Nên đấu thầu dự án thu phí không dừng

Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo và nhắc nhở triển khai thu phí không dừng đối với các dự án BOT giao thông trên cả nước, nhưng tiến độ thực hiện vẫn chậm. Lại thêm một lần nữa, dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 đã không theo đúng cam kết đưa vào vận hành cuối năm 2019.
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ (TPHCM) đã áp dụng thu phí tự động không dừng
Trạm thu phí cầu Phú Mỹ (TPHCM) đã áp dụng thu phí tự động không dừng

Chậm tiến độ dự án

Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai dự án thu phí tự động không dừng. Cụ thể, giai đoạn 1 có 44 trạm được bổ sung vào dự án, gồm 26 trạm trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Tây Nguyên), cùng 18 trạm trên các tuyến cao tốc và quốc lộ khác. Trong số đó, đến nay đã lắp đặt vận hành 25 trạm trên quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ. Riêng 5 tuyến cao tốc do Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VN (VEC) quản lý, thì chỉ có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đang được lắp đặt thiết bị, 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai.

Nguyên nhân chậm tiến độ được cho là vì nguồn vốn đầu tư hệ thống thiết bị không dừng (ETC) tại các trạm thu phí do hiệp định vay vốn các dự án đã hết, chuyển VEC về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phân cấp giữa Bộ GTVT và ủy ban trên chưa rõ ràng, cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Vướng mắc lớn nhất tại giai đoạn 1 hiện nay là doanh thu hoàn vốn cho dự án ETC không như dự kiến ban đầu vì tiến độ ký hợp đồng dịch vụ, trích doanh thu còn chậm. Nhiều dự án BOT giảm doanh thu so với phương án tài chính, cũng làm ảnh hưởng đến nguồn thu của dự án.

Thu phí tự động không dừng mang lại lợi ích rất lớn về kinh tế, hiệu quả xã hội. Nước ta có cả trăm trạm thu phí BOT, nếu tất cả được áp dụng thu phí tự động không dừng, ước tính tiết kiệm hơn 3.000 tỷ đồng/năm. Theo tính toán, thống kê mỗi lần dừng xe nộp phí đã làm chậm hành trình 2 - 3 phút, tiêu tốn thêm nhiên liệu khi lưu thông trên cao tốc. Thu phí không dừng còn tiết kiệm thời gian lưu thông cho hành khách và hàng hóa, đỡ thiệt hại khoảng 2.800 tỷ đồng/năm, vừa tiết kiệm nhiên liệu mỗi lần dừng xe và tăng tốc trở lại ở mỗi trạm thu phí khoảng 233 tỷ đồng/năm; giảm ùn tắc giao thông, giảm nhân sự trực tiếp thu phí; cơ quan chức năng có thể quản lý các giao dịch qua trạm một cách công khai, giám sát được việc thu phí tại các trạm và minh bạch nguồn thu.

Thu phí tự động đã rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, ở nước ta thực trạng thiếu minh bạch tại một số trạm thu phí đã diễn ra từ lâu, cơ quan chức năng nhiều lần đốc thúc các chủ đầu tư thu phí tự động không dùng tiền mặt, nhưng việc thực thi vẫn rất chậm. Nếu tình trạng này kéo dài thì chắc chắn càng lãng phí, thiệt hại lớn cho xã hội.

Hạn chế chỉ định thầu

Có nhiều nguyên nhân làm chậm trễ việc hoàn thành thu phí áp dụng công nghệ tự động không dừng, trong đó có nguyên nhân chỉ định thầu. Điển hình là dự án (giai đoạn 1) tại các trạm thu phí đường bộ BOT mà Bộ GTVT đã triển khai và nhận được sự quan tâm từ nhiều nhà đầu tư có tên tuổi lớn nhưng không tổ chức đấu thầu, Bộ GTVT chỉ định liên danh Tasco - VETC làm nhà đầu tư dự án thu phí không dừng này theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - kinh doanh), mặc dù lúc đó nhiều doanh nghiệp khác cũng gửi đề án đến Bộ GTVT. Sau khi triển khai dự án, mất thời gian khá lâu, gặp trở ngại, liên danh Tasco - VETC đưa ra một loạt đòi hỏi và tăng vốn nhưng không được chấp thuận, thì kiến nghị trả lại dự án hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.

Dư luận thường lo ngại với các dự án được chỉ định thầu, vì rủi ro rất cao, thiệt hại xã hội gánh chịu. Dù rằng đã có cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, giám sát, nhưng nhiều dự án không qua đấu thầu khó đạt hiệu quả cao nhất, khó xác định được đúng giá thành thật sự. Chỉ định thầu dễ dẫn đến cơ chế xin - cho, tạo điều kiện cho tham nhũng, đội vốn đầu tư, giảm hiệu quả và chất lượng dự án. Rất nhiều dự án giao thông được chỉ định thầu cho thấy không hiệu quả, giá trị quyết toán nhỏ hơn tổng mức đầu tư ban đầu được duyệt. Chỉ định thầu sẽ không có cạnh tranh, khó chọn được nhà đầu tư có năng lực tốt nhất.

Bộ GTVT với vai trò quản lý nhà nước nên tạo sân chơi công bằng cho các doanh nghiệp, tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư thực hiện thu phí tự động không dừng để tránh độc quyền về mặt kỹ thuật, giá cả. Theo đó, cần đưa ra khung tiêu chuẩn chung để từng trạm BOT tự xúc tiến đầu tư và kết nối vào hệ thống chung, miễn sao người dùng chỉ cần sử dụng một loại thẻ để có thể thanh toán và đi được tất cả các trạm thu phí trên cả nước.

Tin cùng chuyên mục