm tin cho người dân khi đến khám, chữa bệnh ban đầu tại các TYT.

Hiện nay, mức thu nhập của bác sĩ và nhân viên y tế tại tuyến YTCS còn thấp, không thể cạnh tranh với các đơn vị tư nhân và cả các bệnh viện công lập, nên việc thu hút người lao động cao tuổi có chuyên môn y tế (theo NQ 01/2022/NQ-HĐND) vẫn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, không phải tất cả bác sĩ mới tốt nghiệp đều muốn tham gia Chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện đa khoa gắn với TYT.

Khóa đầu tiên của chương trình này có 295 bác sĩ tham gia. Trong quá trình thực hành, có 25 bác sĩ xin không tiếp tục chương trình vì nhiều lý do khác nhau, 270 bác sĩ còn lại đã hoàn thành chương trình (chiếm 91,5%). Tháng 10-2022, Sở Y tế tiếp tục phối hợp Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Đại học Y Dược TPHCM trao đổi và giới thiệu cho các bác sĩ mới ra trường của năm 2022 đăng ký tham gia chương trình thực hành. Tuy nhiên, tỷ lệ bác sĩ tốt nghiệp tham gia chương trình còn thấp (132 bác sĩ tham gia/1.200 bác sĩ tốt nghiệp).

Bên cạnh đó, tuyến YTCS, đặc biệt trung tâm y tế, TYT vẫn chưa thu hút được bác sĩ lựa chọn công tác sau khi hoàn thành chương trình thực hành. Tại “Ngày hội việc làm” dành cho bác sĩ hoàn thành Chương trình thực hành tại bệnh viện gắn với TYT do Sở Y tế tổ chức, chỉ có 21 trong tổng số 207 bác sĩ lựa chọn về trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức (chiếm 10%). Nguyên nhân là điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật khám, chữa bệnh tại tuyến YTCS chưa cao, chính sách và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp chưa rõ ràng.

Nếu bác sĩ nội trú luôn được xác định là loại hình đào tạo không thể thiếu, vì chất lượng của loại hình nhân lực này phù hợp sự phát triển của các bệnh viện, vậy loại hình nhân lực nào sẽ chất lượng cao dành cho YTCS? Đây là câu hỏi nghiêm túc mà nhà hoạch định chính sách y tế cần đi tìm lời giải.

Một thời gian rất dài cho đến nay, gần như các trưởng TYT phường, xã đều rất mừng khi nghe tin có bác sĩ về công tác (trường hợp luân phiên bác sĩ từ tuyến trên về hỗ trợ), hoặc được tiếp nhận bác sĩ mới (trường hợp tuyển dụng nhân lực cho TYT), mà không cần biết bác sĩ có chứng chỉ chuyên ngành gì, miễn sao có là tốt rồi! Đó là thực trạng đáng lo về nguồn lực bác sĩ cho YTCS.

Thực tiễn cho thấy, yêu cầu đầu tiên trong nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực YTCS là phải xác định rõ loại hình nhân lực y tế nào phù hợp. Từ đó, xây dựng các hướng dẫn, cơ chế chính sách để phát triển và thu hút.

Tại TPHCM, sau gần 2 năm thí điểm hướng dẫn thực hành tại bệnh viện gắn với TYT, cho thấy các bác sĩ đã có những trải nghiệm thực tế trong công tác khám chữa bệnh ban đầu tại TYT. Tiếp cận được một môi trường làm việc hoàn toàn khác với môi trường bệnh viện giúp các bác sĩ hiểu và cảm thông hơn mong mỏi của người dân; từ đó, nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn và nhất là có thêm trải nghiệm trong chăm sóc và quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.

Rõ ràng, những mặt tích cực này sẽ khó có được nếu chỉ đào tạo thực hành trong môi trường bệnh viện. Tại các quốc gia có hệ thống khám chữa bệnh ban đầu phát triển mạnh, câu trả lời đã rõ, loại hình bác sĩ “GP” (General Practitioner), có thể tạm dịch là “bác sĩ thực hành tổng quát”, chính là nguồn nhân lực chính đảm trách công tác khám chữa bệnh ban đầu.

Nhiều quốc gia đào tạo “bác sĩ thực hành tổng quát” ngay sau khi đã tốt nghiệp chương trình đào tạo bác sĩ y khoa tại các trường đại học, thời gian đào tạo thường trong vòng 12 tháng, như tại Anh, Úc, Canada và một số nước khác.

Ở Anh, các bác sĩ tham gia Chương trình đào tạo bác sĩ GP sẽ thực hành tại các phòng khám GP ở các cộng đồng khác nhau trên khắp đất nước. Các phòng khám này có thể là công lập, tư nhân hoặc thuộc các tổ chức phi lợi nhuận.

Trong năm đầu tiên của chương trình đào tạo, các bác sĩ sẽ thực tập tại một phòng khám GP dưới sự giám sát của một bác sĩ GP có kinh nghiệm. Họ tham gia tất cả các khía cạnh của chăm sóc sức khỏe ban đầu, bao gồm khám bệnh, chẩn đoán, điều trị và tư vấn.

Trong các năm tiếp theo, các bác sĩ sẽ tiếp tục thực hành tại các phòng khám GP khác nhau, mỗi phòng khám tập trung một lĩnh vực cụ thể của chăm sóc sức khỏe ban đầu, chẳng hạn chăm sóc bệnh mạn tính, sức khỏe tâm thần hoặc sức khoẻ trẻ em.

Để được nhận vào Chương trình đào tạo bác sĩ GP ở Anh, ứng viên phải có bằng cấp y khoa từ một trường đại học được công nhận và phải vượt qua kỳ thi tuyển sinh.

Không. Đây là hai thuật ngữ khác nhau, nhưng có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là bác sĩ thực hành tổng quát, chuyên cung cấp chăm sóc sức khỏe ban đầu và đều có thể chẩn đoán, điều trị các bệnh thông thường, kê đơn thuốc, giới thiệu bệnh nhân đến các bác sĩ chuyên khoa khi cần thiết.

Cả hai đều có thể làm việc tại các phòng khám, bệnh viện, hoặc cơ sở chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Điểm khác biệt là: thời gian đào tạo bác sĩ GP thường trong 6 năm (bao gồm 4 năm đầu học y khoa đại cương và 2 năm thực tập), còn bác sĩ FD thường được đào tạo trong 8 năm (bao gồm 4 năm học y khoa đại cương, 3 năm nội trú và 1 năm thực tập).

Về phạm vi thực hành thì bác sĩ GP tập trung chăm sóc sức khỏe ban đầu, trong khi bác sĩ FD có thể tham gia nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe cộng đồng hơn.

Tin cùng chuyên mục