Nếp nhà

Giữ nếp nhà trước thách thức của thời gian, vượt những “cơn bão” lớn lẫn những va chạm vụn vặt thường nhật giống như cách chúng ta học bài học để trưởng thành, có thể lớn lên, nhưng cũng có thể tan vỡ chẳng còn gì. Muốn vậy, mỗi thành viên phải bỏ xuống một ít “cái tôi” bên ngoài cánh cửa.
Bữa cơm quê của đại gia đình 3 thế hệ
Bữa cơm quê của đại gia đình 3 thế hệ

Để nếp thành nhà

Dù đã bước vào tuổi trung niên, một vài thành viên chọn sống xa nhà nhiều chục năm nhưng với anh em chúng tôi, ngôi nhà chung của cha mẹ mới chính là nhà. Chúng tôi đều có nhà, gia đình và cuộc sống riêng ở một vùng đất khác, nhưng khái niệm về nhà mỗi dịp lễ tết đó là được về nhà cha mẹ; nỗi nhớ nhà là nhớ nơi chúng tôi cùng lớn lên, quây quần cho đến ngày nay.

Nhà tôi từng có khoảng thời gian dài mà anh rể, chị dâu, con cháu sống chung trong một đại gia đình hơn chục thành viên. Trong gần chục năm sống chung như một tập thể, không có những trận cãi vã lớn hay hiềm khích nhau. Thay vào đó, một người có chuyện, cả nhà tìm cách, người lớn bảo vệ người nhỏ, người nhỏ học người lớn, mở rộng cửa đón người mới về làm dâu rể hòa vào nếp. Khi con cháu lớn lên, anh chị đủ điều kiện ra riêng nhiều năm nhưng mỗi ngày những người ở quê đều đặn “xẹt” về nhà gặp nhau một cái, người xa quê tìm cách “gặp” qua điện thoại, tin nhắn.

Anh tôi định cư nước ngoài hơn 30 năm. Từ khi hậu duệ nhà anh được 1 tuổi, vợ chồng anh đã lên kế hoạch dù bận thế nào cũng thu xếp đưa con về nước 1 lần mỗi năm để con biết rằng còn có một gia đình lớn hơn. Bởi thế mà thằng cháu “tây con” học đến phổ thông cũng tự động khoanh tay dạ thưa khi thấy ông bà, cô chú trên điện thoại. Đó không phải là hình thức hay lễ nghi, mà là cái nếp những người xa nhà xa quê muốn nối dài sợi dây liên kết.

Mỗi năm, nhà tôi cố gắng có 1-2 chuyến đi cùng nhau. Đó là những chuyến đi gần 20 người có đầy đủ thành viên trong nhà, là hành trình vun vén cho một mái nhà thêm tròn đầy. Khi trưởng thành và bớt khó khăn hơn, chúng tôi chọn cho mình vị trí làm dấu gạch nối giữa những giá trị xưa cũ của cha mẹ với giá trị đương đại của chúng tôi và con cháu, cùng nhau tạo ra những giá trị chung, biến thói quen thành nếp, rồi gìn giữ sợi dây xuyên suốt âm thầm gắn kết lại với nhau.

Quy ước giữa những “cái tôi”

Cuộc sống đô thị hóa đề cao sự riêng tư nên gia đình - những hạt nhân của xã hội hiện đại - đang được phân chia nhỏ dần, ở nhiều nước đã ghi nhận gia đình chỉ có 1 thành viên. Và dù tư tưởng Nho giáo vẫn còn hiện diện trong quan niệm về gia đình, trật tự xã hội thì xã hội Việt Nam cũng không đứng ngoài dòng chảy của tiến hóa xã hội.

Ngày nay, một gia đình có 3-4 thế hệ cùng sinh sống đang trở thành chuyện hiếm có, khó tìm. Mỗi nhà chỉ có 1-2 con, đến 18 tuổi, trẻ nông thôn lên thành thị học lấy cái nghề, trẻ thành thị tìm đường xuất ngoại du học. Chúng học xong thường chọn an cư lạc nghiệp tại vùng đất hứa; những người trẻ chọn quay về quê xây đắp tương lai, sống gần cha mẹ không còn nhiều. Vậy là hạt nhân phổ biến nhất trong xã hội công nghiệp 4.0 chỉ còn một thế hệ, sợi dây gắn kết giữa các thế hệ và thành viên ngày càng mất đi giá trị vốn có.

Một trở ngại không nhỏ trong việc các thành viên trong gia đình gắn kết hòa thuận với nhau chính là sự khác biệt về giá trị, nhận thức, thế giới quan, bộc lộ rõ nhất là khoảng cách giữa các thế hệ. Nếp nhà chính là quy ước giữa các thành viên trong gia đình để duy trì mong muốn và dung hòa lợi ích chung. Trong rất nhiều trường hợp, ý chí của số đông hoặc người quyết định sẽ được ưu tiên, lấn át phần còn lại, dẫn đến phát sinh mâu thuẫn. Nhưng người trẻ thường sẽ không nhượng bộ khi “cái tôi” mâu thuẫn với lợi ích chung. Rất khác với thế hệ của cha mẹ chúng ta, thế hệ 9x và 2k khao khát khẳng định và làm chủ cuộc đời. Kế hoạch tương lai của mỗi cá nhân luôn được đặt lên trên mọi ước muốn của các mối quan hệ, kể cả ông bà, cha mẹ hoặc anh em.

Như bất kỳ gia đình lớn khác, nhà chúng tôi trong quá trình duy trì một tập thể cũng có những khó khăn. Đó là đông, vui nhưng chắc chắn sẽ hao tài chính hơn; là phải đưa ra được phương án hài hòa mong muốn của nhiều lứa tuổi cho một cuộc đi cùng nhau; đó là khi giận nhau thì phải có người phân xử. Và nghệ thuật gia nắm giữ chìa khóa hành xử trong 1 gia đình chính là những người lớn. Họ phải làm gương và trao cho con cháu tình thương yêu đồng đều, không thiên vị, đứa khó khăn phải được giúp đỡ nhiều hơn trong tình huống hợp lý; phân xử công bằng khi có mâu thuẫn.

Chẳng có những lời hoa mỹ, cha mẹ tôi chỉ đơn giản dạy con bằng những triết lý giản đơn mà thực tế: Nuôi con phải ăn đồng chia đủ, khi có chuyện thì 1 câu nhịn 9 câu lành, sống phải biết trước - sau - trên - dưới… Còn chúng ta thì học cách bỏ bớt “cái tôi” của mình để duy trì nếp nhà đã quy ước cùng nhau.

Không đợi lễ tết, khi có thể, chúng tôi xếp lại lịch học, làm việc để ưu tiên về nhà. Chính điểm tựa này giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn mắc kẹt trong mùa dịch. Ba thế hệ hẹn gặp nhau sau giờ cơm tối trên Facetime chỉ để hỏi hôm nay con ăn gì? Đứa bạn ở chung phòng đi tình nguyện về chưa?

Tin cùng chuyên mục