Nên xem tạt axít là cố ý giết người

Vụ việc Nguyễn Văn Dũng (30 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) vì bị từ chối tình cảm mà ra tay tạt axít theo kiểu cố sát, làm nhiều người phỏng nặng trên đường Nguyễn Văn Cừ quận 5 TPHCM vào chiều 3-11 đã gây bàng hoàng và phẫn nộ trong dư luận.

Theo thông tin mới nhất từ bệnh viện, chị Hồng Kim H. (người từ chối tình cảm của Dũng, cũng là nguyên nhân khiến Dũng ra tay tàn độc) bị bỏng 30% cơ thể, những người khác bị bỏng mức độ nặng nhẹ khác nhau. Một lần nữa, vấn đề nhức nhối được đặt ra: vì sao nhiều người sẵn sàng tạt axít người khác khi có mâu thuẫn xảy ra?

Ngoài chuyện việc mua axít trên thị trường khá dễ dàng, nguyên nhân khác khiến những đối tượng chọn cách trả thù tàn nhẫn này là họ biết mức hình phạt nhận lãnh không nặng. Khi bị tạt axít, nạn nhân bị hủy hoại thân thể, chịu thương tật cả đời, thậm chí đau đớn sống không bằng chết. Không chỉ vậy, gia đình và xã hội cũng mất nhiều công sức, tiền bạc chăm sóc, nuôi dưỡng người bị thương tích nặng. Thế nhưng thông thường kẻ thủ ác chỉ bị “gỡ lịch” vài năm.

Theo quy định tại Điều 104 Bộ luật Hình sự về tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”, nếu nạn nhân bị thương tật từ 11% đến 30% thì mức án chỉ là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp nạn nhân bị thương tật 31% đến 60%, mức hình phạt từ 2 năm đến 7 năm (chưa kể nếu có tình tiết giảm nhẹ thì mức án sẽ thấp). Thậm chí phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm, cao nhất là tù chung thân. Rõ ràng, hình phạt đối với hành vi này chưa tương xứng với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do nó gây ra.

Từ vụ việc Nguyễn Văn Dũng tạt axít vừa qua, dư luận càng mong muốn hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm minh hơn. Dù hậu quả chết người chưa xảy ra, thế nhưng tính chất của loại hành vi này là cố tình hủy hoại cuộc đời của người khác theo kiểu khiến họ phải thân tàn ma dại cả thể xác lẫn tinh thần trong suốt phần đời còn lại. Do đó, cần thiết phải xếp hành vi này vào tội danh nặng nhất (tội “Giết người” theo quy định tại Điều 93 Bộ luật Hình sự, có mức án thấp nhất là 7 năm tù) với tình tiết nạn nhân chưa chết là ngoài ý muốn của hung thủ. Nếu không như vậy thì có thể tách hành vi này ra khỏi Điều 104 Bộ luật Hình sự, quy định thành một tội danh khác có khung hình phạt nặng hơn. Có như vậy mới đảm bảo được sự trừng phạt của pháp luật và tính răn đe, giáo dục phòng ngừa chung.

ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục